Saturday, August 20, 2011

                           
         Kẻ không có Quê Hương

              Tống phước Hiến

Anh không làm gì,
Anh chẳng làm gì!
Ngày hai bữa, cơm canh thường nhật
Rồi cà phê, thuốc lá với phim tàu.
Dư thì giờ:
     Bốc đồng, tán gẩu,
    Chén rượu, bàn cờ;
    Cao thấp hơn thua.

Đụng tới lợi quyền,
Giở đủ ngón nghề,
      Là dân tỵ nạn!
     Bởi tỵ nạn là chiêu bài hốt bạc,
     Là túi đường ướp xác thân anh.

Anh là ai?
    - Đứa con hư:
     Từ cha, chối mẹ!
Thưở vàng son:
      Anh trèo lên hung bạo
     Đạp anh em;
         Dọn chỗ đứng huy hoàng.
    Cơn Quốc biến:
         Anh nhanh chân – tẩu thoát
         Cúi rạp mình,
         Làm sâu bọ yếu hèn!

Nay Me cha, bị xích xiềng lao nhục,
Máu lệ oán hờn, Huynh đệ kêu than!
        Anh vội chối:
           - Tôi là người Mỹ!
       Đôi khi nhún vai, phà khói thuốc,
       Phân vân hỏi :
                -Làm mà chi:
                 cho người bản xứ bực mình!

                 Thôi, cứ để:
                 Tháng qua – ngày lại
                      Rồi cuộc đời, nó cũng phôi phai!

Có một dạo, nhìn anh em sum họp,
Quyết góp lòng, chung sức cứu mẹ cha.
Anh đứng thật xa,
       Vẫn cà phê, thuốc lá, phim tàu,
       Vẫn bàn cờ, chén rượu lân la
     Mắt dán quân bài,
      Miệng lảm nhảm ngu ngơ:
                - Coi chừng – bọn người lợi dụng!
                 Miễn ta đừng thân cộng – là tốt rồi!
                Tranh đấu để mà chi !
               Cứ nằn yên – chờ xem người Mỹ,
                Tính làm sao – ta sẽ biết phận mình!

Trốn tránh hèn ươn,
Muối mặt, xây lưng,
Như dế giun, tầm gởi!
Nhưng anh đừng dùng tên độc:
        Hoài nghi,
       Lời ngụy biện dầy độc xà xú uế.
             Bắn anh em thay giặc
             Để an lòng hưởng lạc!

Hồn núi sông, lẫm liệt oai linh,
        Ngậm uất hờn, tiếc nuối sinh ra anh.
Bạn bè khinh chê,
        Cháu con ngờ vực:
            Anh là người?
            Hay hoang thú giả người?

Little Sài Gòn, Mùa Quốc hận 2011
Tống phước Hiến

Wednesday, August 17, 2011

Cuối Tầng Địa Ngục

                                       
                                                                             Tống Phước Hiến

Sau hôm ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng cho đến ngày 27.6.75 tôi giả dạng là người bản vải dạo, đi khắp các nơi từ Sài gòn đến Xuân Lộc, Long Khánh vẫn không tìm được tổ chức kháng chiến, mãi đến những ngày cuối tháng 6, có tin đồn “phe ta lập kháng chiến khu và sẽ tổ chức các cuộc tấn công vào các xe chở tù cải tạo để giải thóat tù và nhận thêm quân”. Thế là tôi quyết định cùng với nhà tôi đi trình diện tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng.
Sáng hôm ấy, chúng tôi làm bửa tiệc chia tay không chén rượu “quan hà”, chỉ có tô canh thịt bò nấu với sả và rau răm. Tôi dặn nhà tôi soạn hành lý cho tôi thật gọn, nhẹ, nhưng cần nhất là bột ngọt, ít thuốc trụ sinh và thuốc cảm ho, bật lửa, vài cái áo cũ nhưng dày chuẩn bị cho một cuộc ra đi theo tiếng gọi “Sơn Hà nguy biến”. Tôi ôm người vợ hiền lần cuối, dể tay lên bụng, nghe sức sống đang lớn của con với nỗi thương yêu ngút ngàn.
Tôi muốn nói thật nhiều về cuộc sinh ly hôm nay, nhưng rồi chỉ nghẹn ngào với vợ, với con một lời xin lỗi vì thời cuộc, tôi phải chọn con đường dấn thân. Tôi giãi bày rằng chỉ có chiến đấu mới giành lại quyền sống, con cháu ta mới có tương lai, mới thoát khỏi kiếp nô dân lầm than, cuộc chiến đấu nào cũng phải chấp nhận hy sinh gian khổ…
Em nhìn tôi, lặng thinh, ứa lệ! Tình cảnh nầy nếu kéo dài, e rằng tôi trở lại ý định không trình diện và trốn đi nơi khác dù rằng chưa biết đi đâu. Nhưng nếu như thế thì tôi sẽ bỏ mất cơ hội được gia nhập kháng chiến quân một hoài vọng rất tha thiết và cấp bách
. Trời về chiều, tôi đứng dậy tuy dứt khóat nhưng lòng rung động vô vàn. Nhà tôi đưa tiền. Tôi biết, đây là số tiền duy nhất mà chúng tôi có, tôi hỏi :
- Em để dành cho em chưa?”.
Em nhỏ nhẹ:
- Mẹ con em không cần, em đưa hết cho anh – Nhớ giữ gìn sức khỏe, em cầu xin Trời Phật gia hộ cho anh, chúc anh luôn may mắn để về với mẹ con em. Trước khi chia tay và không hẹn được ngày về, em xin anh nhớ là dù anh mạnh khỏe hay tàn tật, dù anh sống hay chết em và con cũng mãi mãi là của anh. Em sẽ bảo vệ và dạy dỗ con.
Nhìn giòng nước mắt nhà tôi liên tiếp tuông, tôi lại vỗ về như nói với con:
- Con tên là Xuân Hiền con nhé. Xuân Hiền nhớ thay bố lo cho Mẹ !
Sự xúc động dâng tràn, em gục vào vai tôi, không còn nói được nữa; tôi nghe lòng quặn đau theo từng giòng nước mắt nóng đang dạt dào thấm trên ngực áo. Tôi cố nén xúc động, lòng rộn ràng tràn ngập tình yêu thương. Tôi không nói được cổ họng và nước mắt chực chờ nấc nghẹn và tuông chảy!
Cố lấy lại trầm tĩnh tôi nói:
- Lẽ ra anh để hết cho mẹ con em, nhưng không biết chuyện gì sẽ xảy ra nên anh xin em một nửa.
Nhà tôi cẩn thận bỏ 600 đồng vào túi quần tôi rồi khâu lại. Và chúng tôi tiến tới nhà tù mà trong lòng mong chờ biến cố thay đổi cuộc đời.
Đoàn xe chở tù chuyển bánh, chúng tôi dựa vào nhau, tìm hơi ấm nơi nhau trước khi xa cách muôn trùng. Lúc đó tôi hồi hộp, khấp khởi và tin tưởng. Tôi không rành đường Sài Gòn, chẳng biết hướng đi của đoàn xe, tâm tư tôi chỉ chờ đợi và sẳn sàng phản ứng lâm trận. Nỗi thất vọng ê chề khi xe ngừng bánh, chúng tôi bị đưa vào trại giam Suối Máu. Nhà tôi về khu giam nữ, tôi đến khu nam; ít ngày sau, bên nữ chuyển trại. Từ đó tôi hoàn toàn không biết tin tức về nhà tôi và đứa con tôi ước ao chờ đón.
Vài tháng sau, chúng tôi chuyển sang trại giam An dưỡng. Nơi đây tôi chứng kiến cảnh một số anh em tù bị đạp trúng “mìn cóc” lúc đi cắt cỏ tranh, và một lần bị chất nổ không biết do ai và tại sao, đã gây tử vong cho một số tù và trong dó có nhạc sĩ tài danh Minh Kỳ ( Đại Úy CSQG Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ) Những nạn nhân bị cưa chân, cưa tay bằng loại cưa gổ, hoặc cắt bằng dao nhà bếp. Các cuộc giải phẫu ấy diễn ra ngoài trời, hoặc trong nhà ở, thực hiện trong cái mùng gọi là “cách ly”. Vật dụng y tế không được sát trùng, không có thuốc men dù là thuốc đỏ. Tiếng la thét đau đớn hãi hùng của nạn nhân làm rung động lòng người (trừ người cộng sản - CS).
Sau đó tôi lần luợt bị chuyển đến các trại giam: Suối Máu, Z.30.Đ Hàm Tân Tỉnh Thuận Hải, A.20 Tỉnh Phú Khánh. Tôi là chứng nhân và cũng là nạn nhân trong lao tù CS, từng chứng kiến cái gọi là phiên tòa xử án Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Trụ, chúng tuyên án tử hình anh với tội danh: Thiên Chúa Giáo, di cư, Sĩ Quan chế độ củ, thành viên trong gia đình đều là viên chức của VNCH, không cộng tác với chúng. Tôi cũng từng chứng kiến những trận đòn của anh em tù cảnh cáo những tên antenna, trật tự. Những cuộc phản kháng của tù như cuộc hát nhạc chính huấn vào tết năm 1978 tại Z.30.Đ, như không chịu hát nhạc của chúng và rồi bị tên trật tự Quý đen đánh, như không nhận phần ăn sáng và lãng công để “phản đối cán bộ cai tù đánh tù” tại trại giam A.20. Tôi chứng kiến cảnh tù nhân bị ép buộc phải uống thuốc trước mặt chúng, tù chỉ được giải thích là thuốc ngừa bịnh !?, ai không uống thì bị nhốt kỹ luật.Tôi cũng từng bị biệt giam nhiều lần, lần thứ nhất là lần tôi nhớ mãi vì trùng vào thời gian mẹ tôi qua đời. Nhưng mãi đến gần năm sau tôi mới được tin nhờ chuyến thăm nuôi lần đầu tiên mà cũng là cuối cùng của vợ tôi.
Nhận hung tin ấy tôi chới với bàng hoàng. Từ khu thăm nuôi về lại nhà giam tôi như người mất hồn và những giọt nước mắt cứ rấm rức, lặng lẻ chảy hoài. Thế là hết, thế là tai họa khốc liệt nhất đã đến với tôi, thế là tôi vĩnh viễn không còn thấy Mẹ! tôi nghẹn ngào xúc động.
Khi Mẹ chết, chân tôi còm cùm xích.
Vợ con tôi còn lây lất lao tù.
Cả Quê Hương nhuốm một màu tang trắng,
Và Giang sơn chìm đắm giữa sương mù
(Trích “Nước mắt người Nữ Chiến Hữu -TPH)
Tôi cũng chứng kiến từ những anh em tù vì yếu đuối, ươn hèn đã bị bọn cai tù khuất phục; những anh em uất ức phải quyên sinh; những anh em dũng cảm trốn trại và bị bắt lại, bị chúng đánh đập rất tàn nhẫn kinh khiếp, và những anh em bất khuất công khai phản kháng bị triền miên biệt giam khắc nghiệt. Tôi đã cùng anh em đồng đội, đồng cảnh bị quằn quại dưới hệ lụy các sách lược như: Bao tử trị - Lao động khổ sai, - thăm nuôi – Được ngủ lại đêm với vợ (dĩ nhiên phải cộng tác với chúng) - Sự trà trộn giữa tù hình sự và tù chính trị dùng bọn nầy áp đảo, hạ thấp phẫm cách tù chính trị - Phân biệt kỳ thị giữa các tù nhân với nhau qua tiêu chuẩn khẩu phần dựa trên tỷ lệ đầu hàng yếu hèn thể hiện qua lao động hay qua báo cáo, điềm chỉ mà chúng gọi là cải tạo tiến bộ. Những sách lược nầy nhằm mục đích đánh cuớp nhân phẫm, hèn hóa, đưa con người đến cuối tầng của đau đớn, thấp hèn hơn cả súc vật.
Cùng lúc ấy, chính sách CS ngoài xã hội là: Thực hiện việc phân hóa gia đình tù chính trị như cổ xúy việc vợ bỏ chồng con, tạo một loại ý thức đạo đức xã hội cộng sản. CS vẽ ra hình ảnh người tù chính trị như là một giống người tồi tàn, đáng khinh miệt và cán binh, cán bộ CS là những anh hùng có phẫm chất đáng ngưỡng mộ; nên việc lấy cán bộ hoặc thương binh CS là “nghĩa vụ cao cả”, là “đền ơn đáp nghĩa”. Để hổ trợ cho chính sách lưu manh nầy cộng sản tìm đủ mọi cách gây khó khăn trong đời sống vợ con và thân nhân tù cải tạo như hạn chế đi lại, tem phiếu khẩu phần lương thực; cuộc mưu sinh thường nhật luôn bị rình rập theo dõi, ngăn chận sự học hành của con em. Và cũng như trong tù - một số phụ nữ vì yếu đuối, vì sự sống còn đành phải ngậm ngùi thúc thủ.
*
Thật bất ngờ, sáng ngày 1.5.1982 tôi cùng với hai anh em được thả về. Bất ngờ vì không có bất cứ dấu hiệu nào báo trước, bất ngờ vì khoảng một năm trước, chúng thả một loạt khá đông tù chính trị cũng như tù tàu “Việt Nam Thương Tín”(VNTT).
Tù Sĩ Quan cải tạo còn lại khoảng 1/3, và chúng xa gần cho biết là :“không có ngày về, hay chí ít cũng 20 cuốn lịch nữa”.
Chú vợ tôi nguyên là viên chức hành chánh, về trước tôi theo đợt tha dành cho tù VNTT dẫn tôi về quê vợ, cũng là nơi tôi bị chỉ định cư trú
Phút bàng hoàng hội ngộ ấy không bao giờ tôi quên được. Nhà tôi điếng lặng, còn tôi nhìn sự tàn tạ của của người bạn đường lòng vô cùng xót đau. Buổi trùng phùng sau gần 7 năm biền biệt không có những uớc mơ rộn ràng của tuổi thanh xuân, chỉ còn có lòng thương cảm, sự kính trọng và một ý chí quyết liệt.
Cộng sản là kẻ trả thù hèn hạ nhất. Chúng bắt tôi mỗi năm phải chịu 26 ngày công lao động thủy lợi, bất cứ lúc nào chúng cũng trưng công để sửa cầu, đắp đường hay làm bất cứ việc gì chúng muốn. Mỗi lần lao nô như thế, chúng không cung cấp bất cứ thứ gì từ thực phẫm đến thuốc men. Kẻ lao nô phải tự giải quyết nếu đau yếu, thương tật, và vẫn phải thiếu nợ ngày công nô dịch.. Hằng tuần tôi phải đến trình diện tại công an xã, Hơn 6 năm sau tôi mới được chúng cho xả chế. Cuộc sống chúng tôi khốn đốn lắm vì tôi bị theo dõi, ít người dám thuê mướn. Ban ngày tôi đi làm mướn, tôi không nệ hà sức lực hay tiền công. Tôi chỉ cần cơm ăn hầu không là gánh nặng cho vợ con, chiều về có thêm ít tiền hay lưng thúng khoai cho gia đình, tối thì quá giang ra bến đò thị xã Sa Đéc làm phu khuân vác cho các ghe hàng. Tôi chèo xuồng bán hàng dạo trên sông, nhận vác mía cho các ghe chành. Công sức được nhìn thấy qua bữa cơm gia đình. Đứa con gái lớn, khi tôi đi tù còn trong bụng mẹ; đã cùng chịu cảnh tù đày chung với mẹ từ khi chừng tháng tuổi; nay đã học lớp ba, màu da và ánh mắt đã có đôi nét tươi vui. Chúng tôi mong ước có đứa con trai để nối tiếp những gì đang dang dở và cháu gái Xuân Hà chào đời. May nắm thay, tuy là gái Xuân Hà thể hiện được những gì tôi kỳ vọng dù còn hạn chế.
Sau chuỗi ngày quá lao nhọc, và do di hại trong thời gian tù đày dưới bàn tay độc ác của cai tù cộng sản tôi lâm trọng bịnh.
Bác sĩ cho hay tôi bị lao phổi, màng phổi bên phải bị dày dính và phổi bị teo, kéo lêch tim nên trái tim bị thòng. Thận có dấu hiệu bị sạn, gan bị chai. Sán lãi quá nhiều tràn xuống cả hậu môn
Nhà tôi vét hết đồng tiền cuối cùng, nhưng tử thần vẫn chờ chực kéo tôi đi. Tôi thấp thõm chờ chết. Giữa lúc mạt vận như thế thì chị tôi xuất hiện! Chị là cả và tôi là út. Chiến tranh làm thất lạc nhau. Buổi trùng phùng thiêng liêng ấy thấp thoáng bóng tử thần.
Chị quyết định mang tôi về Long xuyên và chạy chữa. Tôi thóat nạn và từ đó tôi có được nguời Mẹ thứ hai để nuơng tựa! cũng thời gian bi thãm ấy thì một tên cũng Sĩ Quan chế độ VNCH lập công với bọn cán bộ xã, hắn ghi tên tôi vào danh sách “mạnh thường quân “ thể thao và bắt buộc tôi phải “tự nguyện” đóng góp 100 đồng ũng hộ (thời bấy giờ mới đổi tiên lần thứ hai nên mệnh gía đồng tiên cao lắm) và chúng tôi thi thật quá nghèo, nghèo quá !- Ôi tình đời, tình người sao mỉa mai và độc ác!
Thoát đuợc bạo bịnh, tôi phải tiếp tục dồn hết mọi nổ lực và khả năng chèo lái chiếc thuyền nan mỏng manh gia đình trước cơn ba đào chòng chành sóng dữ. Tôi bán bánh kẹo và dụng cụ học sinh trước trường Trung học xã. Nhờ học sinh dành cho sự yêu kính vì tôi thường dẫn giãi thêm cho các em về các môn học mà các em chưa thông rõ.
Theo lời yêu cầu của các em, và cả phụ huynh; tôi mở thêm lớp Anh Văn vỡ lòng tại căn “lều” chúng tôi đang ở. Học sinh khá đông. Không bàn ghế, các em ngồi trên nền nên nhà, giường ngủ, tràn ra cả ngoài sân…, học phí có thể là khoai, lúa, gạo, tiền… nhưng tất cả do tùy hỷ và dĩ nhiên vật chất không là điều kiện để hình thành lớp học. Thấy số lượng học sinh quá đông, cô Hiệu phó cũng mở lớp dạy kèm Anh ngữ, nhưng số học sinh quá ìt ỏi dù đã được nhà trường cổ vũ. Thế là tôi bị công an huyện khép vào tội dạy “Anh Văn ngụy!”. Tôi đành từ giả học sinh của tôi với niềm lưu luyến không cùng. Tôi quay sang hành nghề thú y, nhờ việc chữa trị kết quả khả quan.
Vận may lại đến, sạp hàng vải của vợ tôi phát triển nhanh, chúng tôi trở thành nơi cung cấp hàng may sẳn cho một số sạp bán quần áo ở các chợ.
Nhưng chưa được bao lâu thì sạp vải của vợ tôi bị trưng vào hợp tác xã buôn bán. Cuộc sống đang dần dà khởi sắc thì xã ủy cộng sản yêu cầu tôi cộng tác với chúng qua các chức vụ như: Kế toán tập đoàn, kế toán hơp tác xã mua bán, Kế toán cở sở sản xuất gạch. Giáo viên dạy Anh ngữ. Tôi dứt khóat từ chối vì thâm tâm tôi đã quyết định bất hợp tác với CS.
Để giãm bớt áp lực, tôi nhận làm thủ kho cho nhà máy sản xuất đường của Hội Chữ Thập Đỏ Trung Ương Cơ sở Phía Nam đặt tại địa phương tôi sinh sống. Sau lần kiễm tra khả năng, tôi được lịnh thuyên chuyển về Sài Gòn và bổ sung vào đoàn Kế Toán Trung Ương và chờ phân phối. Tôi tìm lý do thoái thác và xin nghỉ việc
Đường đến tương lai thêm dấu hiệu khập khễnh, tiệm bán Tây dược của tôi được lịnh miệng phải dẹp vì chỉ ”Cán bộ chính quyền mới được kinh doanh hạng mục” nầy. Sinh họat gia đình luôn bị dòm ngó, theo dõi. Cháu Xuân Hiền không được dự thi học sinh giõi cấp Tỉnh vì lý lịch gia đình, mỉa mai hơn hết là cháu bị bắt phải ở lại lớp về môn Hóa dù rằng cháu học sinh xuất sắc, đứng đầu lớp về môn học nầy. Cháu bị trả thù vì cháu học thêm ngoài giờ với thầy giáo gốc Miền Nam được lưu dụng mà không học thầy giáo từ Miền Bắc vào đang là trưởng khoa Hóa. Tôi quyết liệt phản đối. Sau các cuộc tranh cải gay go, nhà trường đồng ý chấm lại tất cả bài thi của cháu, kết quả cháu vẫn dẫn đầu lớp và phải đuợc lên lớp 12 bậc cuối của Trung Học Phổ Thông.
Trong lúc chán nản thì chúng tôi có giấy gọi phỏng vấn và chúng tôi được Chính Phủ Hoa Kỳ chấp thuận định cư theo chương trình cựu tù nhân chính trị được tỵ nạn tại Hoa Kỳ với số thự tự H.17.
Trước khi lên phi cơ rời Việt Nam, mắt tôi rưng lệ. Chúng tôi phải rời xa đất mẹ thật sao!
Việt Nam - Nơi chúng tôi được sinh ra, được khôn lớn được dưỡng dục và là nơi chúng tôi không tiếc máu xương để bão vệ.
Việt Nam - Thật vô cùng cao qúy và thiêng liêng.
Hôm nay bạo quyền cộng sản đang thống trị. - đành ôm hận ra đi. Chúng tôi tự hẹn sẽ có ngày hội trùng phùng. Chúng tôi phải có bổn phận góp phần cho gian quyền cộng sản sụp đổ, cho Tổ Quốc sang trang.
Nhớ lại những ngày qua, tôi vẫn còn kinh hải, bùi ngùi thương cảm số phận hơn 80 triệu người dân còn trầm luân trong ách thống trị của bọn tham ô lưu manh gian đảng cộng sản. Xót xa Tổ Quốc Việt Nam bị chúng làm hàng hóa trao đỗi để chúng được ngất ngưỡng, hống hách tham tàn.
Tôi nghĩ rằng: Góp phần xoa dịu, chia xẻ nỗi đau thuơng với các đồng đội ngày xưa, với đồng bào đang lầm than; đóng góp những công dân tốt cho xã hội, gìn giữ Văn Hóa và ngôn ngữ Việt, trao truyền cho những thế hệ kế tiếp về nhân cách về niềm hãnh diện đáng tư hào của giống nòi, về trách nhiệm đối với Quê hương là cách đền ơn thiết thực nhất đối với Tiền Nhân, đối với sự hy sinh anh dũng của hàng triệu Quân, Dân, Cán, Chính VNCH cũng như 58 ngàn chiến sĩ Hoa Kỳ cho nền Tư Do và công lý của Nhân Dân Việt Nam.
Hôm nay đây, giữa không khí Tự Do, đường đi tới tương lai rộng mở, chúng tôi là nguyên là Sĩ Quan thuộc Lực lượng CSQG/VNCH là cựu tù nhân chính trị của cộng sản kính gởi lòng tri ân về sự hào hiệp của Chính Phủ và Nhân Dân Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Đồng kính gởi lòng biết ơn của chúng tôi đến những đồng đội, đồng bào của chúng tôi đã nghe tiếng oan khốc ngút ngàn phẫn hận của chúng tôi mà lao vào gian khó nhọc nhằn để cứu vớt chúng tôi. Nhờ những hoạt động của quý vi mà chúng tôi mới có ngày hôm nay.
Qua quý vị những chữ “ĐỒNG BÀO và ĐỒNG ĐỘI” hết sức thấm thía và thiêng liêng./-

Little Sài Gòn, ngày Truyền Thống CSQG/VNCH 1.6.2008
TỐNG PHƯỚC HIẾN
(Nguyên Thiếu Úy CSQG/VNCH}

Thursday, August 4, 2011

TƯỞNG NHỚ VỀ BA

  Có lẻ tôi là một trong số rất ít những người không may mắn được hưởng Tình Phụ Tử. Mãi đến khi có được cháu bé đầu đời, tôi mới hiểu thế nào là Tình Phụ Tử. Nhưng vì không có bất kỳ một kỷ niệm nào về phụ thân, tôi sống với Mẹ! Vì vậy, trong những bài viết tôi đều kính dâng Người Mẹ của tôi. Mỗi lần nhớ đến Mẹ là mắt tôi rưng rưng lệ.
         Mùa Vu Lan lại đến, trong niềm đau của người bất hạnh mồ côi cha trước khi lọt lòng Mẹ. Và cũng trong niềm đau, niềm bất hạnh của phụ thân bị số phận tước đoạt "Quyển được dưỡng nuôi và bảo vệ cho con mình", tôi kính mời quý bạn chia sẻ cùng tôi tâm tình nầy trong Mùa Vu Lan báo hiếu.
         Xin chúc mừng cho những ai được bảo vệ con, và những ai được song thân bảo vệ.
         Kính
         Tống phước Hiến
                        ******************************************
                         Thuở mới biết, điều đầu tiên con biết,
Là mất Cha, là không chỗ nương nhờ.
Con yếu đuối, tuổi thơ ấu dại khờ,
Bị vùi dập giữa biển đời sóng dậy.
                    *
Như con thuyền, cần mái chèo đưa đẩy,
Như măng non cần dưỡng thuở ban sơ.
Con thèm khát, từ độ ấy ngây thơ,
Bởi chới với giữa giòng đời biển lận.
                       *
Mẹ còn đó nhưng phong ba lận đận,
Mưa nắng sớm chiều, tần tảo áo cơm.
Lúc vắng lạnh, thèm tay Mẹ nồng thơm,
Con lại ước phương trời xa viễn mộng.
                     *
Ai đã cướp cánh đại bàng uy dõng,
Của đời con làm choáng váng thân con?
Bởi hứng chịu bao man trá roi đòn,
Con lại tiếc về tình Cha bất tận.
                     *
Con cảm nhận bên kia Ba sầu hận,
Ba hiểu rồi, chuyện ly hợp, tử sinh.
Nhưng thương con đau phân lối rẽ tình,
Nên Ba cứ theo hoài chân con bước.
                      *
Vấp ngã mãi, có lần con bạc nhược,
Muốn xuôi tay giao phó lẻ cơ trời.
Ba vội đến, thâm thỉ vạn ngàn lời,
Con lại đứng, lại lao về phía trước.
                        *
Con đã khóc, cứ mỗi lần ngã trược,
Tủi mồ côi, thân lạc lỏng bơ vơ.
Tủi chim non, khi tuổi dại ngây ngô,
Ðã hứng chịu trận roi đời rớm máu.
                           *
Nay con hiểu chuyện cõi đời nương náu,
Chuyện hơn thua, chuyện thành bại, nhục vinh.
Lòng sám hối về thuở ấy vô minh,
Nên lại dậy thương tình Cha quá đổi.
                           *
Nay con mỏi cánh phiêu bồng trôi nổi,
                                                 Tuổi xế chiều ôn cố sự đi qua.
Ba trên cao với muôn vạn màu hoa,
Con cúi lạy, với triệu lần thương kính.
                          *
Quyết hướng thượng, chọn đường đi minh chính,
Vì thương Ba, con vinh sáng danh Ba,
Nhớ thương Ba, xin dâng cúng tuần trà,
Ðể tiển biệt, hồn Ba thăng Tịnh-Ðộ.
                         *
Thôi Ba nhé, vấn vương chi sướng khổ,
Hợp rồi tan, lưu luyến mãi làm gì.
Ðây hương hoa, con kính tiển Ba đi,
Nơi Ba đến, nơi vô cùng tinh khiết.

          Little Sài Gòn, Fatherday 2.011
               Tống-Phước-Hiến

Tuesday, August 2, 2011

Ơn Me

Tống phước Hiến




Từ độ tuổi còn măng non thơ dại,
Đã cảm buồn thân phận trẻ mất cha.
Con lớn lên đắm mình trong biển mẹ,
Mẹ nâng con bằng đôi cánh tay già.
                      *
Thưở ấu thơ vừa bước vào niên thiếu,
Chiếc thuyền nan mưa bảo đẩy ra khơi.
Con ngơ ngác dập dềnh theo sóng cả.
Thân lạc loài đành khoát áo mồ côi.
                    *
Lâm khổ nạn nước mắt ràn tuổi ngọc
Giữa cuồng phong con ngụp lặn chơi vơi.
Bóng mẹ hiền mờ sương theo lệ nhỏ
Phận bơ vơ trôi nỗi với chợ đời.
                   *
Nhưng thương mẹ, con lau khô giòng lệ
Đứng thẳng người thắp đuốc đến tương lai.
Bao tủi nhục cơ hàn gây phẩn hận
Giục trí con nuôi ý chí miệt mài.
                  *
Năm tháng qua, nhiều lần con ngoảnh lại
Vẫn cao đầu ngẩn mặt với thế nhân.
Chỉ thương mẹ cuộc đời bao bi lụy
Dáng mẹ gầy chuyên chở những bâng khuâng.
                  *
Sáu mươi sáu tuổi đời, tóc ngã trắng
Vẫn nhớ hoài độ ấy tuổi xanh non.
Vẫn cứ thèm được mẹ hôn lên má
Vẫn không quên hương mẹ của đời con.
                  *
Chiều hôm nay, ngồi ôn bao ký sự
Biết khổ sầu làm thân mẹ héo hon.
Biết nghiệt ngã phủ cuồng phong quanh mẹ
Biết thương con giông tố, mẹ không sờn
                  *
Như lệ thường ngày Vu Lan giỗ mẹ
Lại đến chùa, lại nhận đóa hồng tang!
Nhưng mẹ ơi, hoa hồng tang đã đổi
Mẹ vẫn còn, con nhận đóa hồng vàng!
                *
Trước ảnh mẹ, tạ ơn đời rộng lượng
Đã cho con đủ sức bước vào đời .
Con đứng thẳng theo hoài mong của mẹ
Chợt thấy đời chỉ là một cuộc chơi.
                *
Xin cám ơn người bạn đời chung thủy
Cám ơn con, quà tặng của Trời ban.
Xin tạ ơn tình thế nhân thân ái
Ngực tôi nay lấp lánh ánh hoa vàng.

Viết nhân ngày Vu Lan 2010
Cũng là ngày húy giỗ hai đấng sinh thành

                                Tống Phước Hiến

AttachmentsDownload All PG nhacTamsunguoicaihoatrang.mp3