Tuesday, July 12, 2011

Kỳ Vọng Vào Trí Thức

KỲ-VỌNG VÀO TRÍ-THỨC

Tống phước Hiến


Trí-Thức là người vận-dụng trí óc về một hay nhiều vấn-đề chuyên-môn. Như vậy trí-thức mang tính-cách chuyên-viên như bác-sĩ y-khoa thì hiểu biết rành mạch những vấn đề về lãnh-vực y-khoa, còn những lãnh-vực khác như xây-cất, điện-khí thì sự hiểu-biết bị hạn chế hơn. Và Tri-Thức là sự nhận biết nhờ vào kinh-nghiệm, học hỏi, cảm xúc hoặc vận-dụng trí-thức để lý-luận làm vấn-đề được khúc-chiết, sáng tỏ.
Nhưng trên phương-diện ngôn-ngữ, người ta thường dùng chữ Trí-Thức để chỉ định hạng người vừa có khoa bảng vừa có cảm-xúc nhạy bén vừa có lý-luận vững chắc về những vấn-đề thuộc phạm-trù nhân-sinh-quan. Như vậy giới Trí-Thức được xã-hội mặc-nhiên đặt vào phương-vị lãnh-đạo và dĩ-nhiên cũng đã dành một sự trọng-vọng đặc-biệt và gọi họ là KẺ-SĨ .
Từ khi có con người thì có hiện-tượng Trí Thức xuất hiện. Hiện-tượng Trí-Thức nầy tác-động và thúc đẩy nhịp sống được tăng-trưởng cải tiến; giúp đời sống ngày càng phong-phú, thi vị và thăng hoa.
Thật vậy, dù Việt Nam là Quốc-Gia nông-nghiệp nhưng xã-hội lại được xếp theo thứ bậc: SĨ–NÔNG–CÔNG–THƯƠNG thông thường: “Nhất Sĩ nhì Nông", chỉ khi nào thiên tai đói kém đến nỗi phải “hết gạo chạy rông” mới “nhất Nông , nhì Sĩ”. Xã-hội Việt Nam vốn xem Kẻ Sĩ là hiền-tài, là nguyên-khí Quốc-Gia. Bởi thế, từ xa xưa, dù là đế-chế phong-kiến, nhưng dù ở giai tầng nào của xã-hội Kẻ Sĩ cũng có cơ-hội tham-chính để Trị Quốc, An Dân và Bình Thiên-Hạ qua phương-tiện ứng thí ! Nhưng cuối cùng khi đối-diện với thực tế thì dù là phùng-thời hay lạc đệ thì thành-phần ưu-tú nầy phân-biệt thành hai loại Trí-Thức, mà từ nguyên bản thể đã có nhu-cầu cần loại trừ nhau để tồn tại, đó là : Trí-Thức Chân-Chính và trí-thức vong thân.
Vì lo nuôi thân nên trí-thức vong-thân sản sinh ra loại nô-tài hèn hạ. Cộng-sản xem bọn trí-thức nầy không bằng cỏ rác. Mao-trạch-Ðông từng nói : “Trí-thức không bằng cục phân".
Vì nuôi Tâm, nuôi Trí nên Trí-Thức Chân-Chính sản sinh ra Thiên-Tài và Nhân-Tài Theo Nhà Tư-tưởng Lý-Ðông-A thì :
Nuôi Tâm sinh Thiên-Tài
Nuôi Trí sinh Nhân-Tài
Nuôi thân sinh nô-tài .
Thiên-Tài và Nhân-Tài sẽ cùng nhau liên hợp, lãnh-đạo quần chúng đạp đổ gian-trá, bạo tàn; nâng đỡ và đưa con người trở về vị-trí đích-thực.
Vì vậy, bạo quyền Cộng-sản căm thù và liệt Trí-Thức vào thành-phần ưu-tiên cần tiêu-diệt : “Trí Phú Ðịa Hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn".
Trí-thức vong-thân thường sở cậy khoa bảng làm hào-quang che giấu tâm-địa. Bằng hia mão, xiêm y sặc-sỡ và trống kèn huyên-náo, chúng vận dụng toàn-bộ sự thông-minh mưu sĩ tranh-đoạt vị-trí thuận lợi, khống-chế xã-hội hầu thỏa-mãn: danh lợi vị kỷ. Do mục-tiêu đen tối nên chúng dễ dàng bị quyền lực, thế-lực và tài-lực khuất-phục. Ðể được an-toàn mà hưởng thụ, bọn nầy không hề biết đến những giá-trị thuộc về nhân-phẩm. Sử-sách từng điểm mặt bọn trí-thức vong thân như: Trần-di-Ái , Nguyễn-Thân , Phan-đình-Hòe (Cha ruột của Lê-đức-Thọ, Ðinh-đức-Thiện, Mai-chí-Thọ, Nguyễn-thanh-Bình tức Phan-đình-Khải, Phan-đình-Dinh ..) Khi gia nhập đội quân giá áo túi cơm, bọn nầy làm hoen ố phẩm chất Trí-Thức. Vì là trí-thức vong thân nên chúng sẵn sàng mãi Quốc cầu vinh, gây ra cảnh Quốc phá gia vong, đạo-đức suy đồi, truyền-thống Dân-tộc bị hèn hóa.
Do bị thống-trị, nhân-dân phải thống-khổ, bởi thế nên bọn nầy thường bị quần-chúng khinh bạc, hờn oán, trong nhiều trường-hợp bọn Trí thức vong thân nầy là tội-đồ Dân-Tộc .
Nhân-loại được thăng-tiến như hôm nay là nhờ vào kỹ-năng trí-tuệ và tâm-hồn tinh-khiết thiên-lương của Trí-Thức Chân-Chính (từ đây chữ Trí-Thức được hiểu là Trí-Thức Chân-Chính).
Trí-Thức đã dự phần vào nhiều lãnh-vực làm đời sống thêm thăng hoa, thêm thi-vị, làm cuộc đời thêm đáng yêu, đáng sống. Trí-Thức cũng đã nâng đẩy con Người đứng vào vị-trí chúa tể muôn loài về cả khả năng kỹ thuật, lẫn phẩm cách làm Người. Trí-Thức đã dùng máu lệ, sinh mạng, chấp nhận thiệt-thòi, bất hạnh để đẩy lùi hôn-ám, để khẳng định, bảo-vệ và tuyên xưng giá-trị vĩnh hằng của con Người. Trí-Thức Chân-Chính được nhân-loại ngưỡng-mộ bằng những công cuộc đổi thay ý-thức hệ, thể-chế chính-trị . Sự đổi thay ấy đã giải-phóng từ kiếp Người nô-lệ hèn mọn bị bạo-lực trấn áp trở thành Người chiến thắng bạo lực, và làm con Người phải biết tôn trọng giá-trị của nhau và của chính mình .
Trí-Thức luôn ở tuyến đầu, thủ giữ vai trò tìm tòi và khai phá; nhận-thức và chứng-minh sức mạnh và khả năng của họ để đẩy bánh xe lịch-sử tiến về phía trước.
Phải chăng nói đến Trí-Thức là nói đến khai phá !? Khai phá là tìm lựa hướng nhìn. Ðiểm đứng sẽ trở thành điểm xuất-phát mà lối đi có sẵn trở thành lối cũ đã hoen màu ảm-đạm rong rêu. Người Trí-Thức vận-dụng tài trí và lòng nhiệt-thành đầy can-đảm, nhận trách-nhiệm khai sơn phá thạch mở lối hanh thông con lộ mới. Lau lách, núi đồi, sông suối không phải là trở lực cản ngăn ý - mà còn là niềm khích-lệ. Như nắng làm sắc hoa thêm mỹ-miều. Hoàn cảnh càng thách-đố Trí-Thức càng dũng mãnh ý-chí. Ðó cũng là lúc niềm tự tin của Trí-Thức được pha thêm chút sắc màu kiêu-sa lãng-mạn ! Nỗi sảng-khoái của Trí-Thức là nhận-định được phương-hướng, bến bờ ; tìm được cách thức ứng-phó với vấn đề. Tìm ra khai phương, giải đáp khai phá, nghĩa là Trí-Thức đã vượt trội lên thất-phu bởi lẽ thất-phu thiếu nhạy cảm, thiếu quyết-đoán lại thừa dị-ứng. Thất-phu chỉ thích đi trên lối mòn sẵn có, thích vay mượn nghĩ suy, lắm ngại-ngùng, nhiều khắt khe trịch thượng, thiếu kiên định mà ưa kiêu căng tự-mãn. Dị-ứng trong trường-hợp nầy không được hiểu như là bệnh học . Dị-ứng là căn bệnh tâm-lý của thất-phu. Trí-thức là giòng nước tràn qua dị-ứng, luồn lách vào tận ngóc ngách hang động, đá sỏi, khỏa lấp hoang lộ, mang mạch sống cho cây lá ươm bông nở trái. Trí-Thức được định-nghĩa là kẻ dấn-thân đi vào nơi dẫy đầy chướng-khí ngờ vực ; gian-nan tìm kiếm sự khẳng quyết, hướng-dẫn quần chúng đi vào chính lộ nên Trí-Thức ngoài nuôi Tâm, nuôi Trí còn phải nuôi Chí, nuôi Dũng và nuôi Tín .
Cộng-đồng Việt Nam hôm nay như bức tranh vân cẩu, chính tà lẩn-lộn, bọn hoạt-đầu gây nhiễu-nhương ! Quần-chúng phân-vân đưa đến tình-trạng phân-tán chán-nản hoặc tìm vỏ bọc ẩn thân, hoặc bị phân-hóa nhìn vấn-đề theo cảm-tính chủ-quan. Hình ảnh trận ẩu đả của năm thầy bói mù sờ voi đang là thực-tế bi hài. Bọn Cộng-sản Việt Nam vừa là thủ-phạm vừa là khán-giả của trận kịch-chiến giữa Người Việt Quốc-Gia với nhau. Bởi vậy, quần chúng trông chờ Trí-Thức xuất-hiện. Ðây chính là lúc Trí-Thức vươn mình thành dũng-sĩ xông vào trận-địa để khai mở, khai phóng và triệt-tiêu dị-ứng dị-biệt.
Thiên-kiến, bảo-thủ đã từng làm nghẽn tắt lối mòn, làm ước mơ thêm hoang-vu. Quần-chúng cũng hiểu rằng lịch-sử không ủy-quyền chuyển-hóa duy nhất cho Trí-Thức, quần-chúng mong muốn hợp cùng Trí-Thức tạo thành sức mạnh sinh-động tổng-hợp của cơ thể. Bây giờ cuộc diện và thực-trạng buộc Trí-Thức duyệt xét phương-pháp hành-động. Chiến-trường biến hóa tinh-tế và quyết-liệt nên Trí-Thức không chỉ : “ Văn dĩ tải Ðạo" , hay “Chở bao nhiêu Ðạo thuyền không khẳm.
Mà phải :
“ Ðâm mấy thằng gian bút chẳng tà",
Hay:
“ Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha"
(Nguyễn-Ðình-Chiểu ).
Lần giở những trang bi hùng, lịch-sử gần năm ngàn năm từ khi dựng Nước bằng máu xương, tang tóc, ly hận, Dân-Tộc Việt Nam cao đầu hãnh-diện dẹp được ngoại xâm gây can qua chiến loạn, và dù huynh đệ tương tàn có làm tâm tư chua xót. Nhưng chưa bao giờ nỗi thống-hận phũ-phàng ngập tràn và tủi nhục triền-miên, chưa bao giờ luân thường đạo-lý bị tàn phá băng-hoại khốc-liệt, chưa bao giờ nhân-cách và phẩm giá làm Người của Dân-tộc Việt Nam bị lăng nhục như dưới thời cai-trị bởi bàn tay thô bạo của lũ tham ác bất nhân vô đạo Cộng-sản Việt Nam.
Xưa kia Trí-Thức nhận-thức : "Sinh ký – tử quy" nên đã không đắn-đo để : “về bên gió cát” và "Gieo Thái-Sơn nhẹ tựa hồng mao" hay : “Quyết ra tay buồm lái với cuồng-phong" rồi mới : “Thảnh thơi thơ túi rượu bầu" (Nguyễn-Công-Trứ), nghĩa là Trí-Thức phải hoàn-thành trách-vụ : “xuống Ðông - Ðông tỉnh, lên Ðoài - Ðoài tan" (Ca-dao ).
Ngẫu-nhiên, chúng ta bao gồm cả Quần chúng lẫn Trí-Thức là những thế-hệ đã dự phần hay nhận phần do hệ quả cuộc chiến mệnh danh Quốc - Cộng nhưng thực chất là cuộc tương tranh giữa Thiện và Ác, giữa Chính-Nghĩa Dân-tộc và bất-lương vong bản mà Người Quốc-Gia đại-diện cho lẽ phải, cho quyền lợi Ðất-Nước. Chúng ta bị bắt buộc phải đảm trách và kết thúc chiến trận bằng chiến-thắng đem vinh-quang về cho Tổ-Quốc, đem Dân-chủ, Nhân-quyền và Thịnh vượng về cho toàn Dân.
Muốn hoàn thành nhiệm-vụ, chúng ta nên xếp lại những tỵ-hiềm nhỏ nhen, xếp lại những kỷ-niệm không vui về nhau, phá bỏ trở ngại dị biệt tiểu-tiết. Tình Chiến-hữu là sức mạnh cho những bàn tay tìm lại, tìm về với nhau.
Như giòng sông, lịch-sử trôi theo với thời-gian. Hôm nay chúng ta có khắc khoải: “nghe Sơn-Hà nguy biến không”!? Nghe thấu nổi lòng của nhau rồi, thì xin Trí Thức hãy dứt khoát cương quyết dấn thân. Xin đứng đúng vị trí mà lịch sử chỉ định! Vị trí của Trí-Thức không phải là ở NGOÀI, ở SAU mà là ở TRONG để hòa mình, lãnh đạo quần chúng. Vào hàng rồi, chắc rằng những thái độ dè dặt, chờ xem, hay âm thầm cố vấn, đứng đằng sau hổ trợ không còn trong ngôn ngữ và cũng chắc rằng cái hình ảnh gọi là bị cháy sẽ không bao giờ làm nhụt chí, nhụt lòng dũng cảm của BẬC TRÍ-THỨC./-

Tống phước Hiến

No comments:

Post a Comment