Friday, November 4, 2011

THIÊN ĐƯỜNG ĐỎ

                                               

Cựu Thiếu Úy CSQG/VNCH LÊ THỊ XUÂN

Tối ngày 28.6.1975 tôi bị di chuyển cùng chung với chồng từ Trường Trung Học Nguyễn Bá Tòng tại Sài Gòn đến Trại Suối máu được khoảng 1 tuần lại bị chuyển đến trại Thành Ông Năm, Hóc Môn do đoàn 500 cộng sản quản lý. Trại chia làm hai khu: Nữ Sĩ Quan (SQ) Quân đội, và Nữ SQ/ CSQG. Chúng tôi bị chia thành từng B và phải chen lấn lẫn nhau trong một diện tích chỉ đủ để nằm nghiêng . Lúc nầy tôi mang thai cháu đầu lòng gần 7 tháng. Đây là thời gian thai nhi phát triển, nên thai phụ cần được nghĩ ngơi, thoãi mái, tránh bị những áp lực và thai phụ cần phải được thực phẫm dinh duỡng vừa tinh khiết vừa đầy đủ. Nhưng với tôi thì hoàn toàn trái ngược. Ngoài môi truờng sống quá thiếu vệ sinh, lại phải ngồi nghe học tập, thảo luận. đấu tố. Thể chất mệt mõi, tâm trí lúc nào cũng lo sợ cho bản thân, cho gia đình, và cho chồng . Thai nhi càng lúc càng phát triển nên tôi thèm ăn lắm, nhưng bụng thì lúc nào cũng đói, dinh dưỡng chẳng có, áp lực càng lúc càng nặng và rồi hai chân tôi bị qụy, chỗ kín bị ra máu, không đuợc chữa trị hoặc thuốc men . Tôi đuối sức! Trước tình trạng sức khỏe tồi tệ và mạng sống của tôi bị đe dọa, ngày 12.8.75 Cộng sản (CS) thả tôi về với lý do :”tạm hoãn quản huấn vì sắp đẻ”(nguyên văn).
Về đến nhà thì ba mẹ và các em nhỏ của tôi đã bị lùa ra khỏi Sài gòn theo chương trình gọi là hồi hương lập nghiệp tại Sa-Đéc. Sức khỏe quá yếu, không đi được tôi đành ở lại căn nhà củ (bấy giờ thì gia đình thím tôi đang ở). Đến đầu tháng 9.75 đau chuyển bụng, tôi đến bảo sanh viện Từ Dũ . Sau khi sinh cháu bé, tôi mệt lắm, nhưng gắng gượng xem mặt cháu, biết cháu là gái, thấy khuôn mặt con hao hao giống bố, lòng mình dâng nỗi nhớ chồng và dào dạt thương con, tôi ôm con vào lòng và ngất đi vì bị băng huyết. Tĩnh dậy tôi trở về tâm trạng củ, May mắn cho tôi là CS chưa kịp đưa người của chúng vào nên nhân viên và bác sĩ vẫn còn tấm lòng nhân ái và phong cách Miền Nam và nhờ đó tôi thoát khỏi luỡi hái tử thần. Vì lý lịch, nên tôi bị tống ra khỏi bịnh viện sau 4 ngày mặc dầu tôi còn yếu và cháu bé gầy guộc chỉ được 2kg. Tôi lại phải bé cháu tìm đường về Sa Đéc.
Khi chiếc tàu đò đậu trước cửa nhà, lòng tôi càng thêm não nề. Đây là khu hoang địa, xưa kia là khu oanh kích tự do và không có dân cư, vì thế vùng nầy có rất nhiều hố bom. Thấy gia đình lam lũ, tôi vô cùng xót sa, vì vậy tôi ráng sức phụ giúp gia đình và tôi lại thêm lần nữa ngã qụy. Đúng vào thời gian nầy, khi cháu được hơn một tháng thì mẹ con tôi bị bắt trở lại trại giam.
Sáng hôm ấy ,đang cho con bú, tôi nghe tiếng ghe máy và tiếng người, rồi tiếng chân dồn dập nhảy lên bờ. chạy phía nhà tôi. Sống trong vùng cộng sản kiễm soát tâm trạng tôi luôn luôn hồi hộp lo sợ. Đang còn hoang mang thì tôi đã thấy họ bao quanh nhà tôi, những mũi súng chĩa thẳng vào mẹ con tôi. Tôi nghe đạn lên nòng và tiếng ra lịnh của tên chỉ huy:
- Các đồng chí vào vị trí sẳn sàng tác chiến.
Sau đó tiếng quát ra lịnh:
- Chị Lê Thị Xuân, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh, không được chống đối, chấp hành lệnh quản chế, thì sẽ đuợc cách mạng khoan hồng !
Tiếp theo là hai tên có võ trang tiến sát vào giường mẹ con tôi. Tôi biết là tôi đã bị bắt. Tôi không sợ, nhưng tôi thương con quá, phần không muốn phải xa con, phần sợ con phải chịu cảnh lao tù. Tôi thật sự lúng túng vì cả nhà tôi đang làm ngoài ruộng. Tôi ngỏ ý chờ người nhà tôi về.. Nhưng chúng nhất định không cho. Bị thúc hối quá cấp bách; tôi chỉ viết vội là đã bị bắt lại cho gia đình biết, rồi gom nhanh ít tả lót, ít quần áo, vật dụng cho hai mẹ con và theo chúng xuống xuồng máy giữa hai hàng súng “ dàn chào bảo vệ”của chúng. Sau nầy tôi biết tên hung tợn chỉ huy cuộc vây bắt hai mẹ con tôi tên là Hiếu. Tôi đã có lần gặp hắn tại sài gòn trong nhà người cùng quê với mẹ tôi. Người nầy là SQ Quân Lực VNCH che chở cho hắn trốn quân dịch, lúc ấy hắn làm phụ thợ hồ.Trước ngày tôi định cư tại Mỹ thì hắn là Phó chủ tịch Nông nghiệp huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng tháp và dĩ nhiên là rất hống hách, ngang tàng và giàu có.
Bọn chúng chở hai mẹ con tôi về trại giam Đám Lát thuộc huyện Lấp Vò, Tỉnh Đồng Tháp. Trại giam nằm trên gò đất, chung quanh có nhiều hàng rào giây kẽm gai bao bọc, chúng cẩn thận gài mìn và chất nổ đề phòng sự trốn trại của tù. Trại nầy giam đủ thứ thành phần từ SQ chế độ củ, tôn giáo, đảng phái chính trị… đến thường phạm. Vì có con nhỏ nên chúng cho mẹ con tôi ở riêng một góc xó nhà bếp. vách nhà làm bằng đất sình trộn với trấu, nên hôi hám và nhiều bụi dơ; gió mang theo hơi nóng làm rát da. Tôi mượn nhà bếp hai tấm bao bố gạo làm chiếu và mền đắp cho con, còn mình thì nằm hẳn trên đất. Mỗi buổi chiều mẹ con tôi đuợc nữ quản giáo dẫn xuống một cái đìa nhỏ để tắm giặt. Vì cái đìa nhỏ nầy khi nuớc triều cường mới có chút ít nuớc từ sông cái tràn vào, do vậy mà những chất dơ bẩn không kịp thóat ra, vì thế nuớc có màu đen của dơ, màu váng của phèn; mùi hôi thối luôn luôn phản phất, đó cũng là mần mống bịnh hoạn.
Thức ăn không đủ nuôi cơ thể thì làm sao có sữa để nuôi con! Vì thế, các bạn tù đồng ý cho tôi mỗi ngày đuợc lưng chén nuớc cơm có lẫn dăm hạt gạo đang sôi để phụ cùng với giòng sữa hiếm hoi nuôi con. Phải sống trong hoàn cảnh tù đày dưới chế độ cộng sản mới hiểu thế nào là đói, mới hiểu giá trị miếng ăn và mới hiểu đó là sự hy sinh, là tấm lòng nhân ái mà Xã hội Quốc Gia đã giáo dục cho họ.Tôi biết ơn các bạn tù, cơn đói không lúc ngưng dày vò, trí óc chỉ ước mơ đến chưyện ăn, như mơ được một chén cơm lưng, thẻ đường, hột muối, giọt mỡ. Ôi miếng ăn sao “vĩ đại” đến thế!
Ngoài cái đói triền miên hành hạ, tôi lại phải đối phó với muỗi. Khi bóng đen tràn tới cũng là lúc từng đàn muỗi xuất hiện. Chiếc mùng củ lúc mang theo, bây giờ cũng rách mục như số phận làm người trong xã hội “thiên đường”cộng sản.
Tôi ngậm ngùi thương con, tôi lo cho sự an nguy của chồng, tôi lo cuộc sống lao đao vất vả của gia đình, thấy nhớ ba mẹ và các em thơ dại của tôi, tôi tội nghiệp cho bà mẹ chồng hiền lành và nỗi bất hạnh triền miên đè lên số phận bà. Dường như giọt lệ lúc nào cũng lưng lưng trong khóe mắt, thế nhưng miệng tôi thì lúc nào cũng phải nói những điều trái ngược. Tôi cảm thấy danh dự xúc phạm.
Do thiếu thốn vật chất, tinh thần hoang mang lo sợ cho tương lai mờ mịt tối tăm, và thương nhớ người thân – tôi mõi mòn và dần dần kiệt sức, con tôi thì còm cõi, yếu ốm và những bệnh do thiếu dinh dưỡng, do môi trường dơ bẩn cùng một lúc “hiệp đồng” tấn công trên cơ thể èo uột của tôi và của cháu. Lúc nầy thì con tôi tóc bết dính và lầy lụa mũ máu vì bị sài lở, toàn thân cháu nổi lên những mụn nhọt nhỏ li ti như muỗi đốt, móng tay như bị long và sứt rớt ra. Tôi lo qúa, có lần tôi đành gạt nước mắt chịu nhục, hạ mình xin thuốc cho cháu; nhưng bọn người lòng thú ấy dững dưng, lạnh lùng và dường như trong ánh mắt chúng có đôi chút hả hê của lòng thù hận. Ôi đồng bào tôi đấy, ôi phẫm cách và lòng khoan hồng “cách mạng!”. Sự tàn nhẫn kinh khiếp ấy của giống “người” cộng sản làm ý chí tôi bỗng dưng phát triển mãnh liệt. Tôi hối hận về sự cầu cứu ấy và tự nhủ lòng sẽ không bao giờ cầu xin chúng, tôi dấu nỗi uất hận, không để lộ niềm đau. Dù chưa biết phải làm gì, nhưng tôi thấy tinh thần của lý sinh tồn và lòng tự trọng trong tôi vững vàng lắm!
Sắp đến ngày 2 tháng 9, ngày “quốc khánh” của chúng, một phái đoàn không biết từ đâu và cấp nào đến thanh tra. Một người trong bọn họ thoáng dừng lại trước mẹ con tôi, chúng phải bịt mũi vì mùi hôi từ chúng tôi. Có lẻ nhờ thế mà hôm sau, ngày 30.8.76 mẹ con tôi được chúng thả ra về với ba năm quản chế.
Về đến nhà, toàn cả gia đình tôi sống héo hắc, cùng cực vất vả, thiếu thốn, tôi đã hiểu tại sao gần năm qua tôi không có thư từ tin tức gia đình và tôi lại khóc, lòng tự trọng thúc đẩy tôi lao hết sức mình cho gia đình, cho đứa con muôn ngàn yêu dấu. Cậu em trai kế tôi, có gia đình, còn ở Sài gòn cho tôi hay rằng người mẹ chồng hiền lành của tôi đã chết! Tôi thương và mừng cho bà đã thóat được cái thiên đường man rợ của lũ “vượn người cộng sản”Tôi nguyện cầu cho bà sớm đuợc về cõi Phật như lòng bà hằng mong ước. Tôi xót sa cho chồng và mẹ chồng trong cuộc chia tay vĩnh viễn không được gặp nhau, không đuợc có mảnh khăn trắng ghi nhớ công ơn của mẹ hiền, không được cầm tay đứa con trai út mà bà nuôi nhiều kỳ vọng. Bỗng dưng tôi thở dài ngao ngán cho kiếp nhân sinh trong chế độ cộng sản.
Gần sáu năm sau kể từ ngày tôi đuợc thả ra lần thứ hai thì chồng tôi mới đuợc thả về. Giây phút đầu tiên gặp lại nhau, tôi quá đỗi bất ngờ và cũng quá xúc động. Toàn thân tôi điếng lặng. Tôi không nhúc nhích, cử động gì được, nhưng giọt lệ cứ trào ra, lăn dài xuống đôi gò má thanh xuân nhưng đã sớm tàn phai vì thống thiết đau buồn, thương nhớ.
Nhìn cảnh nhà sa sút nghèo khổ và cũng vì có lần quá cơ cực tôi có ý định cùng với chồng con quyên sinh, nên ngay hôm sau ngày sum vầy chồng tôi bắt tay ngay vào cuộc sinh tồn. Dù cường quyền địa phuơng ngăn cản, luôn tìm cách tạo bất an, gây phiền nhiễu, khó khăn, anh vẫn quyết chí phấn đấu từ làm thuê, vác mướn, bán dạo… gia đình tôi lần hồi bước dần ra cảnh bần hàn. Nhưng tai họa lại ập đến! Bởi lao nhọc, thiếu thốn và di hại trong lao tù, chồng tôi ngã bịnh nặng. Bác sĩ cho biết một lá phổi anh bị khô nước, màng phổi bị dày dính nên kéo và làm trái tim bị lệch và thòng xuống, có dấu hiệu bị sạn thận, xơ gan. Bao nhiêu tiền bạc do công lao và tiện tặn dành dụm được đành phải bỏ hết ra để giành mạng sống của anh. Khi đồng bạc cuối cùng ra đi thì may thay, tôi gặp đuợc người chị cả của chồng tôi, hai chị em thất lạc từ thửơ anh chưa chào đời. Nhờ chị, chúng tôi thoát nạn. Cũng kể từ đó, đời sống tinh thần và vật chất của chúng tôi được an ủi, khuyến khích và nâng đở. Chị trở thành người mẹ thứ hai của chồng tôi,
Bây giờ nhớ lại và kinh rợn chuỗi ngày sống dưới ách bạn tàn khắc nghiệt cộng sản , lòng bùi ngùi thương cảm cho những người còn trong nanh vuốt man rợ cộng sản. Xin thành kính nghiêng mình trước những bậc anh hùng đã ngã xuống vì muốn cứu nỗi bất hạnh của quê huơng, xin được khóc những giòng lệ cho những oan khuất tội tình của đồng bào tôi bị bàn tay máu của cộng sản áp bức khống chế.
Xin cúi đầu tưởng niệm hằng triệu chiến sĩ Quốc Gia, Con yêu của Tổ Quốc Việt Nam đã không tiếc máu xương vì sự an tòan và phát triển cho quê hương. Xin tưởng niệm 58 ngàn con yêu của Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc chiến đấu cho công lý và tự do trên quê huơng tôi.
Xin cám ơn lòng hào hiệp của nhân dân và chính phủ Hoa kỳ đã cứu vớt và đưa chúng từ nơi tối tăm bi thãm, nơi tầng cuối cùng của địa ngục trần gian đến vùng đất hứa, nơi tuyệt đối tôn trọng nhân phẫm con người.
Xin cám ơn những ân nhân, vì tình nhân ái, vì nghĩa Đồng Bào mà điển hình là bà Khúc Minh Thơ và hội Gia Đình Cựu Tù nhân Chính Trị đã không bỏ rơi chúng tôi, đã không quản ngại gian khó tốn kém cả tiền của lẫn thời gian và sức lực, đã ra sức đánh động cho Thế giới và nhất là Hoa kỳ biết nỗi thống hận ngút ngàn mà cộng sản trả thù bằng cách làm khô máu lên cuộc đời những chiến sĩ Quốc gia từng một thời dũng lược, nay đành thúc thủ.
Học theo Quý vị, chúng tôi nhất định không bỏ quên những người đang cần đến chúng tôi,. Chúng tôi giữ gìn đạo lý và văn hóa Việt, chúng tôi nuôi dưỡng giáo dục các thế hệ tiếp nối về lòng nhân bản để trở thành công dân hữu dụng cho xã hội và cho sự tồn vong của Dân tộc. Thiết nghĩ dó là lời cảm ơn chân thành và thiết thực nhất.
Việt Nam là Dân tộc biết mang ơn và biết cách đền ơn . Đó là lời cuối cùng của giòng tâm sự hôm nay của chúng tôi.

Little Sài Gòn, ngày Truyền thống CSQG/VNCH - 1.6.2008
Cựu Thiêu-Úy CSQG LÊ THỊ XUÂN

KỶ NIỆM NỔI TRÔI CÙNG TRÍ NHỚ


 Tống Phước Hiến

         Tôi là một trong những người trai sinh và lớn lên giữa thời tao loạn. Lý tưởng dâng cao theo những bài sử bi hùng oanh liệt, bất khuất. Hồn quê và hồn người hòa nhập nên cũng lãng mạn và cũng ngây thơ trong sáng. Tôi không nhớ ai đó đã vẽ chân dung chúng tôi:
  Cứ cộng năm thằng đủ chẵn trăm,
  Những thằng mười tám tới hai lăm
  Bán trời không chứng, thiên lôi đả
  Trời rủa cho rằng lũ chết băm !
         Đêm đêm bên ngọn đèn dầu tù mù, lâu lâu những tiếng đại bác từ xa xa vọng lại, chúng tôi ngừng học. Những suy tư vây quanh ý sống! Giòng sống đưa chúng tôi dần xa tuổi ngọc. Rồi áo trận thay áo trắng thư sinh. Và rồi, tiếng súng không còn xa xa vọng lại mà ngay sát cạnh cuộc đời. Lâu lắm và may lắm vài thằng bạn ngày xưa bất ngờ được gặp. Và cũng ai đó nói giùm tâm tư kẻ tha phương giữa đêm trừ tịch nơi chúng tôi phải ngăn quân thù trên từng thước đất quê hương:
                      Ba năm không về thăm Mẹ
                      Chiều nay nằm với sương phong
                      Bốn năm không về thăm chị
                      Chiều ngả nghiêng dâng trong
                      Nghe giữa chiều hoang pháo nổ
                      Mây còn nổi ở đầu sông
                     Còn có ai về gõ cửa
                      Mà với tay về trong không
                            Ừ mai, ừ mai nhớ về nhé!
                            Sao con không về – Mẹ trông ?
                            Ừ mai, ừ mai nhớ về nhé !
                            Sao em không về – chị mong ?
                            Dan dúm cùng lửa đạn
                            Về thì làm sao tang bồng .
         Lâu quá, trí nhớ mòn hao khá nhiều, dù cố gắng vẫn không thể nhớ tên tác giả và e rằng những câu thơ trên không nguyên vẹn chính xác. Xin cúi đầu tạ lỗi và mong chờ lượng thứ.
         Vâng, chúng tôi chiến đấu trong thể chất thanh niên tràn đầy lý tưởng với một tâm hồn như thế. Sau bao năm lăn lóc cùng đao cung súng đạn, sống chết cận kề, chân dung chúng tôi vẫn như thế. Cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi vừa bàng hoàng ngơ ngác, vừa xót sa thân phận phải rời xa chiến trận.
         Ngày xưa, vì giành sự sống cho chính mình, cho đồng đội và cho lý tưởng mà mình tin tưởng là tương đối đúng hơn; nên đạn phải lên nòng cơ bẩm, và ngón tay phải xiết cò. Nhưng chúng tôi đã không gạch thành rõ nét Và cứ thế, chúng tôi lại lãng mạn, lại ngây thơ, dùng đôi mắt thật thà tìm giòng máu Việt Nam đang luân lưu trong mỗi cơ thể của nhau. Chúng tôi không tin vào chủ nghĩa mà họ theo đuổi, nhưng chúng tôi nghĩ rằng chất Việt Nam trong máu họ vẫn chưa biến đổi, nhạt màu Mang tâm trạng ấy, chúng tôi đi vào xã hội do người cộng sản thống trị.
         Xã hội mới này hằn sâu trong tôi nhiều vết thương, có cái đã thành sẹo, có cái vẫn còn tấy sưng đau đớn và hầu hết còn di lụy nặng nề trên mạng mạch quê hương. Dưới đây là một vài kỷ niệm trong vô số kỷ niệm. Bài viết này chú trọng vào vài kỷ niệm tại trại giam A.20 còn được gọi là trại kiên giam, trại trừng giới, thung lũng tử thần... Vì giới hạn, nên chúng tôi chỉ xin vắn tắt tâm sự. Đã là tâm sự thì cũng xin được nổi trôi, không xếp đặt thứ tự, và cũng không bố cục chặt chẽ.
                                                        ***

         Nói đến cộng sản mà không đề cập đến lừa gạt là không đầy đủ bản chất thật của cộng sản. Kỹ thuật lừa gạt của cộng sản đạt đến mức thượng thừa. Bạn hỏi xem bất cứ ai trên cõi nhân sinh từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây tự động đóng tiền để xin được đi tù không? Khó tin, nhưng là sự thật. Ai thế? Xin thưa, đó là những người đã trưởng thành, có học vị, cũng từng giữ chức vụ chỉ huy từ Hành chánh, Chính trị đến Đảng phái, Quân đội; từ kẻ thừa hành đền người lãnh đạo Miền Nam. Nhiều lắm, nhiều lắm ...trong đó có cả tôi! Tất cả những người này đều đã làm cái chuyện khó tin nhưng có thật đó là đóng tiền để đi tù!.
         Nền giáo dục Miền Nam dạy dỗ chúng tôi về lòng nhân ái, về tình tự dân tộc, về những gì thuộc nhân cách làm người. Nền giáo dục ấy dạy rằng, trong vị thế phải cầm súng, chiến đấu vì sự tồn vong của Tổ Quốc, thì trên chiến trường, súng trong tay, người lính cần phải nhanh chóng thanh toán mục tiêu để tự vệ, để giành chiến thắng. Nhưng khi súng đã không còn trên tay thì kẻ đó là không còn là kẻ thù mà là đồng loại, đồng chủng và cuộc sống của họ cũng cần phải được tôn trọng.
         Những tấm hình có ngôn ngữ mà các phóng viên ghi nhận từ trong lửa đạn, ngay trên chiến trường, đã mô tả được bản chất rất thật, rất cao thượng và cũng rất lãng mạn. Đó là hình ảnh một chiến thương cộng sản, không còn khả năng chiến đấu, đang trong tư thế đau đớn quằn quại, trên người chỉ còn manh chiến y không nguyên vẹn, đang được hai chiến binh Việt Nam Cộng Hòa tiếp nước cứu sống. Hoạt cảnh ấy mô tả lại: Một người lính VNCH nâng đầu người lính CS và người lính CS này đang uống giòng nước ân tình từ chiếc bi đông của một chiến sĩ VNCH khác.

 Một hình ành khác cùng một bối cảnh, cũng lãng mạn một cách cao cả; và cũng cay đắng tàn bạo một cách đê hèn. Đó là một chiến sĩ VNCH cõng trên vai một thương binh cộng sản chạy song song cùng với một chiến binh VNCH khác cũng trên vai đang cõng một đồng đội chạy lao về chiếc trực thăng mang dấu hiệu cứu thương Hồng Thập Tự trên nền trắng đang chờ tải thương binh giữa cảnh mịt mùng khói súng và những đợt mưa pháo liên tục của cộng sản lợi dụng tải thương để sát hại thêm những người đã mất khả năng chiến đấu và cũng không thể chiến đấu vì phải cứu đồng đội, cứu luôn cả kẻ thù vừa mới nhắm bắn vào mình và nay cũng là thương binh đang lâm nạn.
         Tại quân y viện, hai người lính, từng là tử thù trên chiến địa, nay đều là thương binh, đều là những mạng người và đều phải được cứu sống. Người chiến binh kẻ thù được đối xử, được tôn trọng như những con người. Tôi không thêm bớt, không điểm tô. Tôi hãnh diện được chiến đấu trong hàng ngũ của đội quân ắp đầy tình người ấy. Tôi không hổ thẹn khi đọc và học những trang quốc sử của Cha Ông và tôi sẽ mãi mãi như thế, dù rằng có thể đó là một trong những lý do khiến chúng tôi thất trận; nhưng đó cũng là hành trang để chúng tôi nhập cuộc chiến đấu mới. Dù cuộc chiến nào, chúng tôi vẫn phải là kẻ kế thừa mạch sống lịch sử, chúng tôi có nhân cách, có trái tim thuần Việt, có chính nghĩa. Đó là lý do khẳng định rằng, chúng tôi chỉ thất trận chứ không hề thua cuộc.
         Từ những giòng tâm sự trên, minh định chiếc áo trận của chúng tôi gói bọc ý thức tự vệ, và tấm lòng thật thà nhân ái. Tổ quốc, tình người gắn liền với kiếp nhân sinh trong cuộc sống. Vì không biết lừa gạt, nên đến khi biết mình bị lừa gạt thì sự phẫn giận vụt bừng bừng lớn dậy như triều sóng. Kẻ thù nhìn thấy được tư cách đáng nể trọng nhưng vô cùng hiểm nguy cho sự tồn vong của họ và thế là Trại giam trừng giới A.20, trong mật khu Thung lũng Tử Thần Kỳ Lộ được thiết lập. Mỗi người tù trong trại giam tử thần này đều có thời gian thai nghén và hình thái biểu lộ sự phẫn hận. Tôi không thể thay thế những chiến hữu ấy của tôi, dù rằng hoàn cảnh và tâm sự rất gần nhau. Tôi chỉ xin nói vài kỷ niệm mà tôi còn nhớ trong những ngày anh em chúng tôi thể xác hao mòn tàn tạ, nhưng tinh thần và ý chí vững vàng để cùng bảo vệ cho nhau, CÙNG DÌU NHAU VƯỢT QUA CỬA TỬ THẦN .
         Và câu chuyện xin được bắt đầu:
         Sau hết hạn mười ngày, phía cộng sản vẫn bình thản, được hỏi thì họ né tránh. Tiếp theo là những lời giải thích vu vơ xấc láo: Nào là cần phải tiến bộ, nào là xã hội cần ổn định, nào là vì bảo vệ an ninh bởi sợ nhân dân trả thù...Rồi những đòn thù trừng phạt được xuất chiêu. Những đoàn sát thủ đến từng mỗi trại giam đe dọa tù dưới lớp áo gọi là Tòa Án Đặc Biệt và họ hèn hạ bắn chết tù – những người không có điều kiện tự vệ, những người đã vì  cả tin vào họ mà phài sa cơ thất thế! Sau những phát đạn thảo khấu đê tiện đó là một loạt những chính sách đốn mạt lưu manh ti tiện.
         Ngoài đời thường, chúng thực hiện chính sách: Kinh tế mới, di dân, đổi tiền; tạo ra những điều kiện sống khắc nghiệt nhằm trợ sức cho sách lược đập phá tan tành hệ ý thức đạo đức cũ và hình thành hệ ý thức đạo đức mới dưới tên: ”Chính sách đền ơn đáp nghĩa”. Họ cổ động, khuyến khích và ngầm ép buộc vợ con Tù Sĩ Quan VNCH khinh bỏ chồng, cha, để lấy thương binh cộng sản. Bàn tay sắt với đầy đủ  nanh vuốt búa liềm nhằm hổ trợ cho sách lược rừng rú được thành công là nhà tù mọc nhanh hơn nấm. Trường học, đình làng, miếu mạo đều có thể biến thành trại giam.
         Trong tù, cộng sản dùng chính sách bỏ đói để hèn hóa, biến tù Sĩ Quan thành những kẻ nô hèn không còn nhân phẩm, thấp dưới cả súc vật; nhà kỷ luật nhiều thêm với những kỹ thuật đày đọa ngày càng tinh ác và kinh khiếp.
         Thiện chí và lòng tin tưởng chân thật nơi những con người được giáo dục luôn xiển dương giá trị đích thực con người đã đến cuối đường. Ngay cuối đường này, người tù Sĩ Quan phải công khai thực hiện  một cách triệt để đức tính rất quan trọng không có nó là không còn nhân cách. Đức tính đó là: “Lòng Tự Trọng”. Người Sĩ Quan VNCH hiểu được rằng Lòng Tự Trọng là nền tảng của sự suy tư, của sự nhất quyết phải dám chống lại bất cứ hình thức áp bức hay lừa gạt nào. Đó cũng là lý do mà tôi và các chiến hữu của tôi gặp nhau tại Trại Trừng Giới A.20.
         Tôi cùng người bạn đời và sau này là chiến hữu, cùng đóng tiền để đi tù cộng sản tại trường Nguyễn Bá Tòng, cùng bị đưa đến Trại Suối Máu, ít ngày sau bên nữ chuyển trại không rõ về đâu. Kể từ đêm di chuyển ấy mãi đến gần bảy năm sau chúng tôi mới được sum họp, trong hoàn cảnh thể xác và đời sống hai chúng tôi hòa theo nỗi thống hận và cùng chia chịu với quê hương những bươm nát, những khốn cùng, ngút ngàn những phẫn hận, tận đường của mạt vận. Thời gian gần bảy  năm ly biệt này, chúng tôi gặp nhau một lần duy nhất tại trại giam Z.30.D, chuyện trò trong sự vội vàng và thúc giục của những cai tù và một lần tôi được đứng nhìn để thấy nàng cùng đứa con gái đầu đời, nhưng không được gặp mặt. Thời gian nầy tôi đang bị kỷ luật, chúng đưa tôi trong văn phòng của chúng, đứng nhìn ra khu thăm nuôi. Nếu tôi chịu viết vào tờ giấy của tên chấp pháp rằng “Tôi sẳn sàng khai báo đồng bọn” thì sẽ được gặp vợ con. Tôi mỉm cười khinh bỉ lòng dạ lang sói  dơ bẩn, đốn mạt đó của cộng sản. Cũng từ buổi hôm ấy tôi thường bị kêu làm việc nhiều hơn cho đến một đêm tôi được tháo cùm chân để mang cùm tay số tám”, cùng với gần 70 chiến hữu được “tuyển chọn” từ khoảng 120 người thuộc thành phần mà theo tên Thượng úy Vọng trưởng ban giáo dục trại giam Z.30 D là “cần qua cuộc giải phẫu” tại “phòng hồi sức” (tức phòng biệt giam tập thể – nguyên nhà 7 nữ tù vừa chuyển trại) để “tái giáo dục cải tạo”, có điều kiện học tập tốt hơn”. Chúng còng hai người thành một cặp. Xe bít bùng chở chúng tôi lăn bánh khoảng lúc 3giờ sáng. Khi những tia nắng cuối cùng tắc hẳn, chúng tôi xuống xe. Nơi chúng tôi “có điều kiện cải tạo tốt hơn” đây rồi!”
         Chúng tôi đứng trước cổng trại giam A.20 trong thung lũng Kỳ Lộ, Huyện Ðồng Xuân, Tỉnh Phú Yên. Nhìn toàn cảnh đồi núi, sông suối, ruộng đồng, tất cả đan kết gắn chặt vào nhau như cái chảo lớn mà bầu trời là cái vung thiên nhiên khóa chặt cuộc đời của những người sa chân mạt lộ. Rồi vòng rào, nhà giam kiên cố, thái độ hung hăng, lời nói chất chứa hận thù độc ác, chúng tôi biết sắp phải đương đầu với bao nghiệt ngã khốc liệt tàn ác nhiều lần hơn các trại trước.
         Tuần sau, một số tù khác từ trại Z.30 C chuyển đến. Họ có cùng tâm cảm như tù đến trước khi nhìn không gian và cảnh vật.
         Vì kẻ thù gạn lọc, nên đến đây hầu hết là “thành phần cứng đầu bất trị” !. Nhờ vậy, tù tự thấy không hổ thẹn mỗi khi nghĩ về tư cách của chính họ, tư cách của những Quân Dân VNCH, đã từng chiến đấu cho lý tưởng Quốc Gia Dân Tộc. Hôm nay dù với tư thế nào, họ vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu vì danh dự giống giòng, vì lý tưởng và vì lẽ phải của lương tâm.
         Tháng sau, tù thuộc phân trại E bị xáo trộn và “biên chế” lại, đại khái như sau :
1/- Nhà 1 gồm các đội như :
   - Ðội Vệ sinh gồm những người tàn tật, đau yếu, già lão.
  - Ðội Văn thể gồm những người có đôi chút hiểu biết về ca hát, viết lách và thể thao. Vì trại có chính sách ưu đãi như phần ăn có nhích hơn, phần quà thăm nuôi được nhiều hơn đôi chút, nên hầu hết là tình nguyện, hoặc do ban thi đua đề nghị và được cai tù đồng ý. Ðội Văn-thể dường như do “nhà văn Phan Lạc Giang Ðông” trong nhóm chủ biên tờ “Mã Thượng” làm đội trưởng.
 - Ðội Y tế có các BS.Trần Quý Nhiếp, Nguyễn tấn Chức, Nguyễn văn Lịch... Ðội y tế còn có một số tài phiệt gốc Hoa, được mệnh danh là những ông vua từng gây mưa gió thương trường, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thời VNCH như vua điện ảnh, vua lúa gạo, vua sắt thép. Ðó là các ông Trương Dĩ Nhiên, Lý Sang, Trần Thành, Lưu Trung. Những người nầy được chăm trồng vài loại cây gọi là “dược thảo”.
 - Ðội nhà bếp.
         Những đội này chung nhà nhưng cách vách ngăn với ban thi đua do Dương đức Mai (nguyên Trung Tá - BĐQ) làm trưởng ban, và toán Trật tự gồm các tên: Quý đen (lai Mỹ đen, nghe nói trước kia là binh sĩ), tên Trực, tên Thanh (hai tên Trực và Thanh đều nguyên là cán bộ cộng sản, không rõ tại sao phải đi tù).
  2/- Nhà 2 là Ðội bị án tử hình và trên 18 năm. Ðội này đa số là các Linh Mục: Vũ-Huy Chương, Trần Công Chức, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Tiến Khẩu, Huỳnh Linh, Lê Văn Hòa, Nguyễn Duy Linh và các Sư huynh giòng Tabert như thầy Ðào, thầy Phượng. Các chiến sĩ trong vụ khởi nghĩa vào những ngày đầu khi Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam tại nhà thờ Vinh-Sơn Saigon như Linh Mục Nguyễn Quang Minh. Và các tổ chức kháng Cộng khác.
 3/- Hai nhà còn lại, thì nhà cuối cùng, là nhà bốn tập trung tù bị bịnh nặng, thường là lao phổi. Nhà ba là tù bị “án tập trung cải tạo”. Gồm Sĩ Quan, Viên chức VNCH, tu sĩ Phật Giáo như thầy Đạt thường gọi Thầy Chùa Đạt, và một vị nữa, thế danh Bùi Lưu  không rõ Pháp danh nguyên Tuyên úy Phật giáo. Nghe nói vi tu sĩ nầy rất kiên cường, đã bị bắt lại.
         Sau khi tạm ổn định, chúng tôi phải đem tất cả hành trang (hành trang, ôi nghe vừa văn chương, vừa mai mỉa! - Làm gì có cái gọi là hành trang nơi những người ở cuối tầng địa ngục!) lên hội trường. Cai tù gọi một số trong anh em chúng tôi (trong đó có tôi) đứng lên cho cai tù “chiêm ngưỡng”. Các anh em tù đã nhập trại từ trước, ịn bảng khuôn dấu gỗ với mực sơn đen (dường như hắc ín) có khắc chữ “cải tạo” chiều cao chừng 2/3 gang tay và chiều dài gấp rưởi lên quần áo chúng tôi. Những bạn tù này đã bị tuyên án, là tử hình, 20 năm, 18 năm.... Họ là những Anh Hùng đã dùng máu lệ, khổ nhục viết tiếp trang bi tráng sử Việt Nam bất khuất. Họ là những Chiến Sĩ Vinh Sơn, Giáo phái Hòa Hảo, những Chiến Sĩ được gọi chung là Phục Quốc. Tôi cúi đầu ngưỡng mộ và cám ơn họ. Nhờ họ mà trang Quốc sử không bị gián đoạn, nhờ họ mà Thế giới ngưỡng phục sức đề kháng của Dân Tộc VN, nhờ họ mà tôi biết rằng tuổi thanh xuân của tôi không phí uổng. Máu và lao tù của họ đã tô đậm cho hai chữ Chính Nghĩa, cho niềm Tin, cho chân lý, cho sức tiến Lực lượng Dân Tộc. May thay, và vui thay chiến hữu của tôi và gia đình tôi đã từng vinh dự được đứng trong Lực Lượng đó.
         Kiểm tra xong, chúng “biên chế” tôi ở đội đào đất.
         Vừa đặt chén khoai mì, những lát khoai mì H.34 chỉ dùng trong kỷ nghệ, không thuộc thực phẩm vì chứa quá nhiều độc tố. Những lát khoai mì khô mỏng dính, mỏng đến độ bạn ném nó vào vách thì bạn cũng khó lấy ra được nguyên vẹn, nếu bạn thích đếm, cam đoan là khoảng độ non “tiểu đội lát khoai mì” thì anh Lại Trình Xuyên, Tiến Sĩ Công Pháp, giáo sư Luật khoa đến than:
  - Hiến ơi, anh bị tụi nó bắt làm đội trưởng, Hiến làm tổ trưởng tổ 1 giúp anh nhé
         Tôi biết anh Xuyên qua anh Khuất Duy Trác. Tôi thấy khó chịu khi nghe lời than và đề nghị của anh:
  - Sao anh không từ chối. Tôi thật không hiểu nổi! Tôi không làm, không giúp gì cả!.
         Hình như cái cằm bên dưới của anh trề ra. Thoáng như nét vừa đau, vừa buồn anh tiếp:
 -Anh đã có nghĩ đến, nhưng nếu không nhận thì chúng có cớ để nhốt kỷ luật. Vả lại, mình không làm thì nếu thằng mất dạy  nào đó sẽ làm và khổ thêm anh em. Anh nghỉ mình cứ nhận, anh em thoải mái được ngày nào tốt ngày ấy. Mình làm cũng chỉ bảo vệ lẫn cho nhau thôi.
         Không đợi tôi nói, anh bảo:
 - Chiều nay, anh phải ở lại để họp “giao ban”, Hiến dẫn đội đi lao động nhé!
         Anh đi rồi, tôi phân vân. Lúc ấy, tôi thật vụng về. Phản ứng chậm chạp và cuối cùng thì tôi cũng phải cùng anh em ra khu đào đất có tên “ao cá bác Hồ”. Hôm ấy, gọi là tạo “khí thế”, bọn cán bộ cho hát văn nghệ, phất cờ đánh trống náo nhiệt. Trong số bọn chủ ngục có tên Lê đình Đổng (hổn danh Lê văn Nhừ) y gốc người thiểu số, dáng gầy hơi cao, da mặt tái chì, môi thâm đen. Tôi thấy hắn đi qua, đi lại hai lần và tôi tảng lờ như không thấy. Hắn hỏi ai là Đội trưởng, anh em chỉ vào tôi. Hắn hỏi, tôi trả lời nhát gừng rằng tôi chỉ là tổ trưởng, đội trưởng ở nhà. Vì tôi vờ không thấy hắn nên không chào...Và thế là: Tôi được “cách chức” và biên chế sang đội mộc của anh Huỳnh Cự.
         Qua sách báo, thông tin tài liệu và công việc, tôi biết có bốn nhân vật cùng có tên Huỳnh Cự. Đó là: - Huỳnh Cự Trung đội trưởng trung đội Du kích đã đi vào lịch sử bằng cuộc nổi dậy đánh thực dân Pháp ở Ba Tơ, Quảng Ngãi. Huỳnh Cự, tên công an hỏi cung tại trại giam Hỏa Lò, trong quyển hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ thư Hiên. Huỳnh Cự tên đội trưởng đội cải cách trong tác phẩm “Ba Người Khác” của nhà văn Tô Hoài và Thiếu Tá Chiêu Hồi Huỳnh Cự, tù nhân đội trưởng đội mộc, kiêm nhà trưởng nhà 3 là một hay không ? Nhưng theo chủ quan của tôi thì hai nhân vật cùng có tên Huỳnh Cự trong các tác phẩm của Vũ thư Hiên và Tô Hoài không phải là Huỳnh Cự A.20 mà chúng tôi sắp kể sau đây.
         Theo tôi biết, cùng với vài chi tiết do anh Huỳnh Cự kể lại thì Anh Huỳnh Cự nguyên là Trung đội trưởng du kích Quận Ba Tơ Tỉnh Quảng Ngãi, cấp bậc khi anh ra hồi chánh với Quốc Gia tại Quận Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi là Thiếu Tá Trưởng Phòng Quân Huấn Liên Khu 5. Anh được Bộ Chiêu hồi cử làm Phụ tá Thứ Trưởng và là Ủy viên công cán. Anh thường xuyên đi thuyết trình về kinh nghiệm cộng sản.
         Tôi có nghe các bạn tù, những người có tư cách, đáng tin cậy cho hay rằng cộng sản ngụy tạo ra tai nạn giao thông để giết chết anh. Tóm tắc câu chuyện như sal:
         Một buổi trưa, tại ngả tư Hàng xanh, khi đèn giao thông báo đỏ. Anh Huỳnh Cự đang cởi xe honda, chờ đèn giao thông, xe anh ngừng sát bờ lề đường thì một chiếc xe jeep nhà binh mang dấu hiệu Quân y Cộng sản cũng đứng chờ sẳn phía đối diện bỗng nhiên lao nhanh nhắm thẳng vào anh. Anh Huỳnh Cự ngã xuống nằm sóng soài trên mặt đường và chiếc xe Quân y Việt cộng cán lên trên người anh rồi bình thản bỏ nạn nhân lại hiện trường và cũng bình thản chạy đi như chưa tùng có chuyện gì vừa mới xảy ra trước mắt những công an giao thông trật tự và sự ngỡ ngàng của dân chúng.
         Cộng sản xem mạng người như cỏ rác.Thời chiến tranh, xã hội chúng cai trị còn trong bức màng sắt, CS ngang nhiên thủ tiêu tuy không công khai nhưng cũng không cần dấu giếm. Nhưng khi thế giới CS xụp đổ, vì cần tồn tại, chúng bắt buộc phải mở cửa, phải thay đổi phương pháp giết người, Quá nhiều vụ án sát nhân được ngụy tạo dưới những hình thái như:ẩu đả, ghen tương, trấn lột, xã hội đen, nhưng phổ thông nhất là tai nạn giao thông mà nạn nhân chết oan ức, thủ phạm bình thường nhỡn nhơ thách đố pháp luật. Đảng cộng sản không thể nào chối cải tội trạng thủ tiêu ngay đồng chí của chúng như Trung tướng CS Nguyễn Bình, Dân biểu CS Dương bạch Mai, Nông thi Xuân cán bộ hộ lý và đã có con với Hồ chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị CS Nguyễn đình Tứ, Đại sứ CS tại Liên Hiệp Quốc Đinh bá Thi; những người chúng lo sợ nguy hại cho chúng như nhà văn Khái Hưng Trần Khánh Giư, Kịch tác gia Lưu quang Vũ, Thượng tọa Thích Thiện Minh... Do đó, việc cộng sản hèn hạ giết anh Huỳnh Cự để trả thù cũng không có gì làm lạ!
         Tôi không nhớ các anh Nguyễn văn Học nguyên Đại úy Biệt Dộng Quân, cán bộ Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân tại Huấn Khu Dục Mỹ vá Anh Đại Úy Phan Văn Mùi nhà ở chợ La Hay và tôi quen biết nhau trong trường hợp nào. Tôi chỉ nhớ sau thời gian ngắn ăn “cơm” chung, anh Mùi bị biên chế chỉ còn tôi và anh Học Anh Học có biệt danh là :“Bắc kỳ đểu” vì mỗi khi phải phát biểu, anh không quên châm chọc chính sách của cộng sản; bọn cán bộ có nghe, có biết, có hiểu nhưng chịu thua, không bắt lỗi được. Anh Học chơi với anh em hòa nhã. Nhắc đến anh là bạn bè nhớ ra anh Học đầu 3 phân (1 phân thì đúng hơn) Vì khéo tay, anh làm đồ thủ công như ống vố hút thuốc., dao , kéo, kiêm luôn thợ sửa chìa khóa. Tôi nhớ anh có gò một bộ đồ nấu theo kiểu réchaud tim bằng vải và nấu bằng dầu lửa. Anh em chúng tôi nghèo lắm, tôi thường đặc trách nấu mướn cho những anh em có thăm nuôi nhưng “nhát gan”.
         Sở dĩ chúng tôi có dầu lửa để nấu là vì lúc ấy anh Nguyễn tú Cường nhờ có tài vẽ, bọn cán bộ nhờ anh vẽ những hoa, cảnh, độc bình...trên các vách như hội trường, nhà ở, nhà ăn...Nguyễn tú Cường kéo thêm anh Học và tôi. Tôi không biết vẽ, Cường bảo tôi đồ và sơn lại những hình Cường đã vẽ và đã pha màu. Thường số dầu chúng cung cấp nhiều hơn nhu cầu. Phần thặng dư ấy chính là vật liệu cho cái réchaud hoạt động.Cũng nhờ vậy mà số khoai mì có tăng thêm dăm ba lát.
          Khi mới đến trại A-20, một hôm lên cơn sốt, người tôi cứ run bần bật. Anh Học bèn đè tôi xuống, lấy “mền” phủ kín rồi ủ lên người tôi bằng hơi ấm từ anh chuyền sang Câu chuyện tôi có mặt trong đội quân bệnh nhân sốt rét kinh niên như thế này:
         Mãn khóa Sĩ Quan tại Học viện CSQG, tôi được giữ lại phục vụ tại Bộ Tư Lệnh CSQG Sài Gòn, nhưng thưở ấy tôi quá trẻ, lại có “máu giang hồ vặt” nên tôi làm đơn xin đổi ra khỏi Sài Gòn. Đơn xin thuyên chuyển tôi ghi rằng “Tình nguyện phục vụ bất cứ nơi nào trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa”. Đơn đệ trình khá lâu, nhưng không hồi báo. Một hôm, có nữ Sỉ Quan phụ trách thuyên chuyển khối Nhân huấn có công việc trực tiếp với tôi. Nhân tiện tôi hỏi về đơn xin thuyên chuyển và được cô trả lời phải đợi có người điền thế. Mấy ngày sau, cô cho hay có người muốn hóan chuyển, tôi đồng ý. Nhưng khi đến nơi, thì nhiệm sở hoán chuyển như trong Nghị Định đã có người. Tôi đồng ý phục vụ tại vùng thượng du cao nguyên, không khiếu nại. Trước khi chia tay, người nữ Sĩ Quan nầy ngạc nhiên hỏi vì sao tôi thích về nơi xa, trong khi nhiều ngưới đang tìm cách về BTL để được bình an và dễ thăng tiến. Cô dặn tôi, nếu đến đơn vị mới gặp khó khăn không như ý, cứ tin về và cô có thể giúp tôi trở lại Sài Gòn. Tôi cám ơn và trả lời rằng: ”Tôi không bao giờ ân hận quyết định của mình”. Đến nhiệm sở mới, tôi viết thư cám ơn và cho cô biết những khó khăn,  nguy hiểm đang chờ chào đón tôi. Những lá thư qua lại đó giúp chúng tôi hiểu nhau, yêu kính nhau và trở thành bạn đời của nhau. Thưa các bạn, đó chính là nguyên nhân khiến tôi có tên trong đội quân sốt rết.
    Một buổi trưa, đang nhâm nhi những lát khoai mì thì anh Học bảo:
   - Chút nữa anh Cự sẽ nói chuyện với ông đấy.
  Tôi hỏi:
   - Anh có biết chuyện gì không? Anh Cự nói gì với anh ?
    Anh Học bảo không nói được bây giờ, để sau khi anh Cự nói chuyện vói ông xong, mình xem thử có giống nhau không.
         Quả nhiên, không lâu sau đó – vẫn thói quen ưa khịt khịt ở mũi, anh Cự vào ngay vấn đề. Đại ý với tư cách người vừa lớn tuổi hơn, vừa có nhiều kinh nghiệm về cộng sản hơn, anh khuyên tôi cẩn thận, đừng để thái độ chống đối lộ liễu quá, không có lợi. Anh kết luận rằng: Đất nước cần người trẻ, nên ráng nhịn, ra khỏi trại giam rồi muốn làm gì thì làm. Trong tù mà chết thì lãng nhách; còn nếu không còn phương cách để tồn tại thì phải lựa cách chết vừa xứng đáng với danh dự, vừa không bị thua lỗ. Rất nhanh gọn, anh dứt khoát chấm dứt câu chuyện và tôi cũng chưa kịp có phản ứng gì. Anh đi thật nhanh. Anh Học cho biết rằng Anh Huỳnh Cự cũng nói như thế đối với anh.
          Mấy hôm sau tôi “biên chế” qua đội cuốc đất do anh Nguyễn Trọng Nghị làm đội trưởng. Anh Nghị nguyên là Thiếu Tá, người ốm, cao; khuôn mặt rất giống dân Âu châu, chúng tôi thường gọi anh là ông tây nhà đèn. Anh có cách nói chậm, rõ và dứt khoát, được anh em kính trọng. Khi ra khỏi tù, gia đình tôi có đến thăm anh Khuất duy Trác và anh Nguyễn trọng Nghị; hai chiến hữu đàn anh mà tôi kính trọng cả về nhân cách lẫn kiến thức.
         Một buổi chiều, tất cả anh em ra khu lao động cuốc đất. Riêng anh Cái Trọng Ty phải ở lại làm việc với tên Quyền quản giáo đội. Tất cả anh em lo ngại vì nghe nói anh Ty và một anh nữa (không nhớ tên), Hai anh gánh lúa giống. Vì cái thúng bị đứt vành mà lúa thì đong cao có ngọn và phải gánh chạy, do đó lúa rơi vãi ra ngoài một ít. Sự lo ngại đã có hồi ứng. Chúng tôi nghe tiếng la phản đối của anh Cái Trọng Ty, tôi chạy vội về phía anh Ty. Khi anh Ty ra đến nơi với chúng tôi, anh em chúng tôi không ai bảo ai tất cả  ngầm đồng ý không lao động. Quyền giận lắm, y ra lệnh là cứ hai người một cặp, người đứng cuốc cỏ, người ngồi gom cỏ thành từng đống; nhưng chẳng có ai động tịnh gì. Quyền bèn giở trò hù dọa rằng là hắn gọi tên ai thì người đó phải cuốc đất lao động. Tôi bị hắn gọi tên trước. Tôi trả lời dứt khoát là không làm, nại cớ anh em tù chúng tôi bị đánh. Chúng tôi không an tâm cải tạo và việc cán bộ đánh tù là vi phạm chính sách. Sau một hồi kèn cựa, Quyền dẫn đội về lại trại giam.
         Sáng hôm sau, chúng tôi không nhận phần ăn sáng. Lý lé, tên cán bộ an ninh cùng một số tên khác vào, nhưng anh em tù nhất quyết không nhận phần ăn, không xuất trại. Tôi và bốn anh em bị gọi đi làm việc. Đầu tiên tên trật tự Quý đen đưa tôi ngồi chờ ở nhà “Văn Hóa”, sau lại đưa vào chờ ở khu kỷ luật và cuối cùng là tại nhà tên cán bộ Chi. Trong số những tên cai ngục thì Chi rất thâm hiểm, nhưng nhờ có học hơn, nên hắn che đậy được bộ mặt gian ác. Khi vào trong nhà Chi, tôi thấy một số các tên hung ác đã có mặt. Riêng Quyền, trong tay cầm sẳn thanh cây cỡ loại thước của thợ hồ. Tôi đoán chúng sẽ đánh, tôi hét toáng lên: “cán bộ không được đánh tôi, tôi sẽ tự sát”. Mắt tôi lục tìm bất cứ vật gì làm vũ khí hộ thân. Tôi đoán, Chi thấy không thuận lợi và có thể gây phiền toái nên Chi đuổi bọn Quyền ra và “ôn tồn giải thích”, hắn giả lả hỏi về anh em tù, về hoàn cảnh gia đình tôi. Tôi ngỏ lời cám ơn về cá nhân và gia đình của tôi, còn sinh hoạt anh em thì tôi trả lời không biết.
         Rồi tình hình cũng theo thời gian lắng đi, trôi vào quá khứ. Rồi một số rất đông anh em được thả về. Tôi được anh Lê văn Sanh, Thiếu Tá Pháo Binh Phòng Không cũng gốc Huế như tôi gọi ăn cơm chung. Anh Sanh có tật nói to và nhanh. Bởi sự chênh lệch quá xa, Anh được thân nhân có lẻ khá giả, còn tôi nghèo. Anh biết tôi ngại nên không ép, nhưng anh thường chia thức ăn cho tôi, anh thay cho tôi bàn chải đánh răng mà tôi mang theo từ lúc “giả nhà, đeo kiếp lao tù”, cũng đã non 7 bảy năm trời. Lần đầu tiên trong đời tù, tôi được dánh răng bằng kem đánh răng, được tắm xà phòng thơm. Tôi biết, trong hoàn cảnh tù đày, khốn khó như thế mà anh chia cho tôi những thứ đối với tôi là quá xa xỉ, và anh  cũng chẳng dư thừa. Chia sớt nhau trong cảnh ngộ nầy là cả một tấm lòng, là một sự hy sinh và yêu thương. Tôi không đủ văn tài để tả lại cái cảm giác khoan khoái đó.Và tôi biết, chỉ nên một lần. Một lần từ của  người đàn anh, rồi thôi. Tôi trở về thân phận và suy tư riêng. Tôi thuộc loại con bà phước, có được một lon goz cũng đủ rồi. Bây giờ anh em thương tình cho quá nhiều. Trong tù, lon Guigoz quý, quý lắm, nhưng có cũng chẳng biết để làm gì. Tôi không trông chờ ngày về. Gần nửa năm sau, tôi nhận được thư của anh Học. Tôi cố tìm ẩn ngữ trong thư, nhưng nội dung không có gì như mong chờ. Tôi lại vẩn vơ nhìn mây và thời gian trôi, trôi mãi... Tôi biết chắc vợ con tôi không thể thăm nuôi, đời sống những người thân yêu này vất vả, khổ nhục trăm chiều.
         Nhưng thật bất ngờ, một buổi sáng gần ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5 năm 1982, Võ thành Mân, Phan Vỹ Huệ (Kathy Huệ) và tôi được thả. Khi nhận giấy ra trại thì được biết có thêm một vị nữa ở phân trại B, dường như là Trung Tá Tâm, BTL/CSQG. Trên đường trở về với gia đình, ba anh em chúng tôi được anh Mùi ra đón. Anh chị nghèo lắm, hình như có được hai cháu lúc bấy giờ cũng khoảng 5 hay 6 tuổi. Chị bán mắm muối tiêu hành ở chợ. Tôi thấy anh gánh hàng về trước, chị về sau. Anh nấu cơm, chị làm đồ ăn. Ôi bữa cơm thấm sâu tình chiến hữu.
         Chừng hai năm sau, tôi bị lao phổi nặng, phải lên Sài gòn tìm phương chữa trị. Tôi gặp anh Nguyễn bá Tước. Trong tù, tuy chúng tôi không ăn cơm chung, nhưng anh xem tôi như đứa em. Anh hỏi tôi đã lập hồ sơ đi Mỹ chưa? Thấy tôi ngơ ngác, anh lấy giấy ra trại và các giấy tờ khác làm copy và gởi qua Bangkok (Thái Lan). Gặp anh lần thứ hai, anh đưa cho tôi giấy báo nhận của Tòa Đại sứ Mỹ ở Thái Lan. Sau nầy, tôi hay tin trể anh đã mãn phần. Tôi bùi ngùi gởi về gia đình anh nén nhang ân nghĩa. Tôi cầu xin cho anh được trở về cõi Thiên Quốc. Xin Đấng tối cao ban hồng phúc cho anh, một con người đầy lòng nhân ái. Cũng thời gian nầy, anh Lê văn Sanh gởi về cho tôi 50 dollars Mỹ. Thực tế, giữa lúc khốn cùng thì số tiền nầy quá lớn. Xin cám ơn tấm lòng của anh
         Những điều tôi viết về anh Huỳnh Cự, có thể làm một số anh em không hài lòng. Tôi không dám phê bình đúng hay sai. Tôi chỉ xin những chiến hữu ấy vui lòng cho phép tôi được nói những gì dù rất hạn chế, kém cỏi. Nhưng với tôi, riêng tôi, tôi đoan quyết là sự thật, và sự thật cần phải được nói ra. Lần cuối, xin hãy lượng thứ cho tôi.
         Tôi còn nợ anh Huỳnh Cự một nén nhang “tử biệt”. Tôi còn thiếu anh Mùi một tấm lòng của đứa em đối với người anh.
         Bây giờ, tuy đã quá lâu, trí nhớ cùn theo thời gian, nhưng ân tình chiến hữu vẫn mặn nồng.
         Xin cám ơn đời, xin cám ơn cảnh ngộ tuy tủi nhục khốn cùng; nhưng chính nơi cảnh ngộ tủi nhục khốn cùng ấy, hoa nhân ái ngát đầy hương sắc nở rộ. Và nhờ đó, tôi đã được hiểu, được biết và cũng đã nhận được tình người, tình đời, và nhất là tình chiến hữu. Nhờ thế, đầu tôi ngẩn cao nhìn về tương lai, về niềm tin rằng sẽ có một ngày mai. Ngày đó, ánh sáng sẽ  rạng rỡ trên quê hương. Chỉ nghĩ đến đó mà lòng tôi đã rộn ràng.
         Cùng với thế hệ kế tiếp, tôi vẫn bước tới, bước mạnh mẽ, không ngại ngùng chông gai. Tôi đã là và mãi là Chiến sĩ của Chính Nghĩa Quốc Gia Tự Do và Nhân ái.
         Rồi mai đây ra đi lìa bỏ cuộc sống này, tôi sẽ đem theo nụ cười và niềm hãnh diện hôm nay của tôi.
         Xin cám ơn đời, cám ơn bè bạn chiến hữu, cám ơn những người thân quyến cả cuộc đời đã vì tôi, cho tôi dự phần và chung phần.

                                                          Tống Phước Hiến
                                      Viết nhân ngày Gia đình A.20 Hội Ngộ 3/7/2011

Người tù không biết tội

Tống Phước Hiến


Anh sinh trong một gia đình nông dân nghèo, ở một xóm heo hút xa xôi với thị thành. Sau Hiệp định 1954, quê anh được tiếp thu, sống trong Chính Quyền Quốc Gia, nhà anh nằm trơ trọi giữa cánh đồng. Tía anh chết trong thời chiến tranh, Mẹ già yếu lại bịnh vì quá cơ cực lam lũ, nên anh chưa một lần được đến trường. Khi anh đến tuổi lớn khôn, quê anh bỗng trở thành vùng xôi đậu, anh dắt bà Mẹ già yếu bịnh hoạn trốn về Thị xã Long Xuyên, làm công cho một lò gạch. Nhờ siêng năng, thiệt thà, tiện tặn, anh mua được căn nhà nhỏ, lấy vợ và chuyển sang nghề “đạp xe lôi”. Vì là người con duy nhất, cha chết, mẹ già trên 60 tuổi, nên anh được miễn dịch vì lý do gia cảnh.
Cuộc sống gia đình êm ấm, anh chưa bao giờ suy bận, tìm hiểu về chiến tranh. Với anh, Quốc Gia hay Cộng sản thì anh cũng chỉ là người dân bình thường. Nhưng dù sao thì biến cố 30 tháng 4 năm 1975 cũng đã làm anh đôi chút ngỡ ngàng. Anh thắc mắc không hiểu vì sao lại có người lo âu, hốt hoảng. Quanh anh, cuộc xáo trộn diễn ra gay gắt với nhiều người, nhưng anh không thấy có gì thay đổi. Anh vẫn đạp xe lôi, giá một cuốc xe linh động thay đổi tùy theo sự hốt hoảng ít nhiều hay bình thường của khách.
Thế rồi, vào những ngày cuối tháng 5 năm 1975, công an khu vực bỗng đến “kiểm kê hộ khẩu”.
Tên công an mang theo sổ sách vào nhà anh lấy lời khai, trong khi mấy tên du kích mang súng bao quanh và chận cửa nhà anh. Vốn là người dân hiền lành, anh quá hoảng sợ. Anh tưởng tượng ra hình ảnh tù tội, cảnh Mẹ già, vợ dại, con thơ nheo nhóc đói khổ, cảnh bị công an tra tấn, tù đày lao cải đói khổ khiến anh càng thêm bấn loạn. Anh nhớ có biết tên công an nầy. Nhà hắn gần xóm chợ. Trước đây, khi gặp nhau cũng có chào hỏi, mời nhau ly cà phê hay điếu thuốc, có khi thân tình gọi nhau mầy tao tôi tớ. Có ai hơn ai đâu. Thật ra, công bình mà nói, thì tên công an khu vực thuộc được mấy chữ cái, tuy không đúng, nhưng cũng ráp vần đọc được vài ba chữ. Nghe bà con lối xóm nói hắn là “cán bộ nằm vùng”. Bây giờ, tình thế đã khác. Anh vẫn là dân, hắn trở thành cán bộ. Vị thế đã rạch ròi phân định. Sau gần hai tháng sống với chúng, anh mới hiểu, cán bộ là kẻ có uy quyền tuyệt đối. Vì là dân nên anh có thể bị hắn bắt bỏ tù bất cứ lúc nào.
Không cần đợi ai mời, tên công an ngồi, chân duỗi, chân co trên mặt ghế. Một tay đặt lên quyển sổ, tay kia vắt trên cái đầu gối. Hắn bệ vệ nói, mắt láo liên khi thì nhìn anh, khi thì nhìn như dò xét khắp mọi ngõ ngách trong nhà. Mẹ anh mặt mày nhợt nhạt ngồi bệt nơi xó góc. Vợ anh, sợ con khóc, gây tiếng ồn, chị vạch ngực áo đút vú vào miệng đứa nhỏ nhất, ba đứa lớn hơn lấm lét nép vào Mẹ. Hắn gật đầu mấy cái rồi bắt đầu :
- Báo cáo Má, anh, chị và mấy cháu, để ổn định tình hình, trấn áp bọn ngụy quân, ngụy quyền, phản cách mạng, để phát huy thành quả cách mạng, để có điều kiện tích cực bảo vệ đời sống nhân dân. Hôm nay, thừa lịnh Chi ủy, thừa lịnh chính quyền cách mạng và thừa lịnh nhân dân, chúng tôi là công an khu vực, “hợp dồng hành quân” với du kích địa phương đến tận cơ sở thực tế điều tra tình hình, kiểm kê dân số hộ khẩu. Dưới chính quyền cách mạng thì hộ khẩu vô cùng quan trọng, sau nầy bà con mình dùng nó để nhận sự phân phát đồng đều sản phẩm vật chất do xã hội sản xuất ra.
Vậy nên bây giờ, cán bộ cách mạng hỏi đến đâu thì các “đương can” trả lời đến đó, không được nói khi cán bộ chưa cho phép. Muốn trình bày phải đưa tay xin và chờ “chỉ thị”. Mọi sự trái với “điều lệnh sẽ bị cách mạng nghiêm khắc xử lý” (Phần nầy, hắn học thuộc lòng cách nói của bọn công an ngoài Bắc vào giảng dạy lớp công an nhân dân khu vực).
- Tên chủ hộ ?
Anh đáp :
- Dạ, Huỳnh-Ngọc-Thân.
Tên công an lật nhanh trang giấy lẩm nhẩm đánh vần, nhưng hắn không viết được. Hắn tự nhủ “cái họ nầy thường nghe, nhưng vì không lưu ý, nên nay không hình dung nó ra làm sao”. Túng quá, hắn quay sang bảo anh “tự đánh vần cho được chính xác”. Anh gãi tai cười :
- Ðồng chí viết còn không được, thì tôi làm sao viết được.
Chụp ngay cơ hội để giải vây, chữa thẹn, hắn gay gắt nạt nộ :
- Ai đồng chí với anh ? Ai nói với anh rằng tôi viết không được. Cảnh cáo anh về tội đánh giá tầm thường cán bộ cách mạng.
Hắn ngoái cổ ra phía ngoài nhìn tên du kích đứng chận cửa và ra lịnh :
- Vì tình hình “đột xuất” cần phải “điều tra thực tế hiện trường”, nên tôi cần một đồng chí du kích vào làm thư ký.
Tên du kích bước vào, kéo ghế, dựng súng, nhận sổ và cúi đầu nắn nót viết. Tên nầy cũng lúng túng không viết được chữ Huỳnh. Sau khi bóp trán, nhíu mày vật lộn với chữ nghĩa, cuối cùng y viết chữ "Hình" thay vì "Huỳnh". Tên công an khu vực liếc thấy tên du kích đã “hoàn thành xong công tác về mặt cơ bản”, nên tỏ vẻ mừng. Khi ấy trời đã xế trưa. Chúng giải quyết nhanh chóng và hấp tấp trở về trụ sở.
Chừng hai tuần sau, toán công an thị xã Long Xuyên lại đến “kiểm tra thành quả công tác cách mạng của chính quyền cơ sở ” thì “phát hiện” ra “sự cố“ có sự “sai biệt” giữa bản lưu tờ khai gia đình do chế độ cũ lập và hộ khẩu mới. Tên công an Thị xã cảnh cáo anh :
- Sai lầm “nghiêm trọng vượt qua tiến độ kỹ thuật” anh phải “khẩn trương” gấp rút xin đồng chí công an khu vực xác nhận lại.
Chúng hẹn sẽ trở lại kiểm tra vào tuần tới.
Suốt đêm hôm ấy anh lo sợ, mong mau sáng, giải quyết cho xong “ba cái vụ giấy tờ để còn lo làm ăn”. Tờ mờ sáng hôm sau, anh chực sẵn trước nhà hắn. Mới thức dậy, mở cửa, gặp anh, hắn có vẻ không vui nhưng cũng hỏi :
- Cần gì mà đến sớm vậy ?
Anh cười thật tươi và trình bày câu chuyện rắc rối họ tên của anh, kèm với lời cảnh cáo của công an thị xã. Hắn cảm thấy danh dự bị xúc phạm, nhưng cố tỏ ra ôn tồn :
- Rừng nào cọp nấy. Khu vực nầy, chỉ có tôi mới có quyền. Ai thắc mắc, nói gặp tôi.
Thoáng chút ngập ngừng hắn bảo anh đợi, cùng ra trụ sở để xem xét lại. Trụ sở hắn kề bên quán ăn, anh tính mời hắn vào quán “đấm mõm” cho việc mau xong. Nhưng dọc đường, người quen của hắn đi theo chừng hơn mười mạng. Anh nhẩm tính cứ mỗi thằng một tô hủ tíu, một ly cà phê, một gói thuốc ba số (ba số 5), ấy là chưa kể bánh mì, cà-phê mang theo về trụ sở cho mấy ”đồng chí” khác. Anh định về đến trụ sở chỉ có hai người, anh sẽ sử dụng câu thần chú “thủ tục đầu tiên" (tiền đâu). Nhưng không may cho anh, khi gần đến nơi hắn ngừng lại nói :
- Công việc không có gì quan trọng, mai anh trở lại. Hôm nay tôi cần đi họp.
Nói xong, hắn bước nhanh. Còn anh, anh lủi thủi đi về. Anh lo lắm, nhưng lần nào cũng thế, hắn lẩn tránh và tìm cách từ chối. Mấy lần anh định đưa tiền, nhưng lại sợ mắc tội “làm hủ hóa cán bộ cách mạng”. Anh sợ, vì anh nhìn thấy cặp mắt hắn có vẻ ác cảm với anh. Có lần anh nói với chị. Chị cho biết dạo nầy vợ hắn cũng có vẻ “ta đây, nhìn nngười bằng nửa con ngươi”.
Lần hồi, đến ngày công an thị xã xuống “kiểm tra sự chấp hành” của anh. Nghe trình bày, tên công an thị xã cho phép anh trong vòng một tưần lễ phải đem “toàn bộ giấy tờ xác minh” về trụ sở công an Thị xã.
Ðáo hạn, anh đến công an thị xã trình diện với giấy tờ “vũ như cẩn” (vẫn như cũ). Lần nầy, anh bị tên công an trách cứ đã “không hạ quyết tâm” và cho anh “một cơ hội chót tỏ lòng thành khẩn với cách mạng” là trong vòng ba ngày sau anh phải trở lại “thỏa mãn chứng từ đòi hỏi”.
Không thể nào lay chuyển nổi “cán bộ cách mạng công an khu vực”, anh đành mang y nguyên giấy tờ theo trình diện. Tên cán bộ công an thị xã mất hẳn bình tỉnh khi nghe anh trình lại câu nói của công an khu vực rằng là “rừng nào cọp nấy”, “không ai có quyền bắt dân của hắn, muốn gì cũng phải được hắn đồng ý cho phép”, hay “muốn gì thì gặp hắn”. Càng nghe, càng giận. Toàn bộ sự tức giận ấy, hắn ưu ái thân tặng anh !
Hắn đập bàn quát :
- Anh không được nói xấu cán bộ cách mạng. Anh nhiều tội lắm. Tôi liệt kê tạm như sau. Nếu không đúng, anh có quyền phản đối. Vừa nói, hắn vừa lấy giấy viết ghi chép :
1/ Lúc cách mạng còn gian lao, hy sinh chiến đấu. Anh lẩn trốn vào vùng địch. Theo ngụy, nên anh là ngụy dân. Với bạo lực cách mạng thì dù ngụy quân, ngụy quyền hay ngụy dân cũng có tội, và tội nặng như nhau.
2/ Cách mạng vào, anh vẫn tiếp tục chống đối bằng cách không nhiệt tình tham gia kiện toàn an ninh địa phương, trấn áp bọn có nợ máu với nhân dân, nghĩa là anh gián tiếp chống phá thành quả cách mạng.
3/ Cố tình khai sai hộ tịch, gây khó khăn cho cách mạng trong công tác điều tra, giữ gìn an ninh Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sau hơn 3 tháng bị tạm giữ để điều tra cùng với khoảng 30 người khác, đa phần là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, anh bị chuyển về trại giam Thủ-Ðức. anh cũng không thuộc đảng phái chính trị, các chiến sĩ kháng chiến Phục Quốc, hoặc văn nghê sĩ hay Sĩ Quan, Viên chức VNCH. Nhưng thực tế, anh được xếp chung với tù chính trị. Và cũng khăn gói cùng với tù chính trị bị chuyển trại đến nhiều nơi.
Cũng đã hơn năm năm, anh chưa hề được thăm nuôi hay nhận quà. Vì không biết chữ nên anh cũng không mấy quan tâm đến thư từ. Cuộc sống tù tội trong chế độ cộng sản khắc nghiệt, dần dà anh cũng quen với kham khổ, đói lạnh triền miên, vì quanh anh cũng có nhiều người cùng chung số phận cơ hàn cùng cực ấy. Anh vẫn thường tự an ủi "người ta sao, mình vậy ; người ta sống được, mình sống được” Hay “người ta từng là ông nầy ông nọ, giàu sang quyền hành ngang dọc, bây giờ họ khổ cũng như mình!”... Nhưng nỗi sợ nhất là khi bị xét hỏi tội trạng. Ai cũng “có tội” để khai, trừ anh ra. Cho nên không ai bị hạch hỏi, còn anh thì cứ bị cán bộ kêu lên để "làm việc". Nhiều lần, anh kể toàn bộ sự việc và nhờ “các bậc cao kiến” giúp xem anh bị tội gì. – nhưng không ai trả lời thỏa đáng cho anh cả. Còn cán bộ, thì mỗi lần nghe trình bày, tên nào cũng la mắng hạnh họe và kết luận là anh có tội, nhưng mỗi tên ban cho anh một tội khác với tội mà “cán bộ chấp pháp” thuộc “Sở an-ninh nội chính” Thị xã Long Xuyên kết án như :
1- Gây mất đoàn kết, gây chia rẽ trong “bộ Công an cấp cơ sở và cấp trên trong cùng hệ thống dọc" (?).
2- Có chủ ý trong việc tạo điều kiện có vẻ khách quan thuyết phục, nhằm chứng minh cán bộ ngu dốt thiếu khả năng để bọn phản động có cơ sở tuyên truyền. Gây hậu quả mất hiệu năng nghiêm trọng trong việc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (?).
3- Gây bế tắc trong giải quyết vấn đề (?).
Có cần anh đánh bạo trình bầy trường hợp và hoàn cảnh với người tuy cũng tù nhưng “làm lớn” giữ đến chức trưởng ban thi đua. Anh được ông Trưởng Ban Thi Ðua “phân trần”- tuy nói với anh, nhưng mục đích là cho tên, Trung tá trưởng trại giam nghe:
- Cách mạng không bao giờ lầm lẫn bắt người vô tội. Tự xác định tội trạng là một hình thức chứng minh lòng anh quyết tâm cải tạo.
Rồi anh bị hắn đuổi đi nơi khác. Vừa đi, vừa ngoái nhìn trộm, anh thấy hắn nói, tên trưởng trại giam gật đầu. Ít ngày sau, Trật Tự thông báo cho anh ở nhà “làm việc”. Cuối cùng, anh vào kỷ luật. Ây, vào kỷ luật anh lại mừng vì sau 1 tháng bị “te tua”, từ phòng kỷ luật ra, anh đã biết được tội trạng của anh, vì trong biên bản kỷ luật ghi rằng anh đã ”cố tình man khai, che giấu lý lịch để đánh lạc hướng điều tra của chính quyền cách mạng về các hoạt động phản cách mạng, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.
Thế là anh phạm nhiều tội lắm, không nhớ hết. Càng nhớ, càng hãi hùng. Vì vậy, anh cố quên và an phận chấp nhận cảnh người dân thấp cổ bé miệng trong xã hội mà giá trị con người còn thua xa súc vật.
Nhiều đêm nhớ vợ, thương con – anh khóc. Anh xót xa ân hận, vì lao tù, anh đã không nhìn được Mẹ lần cuối cuộc đời. Có khi anh hồi tưởng những ngày “vàng son” êm ấm bên những người thân yêu “vào thuở xa xưa ấy”. Anh hối hận vì anh thiếu trách nhiệm, anh đứng bên lề cuộc chiến. Bây giờ anh mới thấm thía câu “Nước mất nhà tan”, ngẫm nghĩ câu Ông Thiệu nói, nghe bình dân mà trúng phóc “Ðừng nghe những gì Cộng sản nói. Hãy nhìn những gì Cộng sản làm”. Mỗi lần nghe tù Sĩ quan nói chuyện về giấc mơ ngày nào đó có “cờ Vàng tung trong gió”, anh lại nheo mắt, thật thà cười. Nụ cười như một lời tuyên hứa cùng nhập cuộc.
Cuối tháng 2 năm 1993 một người tù Sĩ Quan, bạn tù chung trại với anh, lên Long Xuyên từ gĩa gia đình người cháu để chuẩn bị sang Mỹ theo chương trình mà người Mỹ gọi là HO. (Nhưng tù chính trị vẫn xác quyết họ là những người tị-nạn cộng sản (anti-Communist refugee) gặp anh đang hành nghề “xe lôi”. Hỏi tại sao anh không đi. Anh trả lời : “Tây có anh, Ðông có tôi” và “Ðừng quên những gì mình đã “nuôi” trong tù !”.
Chia tay, anh vẫn nheo mắt cười– như hồi còn trong tù, anh vẫn thường nheo mắt cười mỗi khi anh ngầm đồng ý hay hứa hẹn cái gì đó !

Tống Phước Hiến
(Trích từ: Khi vượn tấn công người)
                TẬP VẼ
                                         Phạm Đức Nhì



Thuở bé
thầy giáo thường khen em
có hoa tay, vẽ nhanh, vẽ đẹp
chỉ vài nét
là có hình người
muông thú, cỏ hoa
thế mà mấy năm qua
em luôn bị điểm 2 môn vẽ
chăm chỉ, miệt mài
tính em vẫn thế
chứ có đâu biếng nhác, ươn hèn

nhớ hôm vẽ cờ búa liềm
em đã ngắm kỹ
từng đường cong nét thẳng
em cũng ướm thử
từng đoạn dài đoạn ngắn
nhưng đến hết giờ
em vẽ cũng vẫn sai
đưa lưng cho thầy quất mấy roi
em ngỡ liềm cứa thịt da em rách
thước kẻ thầy đánh vào tay
em tưởng búa đập xương em dập nát

một hôm khác
lớp em vẽ hình Lê- Nin
em hết nhìn thẳng lại nhìn nghiêng
để ý từ chòm râu, sóng mũi
nhưng lạ chưa!
Lê – Nin của em vào cuối buổi
trông cứ như đang múa vuốt, nhe nanh
xem bài em thầy giáo giật mình
đánh em ngã lăn giữa lớp

hôm vẽ Bác Hồ
lòng em hồi hộp
thầy đứng bên em chẳng phút nào rời
thầy nhắc em Bác nhân đức yêu người
thầy sánh Bác với vua Hùng dựng nước
em cố vẽ theo lời thầy
nhưng không sao vẽ được
tay chén chè tàu
tay ly rượu Vốt- Ka
Bác Hồ của em
trông gian ác, ranh ma
em lại bị thêm trận đòn
tím bầm thân thể

bản đồ nước Việt Nam
một hôm em đang vẽ
này biển, này sông,
này rừng núi, ruộng vườn
này những thành phố quê hương
em đặt hết tâm hồn
vào trang giấy nhỏ
thầy đứng sau lưng
cầm cây cọ đỏ
bôi kín tấm bản đồ tổ quốc em yêu
đỏ nước, đỏ cây,
đỏ những đê điều
đỏ đất, đỏ nhà,
đỏ cả những con đường xe chạy

em bỏ ngôi trường làng
ra đi từ dạo ấy
lang thang như một khách giang hồ
Ôi! Nhớ làm sao
những lần tập vẽ ngày xưa
Ồ! Giá trường em giờ có thầy giáo mới
em sẽ chạy về ngay
không để lỡ một ngày,
một buổi
ngồi vào hàng ghế ngày xưa
thầy đang dậy những câu hát mẹ ru
còn em háo hức
chờ đến giờ tập vẽ.

                  Viết tại bệnh xá Phân Trại B, A20 (Xuân Phước)
khoảng đầu năm 1983.

                Phạm Đức Nhì