Tuesday, December 27, 2011

       
Sóng vỗ

Tống-Phước-Hiến

                                                        Tôi đứng đây, trên cồn hoang sóng vỗ,
Giữa mịt mù dồn dập tiếng giông đêm.
Vài vì sao, buông mình băng vội vã,
Chập chờn rơi, nghiêng cánh vỡ bên thềm.

Vây quanh tôi, khoảng không gian bát ngát,
Gió se lòng, ngùn ngụt lướt từng cơn.
Trời đẫm ướt, bóng đen ngăn lối bước,
Cỏ co mình, lệ đọng giọt cô đơn.

Những hàng cây lao xao rung thổn thức,
Vài bông hoa, ngậm nụ đợi sương rơi.
Từng tảng đá, trở mình xua hoang vắng,
Nối ngọn nguồn, giòng suối chảy miệt mài.

Cuối chân trời, ánh hừng đông le lói,
Ðêm cuốn dần, vũng tối nhạt nhòa đi.
Sóng bạc đầu, từ xa dâng cuồn cuộn,
Lớp lớp hàng hàng vội vã vỗ mê si.

Lòng xao xuyến giữa trời mây cô tịch,
Thương những Người nuôi chí cứu Quê-Hương.
Hận vong Quốc, từ xa xưa sử sách,
Nuốt hờn căm mài kiếm suốt canh trường.

Tôi ngậm ngùi, xót xa thân xà ích,
Cùng lạc đà ngơ ngác đến tương lai.
Tôi không muốn chở niềm đau u uất,
Ðem hận buồn về sa mạc đầu thai.

Tôi quyết biến lệ khô thành hoa trái,
Thành súng gươm, thành ý chí kiên cường.
Thành sức mạnh đưa đôi chân Phù-Ðổng,
Gom trăm giòng hăm hở vượt trùng dương.


                        Tống-Phước-Hiến

Thursday, December 22, 2011

HẸN  MỘT  NGÀY  MAI
                                  Phạm Đức Nhì

Ai chẳng muốn có một mái nhà êm ấm
khi đã bước qua tuổi ba mươi
một cô vợ
hiền lành
duyên dáng
một, hai đứa con
kháu khỉnh
tươi cười

bắt tay vào xây dựng tương lai
trong muôn ngàn việc chung
của quê hương dân tộc
ai chẳng có một đôi khoảnh khắc
nghĩ về
những riêng tư

tôi còn bà mẹ già
như ngọn đèn sắp tắt
mong đứa con trai từng giờ, từng phút
sớm về nhà
lấy vợ, đẻ con
mang trong lòng một hoài bão sắt son
“Bồi đắp vun trồng những mầm non nước Việt”
tôi cũng muốn mai đây
trong cánh rừng tươi đẹp
có một, đôi cây
mang vóc dáng của mình
ngạo nghễ giữa trời xanh

nhưng hôm nay
nghĩ đến chuyện gia đình
tôi như chạm phải vết thương nhức nhối
đất nước vẫn chìm trong đêm tối
lũ quỷ dã man
vẫn đày đọa muôn dân
đấu tranh
sẽ còn lắm gian nan
mà sự nghiệp
chỉ đôi bàn tay trắng

tôi biết mình chưa thể chu toàn bổn phận
làm chồng
làm cha
khi chí vẫn tang bồng
vẫn chưa chồn chân
lội suối băng rừng
vẫn đôi tay
muốn ghì chặt súng
trên đầu
tóc vẫn đang dựng đứng
mắt vẫn in rõ mặt quân thù

và trái tim
vẫn hằng đêm
nhói đau trong ngực
khi xa xa vọng về tiếng khóc
của những bà mẹ già,
những đứa trẻ thơ

nên dù có lời hứa đợi chờ
của cô láng giềng
tôi yêu tha thiết
dù mẹ tôi khao khát
mong cô con dâu,
mong đứa cháu gọi bà
tôi vẫn lắc đầu
và mỉm cười vu vơ
khi có người hỏi
“ Sao chưa lấy vợ? “

tôi mơ đến một khoảng trời rộng mở
có những đoàn quân
tiến về Sài Gòn
đòi lại quê hương đã mất
và hòa trong ào ào tiếng thét
“Tiến lên! Tiến lên!”
có bóng tôi lao vút như tên


Viết khi 30 tuổi

Phạm Đức Nhì

Wednesday, December 14, 2011




    HƠI THỞ VIỆT NAM
                                                                    Trần Trung Đạo


                                             

( Ðể tưởng niệm Trung Tá Cảnh Sát Long, người đã tự sát dưới chân tượng
                              đài Thủy Quân Lục Chiến Sài Gòn sáng 30.4.1975)

                                                                      &

 Trên đám cỏ này là nơi anh đã nằm 

Trên nắm đất này là nơi máu anh đã nhỏ 
Ðất vẫn một màu nâu 
Cỏ vẫn một màu xanh muôn thuở 
Mặt trời mỗi sớm vẫn rọi vào làm lóng lánh 
những giọt sương 
Như đôi mắt sáng của anh 
Lần cuối cùng ngửa mặt nhìn tổ quốc yêu thương 
Dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến. 


Trung Tá Long ! 
Họ của anh là gì vẫn chưa ai biết 
Có phải là Ngô, Ðinh, Lý, Trần hay Lê, Nguyễn...Văn Long ? 
Không, tên của anh đã bắt đầu 
Từ ở núi, ở rừng, ở biển, ở sông 
Ở những câu chuyện thần tiên mẹ thường hay kể 
Từ thuở Cha Lạc Long dắt năm mươi con xuống bể 
Mẹ Âu Cơ dắt một nửa lên ngàn 
Từ thuở bầy chim Lạc chắp cánh bay về 
vùng nắng ấm phương Nam 
Xây tổ bên sông Hồng, sông Cửu 
Tên của anh đã bắt đầu khi con rồng Việt Nam 
phun lửa đốt rừng dựng nên bờ cõi 
Truyền vào lồng ngực anh hơi thở vào đời 
Hơi thở Việt Nam hòa trong anh suốt thuở làm người 
Sáng ba mươi anh trở về với mẹ 
Hồn anh bay giữa trời quê hương 
Một màu tang quạnh quẽ 
Tổ quốc nghiêng mình tiễn biệt một người con. 

Lòng anh đau khi nghe tiếng chiếc xe tăng 
Ðang nghiền nát Sài Gòn 
Hy vọng chết dưới mỗi lằn xích sắt 
Viên đạn Nga bắn vào tim nước Việt 
Lưỡi lê Tàu đâm thủng ngực dân Nam 
Ôi ! có bao giờ trong suốt bốn nghìn năm 
Mà đất trời quê hương ta buồn như hôm ấy 
Những mẹ, những cha, những cụ già, em bé 
Ngơ ngác nhìn nhau, sợ hải, kinh hoàng. 

Một chế độ vừa bắt đầu 
Bằng hận thù, khủng bố, lầm than 
Bằng tiếng xích T54 đay nghiến hồn dân tộc 
Xé nát lòng anh bao hờn căm và tủi nhục 
Anh đã chọn cho mình một cách chết quang vinh. 

Anh ngã xuống giữa Sài Gòn không để lại đủ họ tên 
Nhưng lịch sử nghìn năm sau vẫn nhớ. 
Trung Tá Long ! 
Mây vẫn bay trên đầu anh mỗi chiều, mỗi sớm 
Mặt trời mọc mỗi ngày làm lóng lánh giọt sương mai 
Như nước mắt mẹ già nhỏ xuống xác con trai 
Như ánh mắt chị nhìn chồng trong giờ vĩnh biệt 
Ðất vẫn một màu nâu đậm đà như tình người dân Việt 
Nơi anh nằm hoa cỏ vẫn xanh tươi. 

Máu anh rơi để làm đẹp cuộc đời 
Tô thắm đường các em sẽ đến 
Các em là thuyền nhờ có anh là bến 
Trong cuộc hải hành này anh là ngọn hải đăng soi 
Ðường tự do dù còn lắm chông gai 
Nhưng đã có anh mang niềm tin đi trước 
Cám ơn anh, người con yêu đất nước 
Ðã truyền lại cho muôn đời hơi thở Việt Nam. 

                                 Trần Trung Ðạo[


   

Sunday, December 11, 2011

            Tôi đã gặp ở đây

                      Phạm Đức Nhì

Tôi đến đây
trong một lần đi trốn
khi đang trong cuộc một trò chơi lớn
trò chơi đấu tranh

nhìn quanh
tôi thấy toàn thú dữ
mắt tròn xoe đổ lửa
uống máu ăn thịt lẫn nhau
trong khi bên ngoài những lớp rào
và những hào sâu
bầy quỷ sứ đứng canh
ngả nghiêng cười khoái trá

ở đây
một nắm rau dại
một con sâu,
con dế
lắm khi là giá một mạng người
một mẩu tàn thuốc rơi
có thể làm máu đổ

tử thần đang mừng rỡ
bước từng bước đến gần
những con người khốn khổ
họ chỉ biết bán rẻ nhân cách của mình
biến thành những con vật đê hèn
ngụp lặn trong vũng bùn tội lỗi

may mắn thay
tôi đã gặp ở đây
ân tình đong thật đầy
của những người bạn mới
(giữa rừng cỏ dại quanh bờ suối
lác đác một hai khóm trúc đào)
tôi quên sao được
hương vị ngọt ngào
của cành hoa các anh trao
giữa muôn nghìn cay đắng
đàng sau những vệt máu,
những giọt mồ hôi,
những tia nhìn thù hận
là màu xanh ước mơ
những nét nhạc,
những vần thơ
khung trời quê hương,
biển tình yêu
và cuồn cuộn dâng nhựa sống
tâm hồn tôi như bay cao giữa trời gió lộng
dù xác thân
vẫn trĩu nặng gông xiềng

tôi đã gặp những đứa em
còn chút dáng người giữa bầy dã thú
đói thắt ruột
và roi quất trên đầu, trên cổ
cũng chẳng nỡ ăn thịt đồng loại của mình
tôi ôm các em vào lòng
thủ thỉ bên tai những lời thân ái
để các em quen dần tiếng nói
của loài người
đã quên mất từ lâu

tôi đã bị đẩy xuống tận đáy vực sâu
dù đường còn rất xa
và rất nhiều khó nhọc
vẫn cố trèo lên miệng vực
dù bọn quỷ sứ
muốn biến tôi thành súc vật
trái tim tôi
vẫn ăm ắp tình người
vẫn quay quắt nhớ người yêu
nơi ấy một phương trời
và vẫn niềm tin
ở một ngày mai.

Viết cuối năm 1982
ở Bệnh Xá Phân Trại B

   Phạm Đức Nhì

Saturday, December 3, 2011

Ngôn Ngữ Thường Ngày


Tống phước Hiến

Ngôn ngữ là phương tiện thiết yếu trong cuộc sống, có nhiệm vụ miêu tả sự kiện, sự vật, và chuyên chở tư tưởng, tâm tình của con người. Ngôn ngữ còn được dùng để nhận diện, để chấp nhận hay phủ nhận, kính trọng hay miệt thị, tôn vinh hay triệt hạ giữa gian dối và sự thật, giữa phi nghĩa và chính nghĩa mà con người thấy cần phải chọn lựa, phải bày tỏ thái độ, hoặc phải có hành động hầu xứng đáng với nhân cách của mình.
Từ nhận thức ấy, chúng ta thử nhìn lại ngôn ngữ của một số (xin nhắc lại là chỉ một số chứ không phải là tất cả) cá nhân, hay tổ chức, cở sở doanh nghiệp đang sinh hoạt dưới nhiều dạng thức như báo chí, phát thanh, truyền hình…. Nhờ nghề nghiệp, họ thường được quần chúng đồng hóa họ với trí thức, đảm nhận vai trò hướng dẫn dư luận . Điều đáng phàn nàn là họ không quên phủ rắc màu mè quanh họ cái mà họ gọi là trung thực, vô tư, để ngụy biện cho những gì mà họ đã giúp cho cộng sản từ một bọn thảo khấu gian manh tội đồ trở thành bậc chính danh.
Ðáng lẽ điều cần nhớ nhất là họ đang mang thân phận ly hương, họ đã bị cộng sản tước đoạt các quyền căn bản của làm người, và họ đang nhờ sự bảo bọc nâng đỡ của cộng đồng tỵ nạn cộng sản, thì điều này họ lại…... quên !
Trên căn bản lịch sử, ai cũng phải nhìn nhận công lý sau đây :
1/- Trước kia, không thể gọi cộng sản là Chính Quyền Việt Nam, vì tiên khởi đảng cộng sản Việt Nam đã cướp đoạt chính quyền bằng bạo lực và gian trá, nên chân dung thật của chúng là “bạo quyền cộng sản Việt Nam”.
2/- Bây giờ, cũng không thể gọi cộng sản là Chính Quyền Việt Nam, vì chúng vừa xử-dụng bạo lực, vừa gian xảo trí trá. Quyền lực chính trị của chúng được hình thành, xây dựng và bảo vệ bằng thủ đoạn đê hèn, lưu manh và áp đặt, nên bản chất thật của chúng là "ngụy quyền cộng-sản Việt Nam".
Cộng sản Việt Nam không những miệt thị Dân Tộc Việt Nam, mà còn thách-thức cả nhân loại bằng Ðiều 4 của cái gọi là Hiến Pháp, một đoạn luật bất lương nhất của loài người, công khai xác định chính chúng mới là chủ nhân ông duy nhất của Ðất Nước Việt Nam. Ai đó muốn được chia phần, được an nhàn và sung túc thì trước hết phải là đảng viên cộng sản. Quyền lợi, quyền lực sẽ được chia phần theo tỷ lệ thuận mà phần vốn là mức độ tự hủy dịêt nhân cách của chính mình.
Ðối với Cộng sản Việt Nam, bất cứ kẻ nào dám nhìn lại Lương Tâm, dám hỏi về tính Tự Trọng, về Tình Tự Dân Tộc thì lập tức người ấy sẽ bị kỳ thị, sẽ trở thành kẻ phạm pháp, sẽ bị liệt vào thành-phần “Nguy Hại Cho An Ninh Quốc Gia” và đương nhiên sẽ bị hành hạ trả thù, tù đày, thậm chí có thể bị thủ tiêu. Những Dương Bạch Mai, Hữu Loan, Trần-Dần, Nguyễn-hữu-Ðang, Phan-Khôi, Trần Khánh Giư tức nhà văn Khái Hưng, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Phùng Quán, Lưu quang Vũ... ngày xưa ; và những nhân vật hôm nay, đang trong tầm ngắm của cộng sản, như: …Nguyễn-Minh Cần, Ðỗ Trung Hiếu, Phạm Quế Dương, Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Lê thị Công Nhân, Cù Huy Hà Vũ, Phạm thị Thanh Nghiêm, cụ Lê Quang Liêm lãnh tụ Phật Giáo Hòa Hảo, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ,.., đủ để chứng-minh.
Trong các cuộc gọi là bầu-cử, cộng-sản biến người dân thành những sinh vật “bất tri”, “bất trí”. Bầu cử chỉ là hành động nhằm mục-đích hợp-pháp-hóa vị-trí quyền-lực cho bọn cai thầu, đầu đảng Mafia cộng sản Việt Nam. Núp dưới chiếc áo của cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, cộng sản đã chấm định, áp đặt nhân sự.
Ai còn chút lương tâm mà dám làm chứng nhân nhìn nhận rằng: Cộng sản tổ-chức bầu cử trong sạch, tự do và công bằng như chúng thường rêu-rao !?
Câu trả lời dứt khoát và mạnh mẽ rằng là KHÔNG!,
Bởi lẻ rất dể hiểu. tính đặc thù của cộng sản là gian dối và tàn độc, gian manh,và kiêu căng, hống hách, và dâm loạn và nhất là thích đày ải, thích giết người. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nhìn nhận rằng, nhờ biết sợ mà ông ta mới sống sót, nhạc sĩ Tô Hải cuối đời mới dám xác nhận mình là “Thằng Hèn” (tên một tác phẩm tự truyện của nhạc sĩ Tô Hải).
Dưới sự cai trị của tập đoàn thảo khấu cộng sản thì xã hội Việt Nam phải bị hèn hóa . Con người người sống trong xã hội nầy phải bị biến thành những kẻ nô lệ cho thèm muốn vật chất, cho dâm loàn nhục dục, cho sự khuất phục bạo lực và cường quyền. Cộng sản không cho phép những giá trị làm người được tồn tại chứ đừng nói đến phát triển., Vậy tập đoàn gian manh cộng sản làm sao được gọi là CHÍNH QUYỀN hay CHÍNH PHỦ?
Do đó, dứt khoát không bao giờ cộng sản được xem là đại diện cho Nhân dân Việt Nam để thủ giữ trách nhiệm một Chính Quyền đích thực là : TỪ DÂN, DO DÂN và VÌ DÂN. Giá trị bọn chúng chỉ là giá trị của bọn cướp sơn lâm thảo khấu, là bọn bạo quyền Mafia đỏ.
Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam mãi mãi là đối cực, là đối kháng. Cộng sản cần phải hèn hóa người dân, biến người dân thành dân nô lệ để thống trị. Người dân cần tiêu diệt cộng sản để được quyền làm người, được trở thành NGƯỜI
Vì vị trí địa lý đặc biệt của Việt Nam, vì một số tài phiệt thế giới coi túi tiền nặng hơn lòng nhân ái, vì một số người ngoại quốc nhìn cộng sản theo kiểu “nhìn bụng ta suy ra bụng người” nên chưa hiểu mặt thật cộng sản và nhất là vì một số kẻ khoát áo tỵ nạn nhưng tâm địa thuộc loại thương lái vô lại mà hiện nay cộng sản còn khả dĩ tạm thời đủ hơi sức kéo dài cơn hấp hối. Ngày nào cộng-sản Việt Nam còn thở thì ngày ấy Dân Tộc Việt Nam còn quằn-quại, lầm than !
Xin nhớ rằng chúng ta là những người may mắn vượt thoát khỏi bàn tay cộng sản đẫm máu, đang được sống tự do no đủ, đang là phát ngôn viên cho đồng bào trong nước để tố cáo cộng sản, để phủ nhận vai trò “Chính Quyền” mà cộng sản mạo nhận ra trước công luận, trước thế giới! Những người Việt Nam chân chính vô cùng buốt trí, nhức tim khi nghe, khi đọc do bất kỳ ai viết, hay trình bày về một sự việc, một vấn đề mà lại dùng chữ như là Thủ Tướng Việt Nam, Chính Phủ Việt Nam, Quốc Hội Việt Nam...mà thiếu đi túc từ ngụy quyền hay bạo quyền … cộng sản Việt Nam. Xin hãy tôn-trọng sự thật, xin hãy chia xẻ niềm thống hận của đồng bào và xin có chút tự trọng còn sót lại cuối cùng trong lương tâm của quý vị để ghi thêm cho đúng bản chất của chúng là... Cộng-sản Việt Nam (CSVN), ví dụ như : Thương-ước Mỹ và CSVN, Thủ-tướng CSVN, cái gọi là Quốc-hội CSVN...xin đừng xem hay đồng hóa bạo quyền cộng sản trở thành Chính Quyền chính danh để vô tình biến bọn thảo khấu cộng sản trở thành chính danh và tạo cơ hội cho bọn thảo khấu nầy có tính chính thống - dù chỉ là ngôn ngữ.
Chúng tôi là những độc giả, thính giả, khán giả của quý vị, chúng tôi mong muốn và thĩnh cầu quý vị: Xin hãy đứng chung với chúng tôi.! Xin quý vị đừng quên những đau-thương tang-tóc, mà cộng sản đã, đang, và vẫn còn phũ phàng giáng xuống quê hương chúng ta. Xin đừng vì danh lợi phù vân, xin đừng khiếp nhược bán rẻ lương-tâm, phủ-nhận sự thật, gán ghép hoán đổi từ tên bất lương, bất chính, vô luân thành bậc Chính-Nhân ! từ bọn thảo khấu trở thành chính thống. Xin hãy nhớ rằng chúng ta là những nạn nhân, những người Tỵ-Nạn Cộng-sản, đang nương tựa, nâng đỡ nhau cùng sống cho đúng nghĩa CON NGƯỜI, Quý vị là tiếng nói của chúng tôi, và chúng tôi là đôi tay của Quý vị.
Xin đừng quên một sự thật vô cùng bi hài đau nhục đang diễn ra tại Việt Nam, sự thật phi luân lý, phi nhân cách lại được xem như việc bình thường, sự thật đó là: Dưới sự thống trị của vộng sản, tại Việt Nam ngày nay, những người nói được thì ngòi bút đã bị quyền lợi và hèn nhát bẻ cong; những người thèm khát muốn nói thì ngòi bút đã bị cộng sản nhốt vào trại giam.
Xin mạo muội hỏi với giới trí thức hải ngoại, nơi cộng sản Việt Nam không thể đưa búa liềm đe dọa, trừ khi nạn nhân vì quyền lợi mà bất cố liêm sĩ để xin được tình nguyện trở thành nạn nhân cho bọn thảo khấu vộng sản rằng: Quý vị có cam lòng khuất phục ngụy quyền cộng sản không?
. Lịch sử đã chứng minh rằng KHÔNG. Ngay cả trí thức đang phải sống trong gọng kềm oan nghiệt của tập đoàn ác đảng Mafia cộng sản Việt Nam, cũng đã hét to rằng họ KHÔNG khuất phục cộng sản..
Bài viết nầy không có ý “chẻ sợi tóc làm tư”, chỉ ước mong quý vị có trách nhiệm lưu tình cho, xin đừng tạo bất cứ điều gì có lợi cho cộng sản.
Chúng tôi quyết liệt phản đối những kẻ nào manh tâm lợi dụng sự dễ-dãi của mọi ngưòi để thực-hiện thủ đoạn "lâu ngày chầy tháng”, gieo vào chúng tôi những từ ngữ nhằm hợp thức hóa chính-danh cho bọn Cộng sản.
Bọn cỏ đuôi chó đừng xử dụng ngạn ngữ: "cứt trâu để lâu hóa bùn !" nhằm hợp thức chính danh cho bọn thảo khấu cộng sản Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một trong những dân tộc có sức đề kháng cao nhất, mạnh mẽ NHẤT, quyết liệt NHẤT và bền bỉ NHẤT vì nếu Dân Tộc Việt Nam không có những cái NHẤT đó thì Tàu cộng và Việt cộng đâu phải lo sợ run rẩy trước những cuộc biểu tình từ trong nước ra đến hải ngoại.
Vậy sá gì chút bợn cặn mà sao có kẻ cúi đầu rạp mình tuyên xưng chính danh cho bọn thảo khấu cộng sản?.
Xin đừng quên có những nấm mồ mà khách lữ hành phải nhăn mặt khi nhìn thấy tên ghi trên bia mộ, vì đó là tên của kẻ trước đây đã khước từ làm người để xin trở thành tên lâu la trong ác đảng thảo khấu cộng sản Việt Nam.
Xin hãy lưu tên trên bia mộ, mà người đọc nghiêng mình, tên của người dưới mộ bất tử trong giòng sinh mệnh Dân Tộc.


Tống phước Hiến

Friday, November 4, 2011

THIÊN ĐƯỜNG ĐỎ

                                               

Cựu Thiếu Úy CSQG/VNCH LÊ THỊ XUÂN

Tối ngày 28.6.1975 tôi bị di chuyển cùng chung với chồng từ Trường Trung Học Nguyễn Bá Tòng tại Sài Gòn đến Trại Suối máu được khoảng 1 tuần lại bị chuyển đến trại Thành Ông Năm, Hóc Môn do đoàn 500 cộng sản quản lý. Trại chia làm hai khu: Nữ Sĩ Quan (SQ) Quân đội, và Nữ SQ/ CSQG. Chúng tôi bị chia thành từng B và phải chen lấn lẫn nhau trong một diện tích chỉ đủ để nằm nghiêng . Lúc nầy tôi mang thai cháu đầu lòng gần 7 tháng. Đây là thời gian thai nhi phát triển, nên thai phụ cần được nghĩ ngơi, thoãi mái, tránh bị những áp lực và thai phụ cần phải được thực phẫm dinh duỡng vừa tinh khiết vừa đầy đủ. Nhưng với tôi thì hoàn toàn trái ngược. Ngoài môi truờng sống quá thiếu vệ sinh, lại phải ngồi nghe học tập, thảo luận. đấu tố. Thể chất mệt mõi, tâm trí lúc nào cũng lo sợ cho bản thân, cho gia đình, và cho chồng . Thai nhi càng lúc càng phát triển nên tôi thèm ăn lắm, nhưng bụng thì lúc nào cũng đói, dinh dưỡng chẳng có, áp lực càng lúc càng nặng và rồi hai chân tôi bị qụy, chỗ kín bị ra máu, không đuợc chữa trị hoặc thuốc men . Tôi đuối sức! Trước tình trạng sức khỏe tồi tệ và mạng sống của tôi bị đe dọa, ngày 12.8.75 Cộng sản (CS) thả tôi về với lý do :”tạm hoãn quản huấn vì sắp đẻ”(nguyên văn).
Về đến nhà thì ba mẹ và các em nhỏ của tôi đã bị lùa ra khỏi Sài gòn theo chương trình gọi là hồi hương lập nghiệp tại Sa-Đéc. Sức khỏe quá yếu, không đi được tôi đành ở lại căn nhà củ (bấy giờ thì gia đình thím tôi đang ở). Đến đầu tháng 9.75 đau chuyển bụng, tôi đến bảo sanh viện Từ Dũ . Sau khi sinh cháu bé, tôi mệt lắm, nhưng gắng gượng xem mặt cháu, biết cháu là gái, thấy khuôn mặt con hao hao giống bố, lòng mình dâng nỗi nhớ chồng và dào dạt thương con, tôi ôm con vào lòng và ngất đi vì bị băng huyết. Tĩnh dậy tôi trở về tâm trạng củ, May mắn cho tôi là CS chưa kịp đưa người của chúng vào nên nhân viên và bác sĩ vẫn còn tấm lòng nhân ái và phong cách Miền Nam và nhờ đó tôi thoát khỏi luỡi hái tử thần. Vì lý lịch, nên tôi bị tống ra khỏi bịnh viện sau 4 ngày mặc dầu tôi còn yếu và cháu bé gầy guộc chỉ được 2kg. Tôi lại phải bé cháu tìm đường về Sa Đéc.
Khi chiếc tàu đò đậu trước cửa nhà, lòng tôi càng thêm não nề. Đây là khu hoang địa, xưa kia là khu oanh kích tự do và không có dân cư, vì thế vùng nầy có rất nhiều hố bom. Thấy gia đình lam lũ, tôi vô cùng xót sa, vì vậy tôi ráng sức phụ giúp gia đình và tôi lại thêm lần nữa ngã qụy. Đúng vào thời gian nầy, khi cháu được hơn một tháng thì mẹ con tôi bị bắt trở lại trại giam.
Sáng hôm ấy ,đang cho con bú, tôi nghe tiếng ghe máy và tiếng người, rồi tiếng chân dồn dập nhảy lên bờ. chạy phía nhà tôi. Sống trong vùng cộng sản kiễm soát tâm trạng tôi luôn luôn hồi hộp lo sợ. Đang còn hoang mang thì tôi đã thấy họ bao quanh nhà tôi, những mũi súng chĩa thẳng vào mẹ con tôi. Tôi nghe đạn lên nòng và tiếng ra lịnh của tên chỉ huy:
- Các đồng chí vào vị trí sẳn sàng tác chiến.
Sau đó tiếng quát ra lịnh:
- Chị Lê Thị Xuân, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh, không được chống đối, chấp hành lệnh quản chế, thì sẽ đuợc cách mạng khoan hồng !
Tiếp theo là hai tên có võ trang tiến sát vào giường mẹ con tôi. Tôi biết là tôi đã bị bắt. Tôi không sợ, nhưng tôi thương con quá, phần không muốn phải xa con, phần sợ con phải chịu cảnh lao tù. Tôi thật sự lúng túng vì cả nhà tôi đang làm ngoài ruộng. Tôi ngỏ ý chờ người nhà tôi về.. Nhưng chúng nhất định không cho. Bị thúc hối quá cấp bách; tôi chỉ viết vội là đã bị bắt lại cho gia đình biết, rồi gom nhanh ít tả lót, ít quần áo, vật dụng cho hai mẹ con và theo chúng xuống xuồng máy giữa hai hàng súng “ dàn chào bảo vệ”của chúng. Sau nầy tôi biết tên hung tợn chỉ huy cuộc vây bắt hai mẹ con tôi tên là Hiếu. Tôi đã có lần gặp hắn tại sài gòn trong nhà người cùng quê với mẹ tôi. Người nầy là SQ Quân Lực VNCH che chở cho hắn trốn quân dịch, lúc ấy hắn làm phụ thợ hồ.Trước ngày tôi định cư tại Mỹ thì hắn là Phó chủ tịch Nông nghiệp huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng tháp và dĩ nhiên là rất hống hách, ngang tàng và giàu có.
Bọn chúng chở hai mẹ con tôi về trại giam Đám Lát thuộc huyện Lấp Vò, Tỉnh Đồng Tháp. Trại giam nằm trên gò đất, chung quanh có nhiều hàng rào giây kẽm gai bao bọc, chúng cẩn thận gài mìn và chất nổ đề phòng sự trốn trại của tù. Trại nầy giam đủ thứ thành phần từ SQ chế độ củ, tôn giáo, đảng phái chính trị… đến thường phạm. Vì có con nhỏ nên chúng cho mẹ con tôi ở riêng một góc xó nhà bếp. vách nhà làm bằng đất sình trộn với trấu, nên hôi hám và nhiều bụi dơ; gió mang theo hơi nóng làm rát da. Tôi mượn nhà bếp hai tấm bao bố gạo làm chiếu và mền đắp cho con, còn mình thì nằm hẳn trên đất. Mỗi buổi chiều mẹ con tôi đuợc nữ quản giáo dẫn xuống một cái đìa nhỏ để tắm giặt. Vì cái đìa nhỏ nầy khi nuớc triều cường mới có chút ít nuớc từ sông cái tràn vào, do vậy mà những chất dơ bẩn không kịp thóat ra, vì thế nuớc có màu đen của dơ, màu váng của phèn; mùi hôi thối luôn luôn phản phất, đó cũng là mần mống bịnh hoạn.
Thức ăn không đủ nuôi cơ thể thì làm sao có sữa để nuôi con! Vì thế, các bạn tù đồng ý cho tôi mỗi ngày đuợc lưng chén nuớc cơm có lẫn dăm hạt gạo đang sôi để phụ cùng với giòng sữa hiếm hoi nuôi con. Phải sống trong hoàn cảnh tù đày dưới chế độ cộng sản mới hiểu thế nào là đói, mới hiểu giá trị miếng ăn và mới hiểu đó là sự hy sinh, là tấm lòng nhân ái mà Xã hội Quốc Gia đã giáo dục cho họ.Tôi biết ơn các bạn tù, cơn đói không lúc ngưng dày vò, trí óc chỉ ước mơ đến chưyện ăn, như mơ được một chén cơm lưng, thẻ đường, hột muối, giọt mỡ. Ôi miếng ăn sao “vĩ đại” đến thế!
Ngoài cái đói triền miên hành hạ, tôi lại phải đối phó với muỗi. Khi bóng đen tràn tới cũng là lúc từng đàn muỗi xuất hiện. Chiếc mùng củ lúc mang theo, bây giờ cũng rách mục như số phận làm người trong xã hội “thiên đường”cộng sản.
Tôi ngậm ngùi thương con, tôi lo cho sự an nguy của chồng, tôi lo cuộc sống lao đao vất vả của gia đình, thấy nhớ ba mẹ và các em thơ dại của tôi, tôi tội nghiệp cho bà mẹ chồng hiền lành và nỗi bất hạnh triền miên đè lên số phận bà. Dường như giọt lệ lúc nào cũng lưng lưng trong khóe mắt, thế nhưng miệng tôi thì lúc nào cũng phải nói những điều trái ngược. Tôi cảm thấy danh dự xúc phạm.
Do thiếu thốn vật chất, tinh thần hoang mang lo sợ cho tương lai mờ mịt tối tăm, và thương nhớ người thân – tôi mõi mòn và dần dần kiệt sức, con tôi thì còm cõi, yếu ốm và những bệnh do thiếu dinh dưỡng, do môi trường dơ bẩn cùng một lúc “hiệp đồng” tấn công trên cơ thể èo uột của tôi và của cháu. Lúc nầy thì con tôi tóc bết dính và lầy lụa mũ máu vì bị sài lở, toàn thân cháu nổi lên những mụn nhọt nhỏ li ti như muỗi đốt, móng tay như bị long và sứt rớt ra. Tôi lo qúa, có lần tôi đành gạt nước mắt chịu nhục, hạ mình xin thuốc cho cháu; nhưng bọn người lòng thú ấy dững dưng, lạnh lùng và dường như trong ánh mắt chúng có đôi chút hả hê của lòng thù hận. Ôi đồng bào tôi đấy, ôi phẫm cách và lòng khoan hồng “cách mạng!”. Sự tàn nhẫn kinh khiếp ấy của giống “người” cộng sản làm ý chí tôi bỗng dưng phát triển mãnh liệt. Tôi hối hận về sự cầu cứu ấy và tự nhủ lòng sẽ không bao giờ cầu xin chúng, tôi dấu nỗi uất hận, không để lộ niềm đau. Dù chưa biết phải làm gì, nhưng tôi thấy tinh thần của lý sinh tồn và lòng tự trọng trong tôi vững vàng lắm!
Sắp đến ngày 2 tháng 9, ngày “quốc khánh” của chúng, một phái đoàn không biết từ đâu và cấp nào đến thanh tra. Một người trong bọn họ thoáng dừng lại trước mẹ con tôi, chúng phải bịt mũi vì mùi hôi từ chúng tôi. Có lẻ nhờ thế mà hôm sau, ngày 30.8.76 mẹ con tôi được chúng thả ra về với ba năm quản chế.
Về đến nhà, toàn cả gia đình tôi sống héo hắc, cùng cực vất vả, thiếu thốn, tôi đã hiểu tại sao gần năm qua tôi không có thư từ tin tức gia đình và tôi lại khóc, lòng tự trọng thúc đẩy tôi lao hết sức mình cho gia đình, cho đứa con muôn ngàn yêu dấu. Cậu em trai kế tôi, có gia đình, còn ở Sài gòn cho tôi hay rằng người mẹ chồng hiền lành của tôi đã chết! Tôi thương và mừng cho bà đã thóat được cái thiên đường man rợ của lũ “vượn người cộng sản”Tôi nguyện cầu cho bà sớm đuợc về cõi Phật như lòng bà hằng mong ước. Tôi xót sa cho chồng và mẹ chồng trong cuộc chia tay vĩnh viễn không được gặp nhau, không đuợc có mảnh khăn trắng ghi nhớ công ơn của mẹ hiền, không được cầm tay đứa con trai út mà bà nuôi nhiều kỳ vọng. Bỗng dưng tôi thở dài ngao ngán cho kiếp nhân sinh trong chế độ cộng sản.
Gần sáu năm sau kể từ ngày tôi đuợc thả ra lần thứ hai thì chồng tôi mới đuợc thả về. Giây phút đầu tiên gặp lại nhau, tôi quá đỗi bất ngờ và cũng quá xúc động. Toàn thân tôi điếng lặng. Tôi không nhúc nhích, cử động gì được, nhưng giọt lệ cứ trào ra, lăn dài xuống đôi gò má thanh xuân nhưng đã sớm tàn phai vì thống thiết đau buồn, thương nhớ.
Nhìn cảnh nhà sa sút nghèo khổ và cũng vì có lần quá cơ cực tôi có ý định cùng với chồng con quyên sinh, nên ngay hôm sau ngày sum vầy chồng tôi bắt tay ngay vào cuộc sinh tồn. Dù cường quyền địa phuơng ngăn cản, luôn tìm cách tạo bất an, gây phiền nhiễu, khó khăn, anh vẫn quyết chí phấn đấu từ làm thuê, vác mướn, bán dạo… gia đình tôi lần hồi bước dần ra cảnh bần hàn. Nhưng tai họa lại ập đến! Bởi lao nhọc, thiếu thốn và di hại trong lao tù, chồng tôi ngã bịnh nặng. Bác sĩ cho biết một lá phổi anh bị khô nước, màng phổi bị dày dính nên kéo và làm trái tim bị lệch và thòng xuống, có dấu hiệu bị sạn thận, xơ gan. Bao nhiêu tiền bạc do công lao và tiện tặn dành dụm được đành phải bỏ hết ra để giành mạng sống của anh. Khi đồng bạc cuối cùng ra đi thì may thay, tôi gặp đuợc người chị cả của chồng tôi, hai chị em thất lạc từ thửơ anh chưa chào đời. Nhờ chị, chúng tôi thoát nạn. Cũng kể từ đó, đời sống tinh thần và vật chất của chúng tôi được an ủi, khuyến khích và nâng đở. Chị trở thành người mẹ thứ hai của chồng tôi,
Bây giờ nhớ lại và kinh rợn chuỗi ngày sống dưới ách bạn tàn khắc nghiệt cộng sản , lòng bùi ngùi thương cảm cho những người còn trong nanh vuốt man rợ cộng sản. Xin thành kính nghiêng mình trước những bậc anh hùng đã ngã xuống vì muốn cứu nỗi bất hạnh của quê huơng, xin được khóc những giòng lệ cho những oan khuất tội tình của đồng bào tôi bị bàn tay máu của cộng sản áp bức khống chế.
Xin cúi đầu tưởng niệm hằng triệu chiến sĩ Quốc Gia, Con yêu của Tổ Quốc Việt Nam đã không tiếc máu xương vì sự an tòan và phát triển cho quê hương. Xin tưởng niệm 58 ngàn con yêu của Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc chiến đấu cho công lý và tự do trên quê huơng tôi.
Xin cám ơn lòng hào hiệp của nhân dân và chính phủ Hoa kỳ đã cứu vớt và đưa chúng từ nơi tối tăm bi thãm, nơi tầng cuối cùng của địa ngục trần gian đến vùng đất hứa, nơi tuyệt đối tôn trọng nhân phẫm con người.
Xin cám ơn những ân nhân, vì tình nhân ái, vì nghĩa Đồng Bào mà điển hình là bà Khúc Minh Thơ và hội Gia Đình Cựu Tù nhân Chính Trị đã không bỏ rơi chúng tôi, đã không quản ngại gian khó tốn kém cả tiền của lẫn thời gian và sức lực, đã ra sức đánh động cho Thế giới và nhất là Hoa kỳ biết nỗi thống hận ngút ngàn mà cộng sản trả thù bằng cách làm khô máu lên cuộc đời những chiến sĩ Quốc gia từng một thời dũng lược, nay đành thúc thủ.
Học theo Quý vị, chúng tôi nhất định không bỏ quên những người đang cần đến chúng tôi,. Chúng tôi giữ gìn đạo lý và văn hóa Việt, chúng tôi nuôi dưỡng giáo dục các thế hệ tiếp nối về lòng nhân bản để trở thành công dân hữu dụng cho xã hội và cho sự tồn vong của Dân tộc. Thiết nghĩ dó là lời cảm ơn chân thành và thiết thực nhất.
Việt Nam là Dân tộc biết mang ơn và biết cách đền ơn . Đó là lời cuối cùng của giòng tâm sự hôm nay của chúng tôi.

Little Sài Gòn, ngày Truyền thống CSQG/VNCH - 1.6.2008
Cựu Thiêu-Úy CSQG LÊ THỊ XUÂN