Tuesday, July 24, 2012

               Vượn trả thù Người
                               Tống phước Hiến

            Sau vụ “văn nghệ đột xuất mừng xuân 78”, vì cai tù kết luận đó là hình thức của bạo loạn, nên không khí trại giam Z.30.D tăng thêm ngột ngạt nặng nề. Tên Thượng úy Thới tức Sáu La là cán bộ Trực trại cho thiết lập thêm những hàng rào nhằm cô lập, chia cắt mỗi nhà tù một khu riêng biệt; biến mỗi nhà tù thành những cù lao bị vây bọc ngăn cách. Vật liệu làm hàng rào mới nầy vẫn là những cây tre nguyên, rắn chắc, đan theo hình mắt cáo và buộc kết bằng dây song (một loại mây rừng) rất “có chất lượng”. Giữa các hàng rào cô lập mỗi nhà là con đường đi rộng chừng 4 mét. Con đường nầy cai tù và “tù thống trị” tức bọn Thi đua, Trật tự dùng để đi tuần tiểu, quan sát. Tù chỉ được dùng để đi lảnh cơm nước, tập họp. Nếu không có cai tù hay Trật tự, Thi đua đi kèm áp giải thì mọi sự di chuyển của tù trên đường nầy dù bất cứ lý do gì cũng đều bị tuyệt đối cấm, sẽ bị kết tội vi phạm nội quy trại giam và dĩ  nhiên có thể bị bắn chết nếu cai tù muốn.
Ðể “đảm bảo an toàn cho học viên” Sáu La cho sơn vôi trắng quanh các vách từ đất lên đến cửa sổ mỗi nhà, và “quy định” tù khai bịnh được ở nhà trong giờ lao động không được ra khỏi nhà. Tù ra ngoài “linh tinh” dễ dàng bị “phát hiện” bởi màu sơn trắng quái ác kia.
Khi hàng rào tre, và màu vôi trắng được thực hiện xong thì lòng dạ bọn đê hèn biến thành hàng rào antenne, ráo riết tăng cường nghe ngóng hoạt động. Muốn liên lạc, thông tin cho nhau tù phải đứng sát hàng rào, nhưng vì bị con đường làm cách xa, nên tù phải tăng cường độ âm thanh lớn hơn chứ không còn rì rà rì rầm như hồi trước.
Dù tù bị thiệt hại khá nhiều như bị “cắt” hoặc hạn chế số lượng quà thăm nuôi, không được viết hay nhận thư, hoặc phải bị “đi làm việc”, kỷ luật..., thế nhưng thói quen thích phiếm luận đã là căn bịnh “mãn tính bất trị” của tù. Do vì “mâu thuẫn quyền lợi” giữa tù và bọn Thi đua Trật tự. Nên hai “thế lực” nầy nảy sinh ra trận chiến chuyên về kỷ thuật như  “truyền tin, giải mã”.   
Trận chiến nầy hết sức “ác liệt”. Hai bên đều phải chơi lối “cận chiến”.
           Tù “thứ thiệt” gọi tù phản bội là “bù tọt”. Vô hình  chung, hai bên chọn cùng một chiến thuật nằm vùng, hay cài răng lược để tấn công nhau.
           Tù “bù tọt” giả làm tù “phản động” (tức loại tù không bị kẻ thù hèn hóa, từ đây, chữ tù làloại tù đáng được kính trọng nầy) để “nằm vùng”, xâm nhập hầu thu nhận tin tức, giải mã các “ngụy ngữ, đặc lệnh truyền tin”, nhận diện các dấu hiệu báo động, phòng thủ của tù “phản động” rồi báo cáo chỉ điểm lập công, mong được bình bầu xuất sắc, nâng hạng phần ăn; được viết, nhận thư, thăm nuôi nhiều lần và quà nhận được nặng hơn. Đối bọn tù phản bội nầy thì mơ ước cao nhất của chúng là được cai tù cho phép hú hí, thỏa mãn tình dục với vợ trong cái gọi là “nhà hạnh-phúc” vô cùng nhơ bẩn.
Tù “phản động” giả ngu đánh lừa tù “bù tọt”, để tìm hiểu chúng hầu có biện pháp hoặc vô hiệu hóa khả năng chúng hoặc nương vào thói quen nghi ngờ của cai tù để đưa chúng vào kỷ luật. Tù khai dụng nhiều tình huống để công khai tố cáo, công khai miệt thị, khinh tởm bằng ánh mắt, bằng xa lánh tù phản bội và bằng... nước bọt. Tù báo động cho nhau, cùng nhau tỏ thái độ khinh ghết khi chúng lê lết lại gần.
           Có khi trong dịp may rất tình cờ; tù nhận diện được mặt bọn bù tọt tức antenne từ trong đống phân do đội vệ sinh chuyển phân từ hầm vệ sinh bọn cán bộ sang cho đội rau xanh. Trong lúc đổ nước  hòa vào phân tưới cây, những tờ báo cáo của bọn đê hèn antenne, nổi lều bều.
           Cũng có khi tù đi đại tiện trong lùm cây và vô tình gặp “hên” bắt quả tang bù tọt đang làm nhiệm vụ “bọ hung”.
           Nhiều lúc cuốc cỏ, gánh nước quanh dãy nhà của “vượn” 9tu71c bọn cán bộ), tù nghe rõ mồn một tiếng báo cáo của bọn vô lại và tiếng hạch sách hống hách của lũ vượn ban chỉ thị cho “ngợm” thi hành.
Thời gian nầy, tù bị gọi đi “làm việc” liên miên, dồn dập. Ðã qua thời đọc biên bản trước khi bị nhốt vào phòng kỷ luật. Bây giờ muốn nhốt là gọi tên rồi dẫn đi, bất kể trong nhà ở hay ngoài khu lao động. Như thế kể cũng tiện, khỏi màu mè rắc rối! Lâu dần, không khí trại cũng giảm bớt căng thẳng vì tù đã vượt qua được trạng thái hoang mang, giao động, sợ hải, bất cứ lúc nào họ cũng có cảm giác sẳn sàng vào kỷ luật.
Tình trạng “khẩn trương” ấy, kéo theo hậu quả việc “ca cống linh tinh” bị hạn chế tối đa. Mỗi tuần, tù chỉ được “cải thiện” vào khoảng một giờ vào trưa Chúa nhật. Trước kia, tù lao động xuất trại được gánh nước về cho tù khai bịnh ở nhà tắm rửa. Hay được mang về một ít rau dại như cải tàu bay, cải cúc hoang, lá khoai mì, rau dịu, rau sam, bất cứ thứ rau gì tù ăn cũng được miễn là đừng đắng quá...Những thứ rau cỏ do trời trồng ấy, tù dùng để “cải thiện hợp đồng” với một nắm mì gói, mấy lát khoai mì thuộc khẩu phần chính thức. Nay tất cả đều bị xem là vi phạm nội quy trầm trọng. Tù cũng bị gắt gao hạn chế, có khi bị cấm mang theo ra khu lao động những thức ăn do thân nhân mang lên thăm nuôi.như mì gói, đường, cơm, gạo... Nghĩa là tù hết được hưởng “chế độ tự túc bồi dưỡng”.
          Nghe nói những biện pháp nầy là do Ban Thi Đua đề nghị nhằm thắt chặc cái bao tử cho “chúng” (tiếng của tù Thi đua, Trật Tự gọi tù bị thống trị) bớt “ăn no rửng mở”, và bọn “ ăn bám, trây lười lao động” (ý chỉ vào tù bị thống trị) không có điều kiện “nhàn cư bất thiện” gây náo loạn, phá rối “nếp sống văn minh văn hóa trại, phá hoại chính sách cải tạo”, cản trở sự an tâm học tập tiến bộ của các trại viên khác. Ban Thi Đua còn giải thích thêm rằng, những biện pháp ấy chính là phương cách ngăn chận, phá vỡ âm mưu trốn trại ngay khi mới manh nha của bọn phản động. Ðồng thời, biện pháp nầy sẽ thúc đẩy cho bọn tù có thăm nuôi vì “quyền lợi” quay ra tố cáo tù phản động để được tin tưởng. Ðể những đề nghị của chúng được “bọn chủ” cứu xét chấp thuận, tù phản bội khôn khéo “vận dụng lý luận hiện thực chủ nghĩa” theo kiểu “đắp chăn biết rận” hay “đèn ai nấy sáng, nhà ai nấy biết” để rắp tâm cam phận làm con chó canh chừng và sủa tố cáo .
            Ban Thi Đua Trật Tự “trình lên trên” rằng: Theo chúng nhận xét thì bọn chống đối thường là bọn tuổi còn trẻ, và loại “con bà Phước”. Muốn vô hiệu hóa, triệt tiêu hoạt động của tù phản động, thì bọn thống trị  bao gồm bọn cán bộ trại giam đến những tên làm tay sai cho giặc như (tức bọn cai tù và bọn thi đua trật tự) đã phải tận dụng tin tức từ những “trại viên tiến bộ” (tức bọn antene). Nhưng thời gian qua, đã chứng minh rằng biện pháp nhốt kỷ luật không còn có hiệu năng, đe dọa hay trừng phạt nữa, nghĩa là không  có “nhằm nhò “ gì với tù, việc vô ra kỷ luật đối với họ như  bắt cóc bỏ đĩa. Vậy muốn làm cho tù phải bị  “ná thở” 9me65t mỏi, khổ cực, nhọc nhằn, nặng nê), cai tù phải tìm cách làm cho nội bộ tù  nhào xáo nhau bằng cách gây khó dể, hạn chề số lần thăm nuôi, số lượng quà thăm nuôi cũng như thời gian gặp thân nhân. Nghĩa là phải khai thác hoàn cảnh giửa tù được thăm nuôi và tù “con bà phước” làm gia tăng suy nghĩ và tâm lý của hai loại tù nầy và tạo điều kiện cho những ganh tỵ, hiềm khích, nghi ngờ, khi ghét lẫn nhau bùng nổ.
Những đề nghị của bọn Thi Đua, Trật tự với mục đích hãm hại tù được quan thầy chúng nhanh chóng chấp thuận. Lợi dụng thời cơ, bọn bất lương, lưu manh nầy tìm cách  áp đặt các biện pháp rừng rú ngỏ hầu chúng trhu75c hiện được khẩu hiệu: “cướp nhanh, cướp mạnh, cướp vững chắc “ cho xứng danh là “học trò của Lenine vĩ đại”.
“Sách lược rừng rú” đó rất đơn giản. Ấy là, quà thân nhân mang theo bao nhiêu, tù được khiêng vác vào bấy nhiêu, nếu khiêng vác không nổi thì trật tự “thông cảm” phụ khiêng hoặc trại cho mượn xe “cải tiến”, loại xe đội vệ sinh dùng để chuyên chở  phân bắc” (loại phân tươi do bộ máy tiêu hóa của người sản xuất và tống khứ ra). Khi đến khu vực kiểm soát đồ thăm nuôi trước khi nhập trại thì tình thế đổi khác. Sự “hồ hởi phấn khởi” đang từ tù được thăm nuôi nhanh chóng chuyển sang cho bọn trật tự. Tù trật tự cũng tự thấy cần chấm dứt ngay mọi sự “cảm thông” để khoát lên “trách nhiệm trên giao”.
Mưu mô xảo trá, của bọn cán bộ phụ trách thăm nuôi lẫn bọn nô tài trật tự tay sai thủ đắc nhiệm vụ “khuyển ưng” cũng gặp nhau tại cuối đường hèn mọn là “trấn lột” cướp đoạt  thực phẩm thăm nuôi của tù. Ðịa điểm kiểm soát đồ thăm nuôi là căn phòng có kê bàn nhỏ, một cái bao lớn hoặc cần xé bự hay cái thùng phuy.
Cai tù đứng bên ngoài nhìn vào, lâu lâu liếc mắt “trông chừng” xem có “sự cố “ gì cần phải can thiệp giải quyết hay không. Qua tín hiệu của tù trật tự, thi đua; cai tù “triển khai” óc thông minh loài vượn của chúng  để hoặc nhanh chóng hoặc “chậm lụt” giả lờ ám hiệu cho “chìm xuồng” . Tùy thuộc vào hôm “cao điễm”, tức có nhiều “trại viên” được thăm nuôi để cai tù cho phép Ban Thi Đua tăng cường thêm nhân sự cho bọn Trật Tự. Thường thì bọn trật-tự, thi đua được rộng quyền giải quyết, - vì đó là nội bộ của tù! Những quyết định của tù thống trị căn cứ vào “giai cấp kinh tế” của “con mồi” có máu mặt hay không. Quà thăm nuôi của mỗi người tù, bọn thi đua trật tự  biết rõ vanh vách.
Tất cả quà thăm nuôi đều phải lấy ra, bày hết trên bàn. Tù trật tự, Thi đua đích thân dùng tay, mắt, mũi, có khi cả miệng – nghĩa là tận dụng các giác quan, để kiễm soát. Hàng nào được “qua ải” thì chuyển về phía cuối bàn, tù bỏ vào bao thăm nuôi. Qua được “hàng rào siêu quan thuế ” hầu hết là các chất bột, nước mắm khô, muối, đường, các loại đậu, thuốc hút, áo quần, giấy viết, sách vở, bàn chải đánh răng, thuốc bịnh loại thông thường, đồ ăn đã nấu chín. Hàng phải bị chận bớt hoặc tịch thu hay trại giữ giùm và sẽ “trả lại” khi có nhu cầu vì thi hành “lịnh trên” là thuốc trụ sinh, mì ăn liền, thịt hay cá chà bông, thuốc điếu, đồ dùng có “nhãn hiệu  nước ngoài” nhất là của Mỹ hoặc các nước thuộc “khối tư bản phản động”. Loại  hàng nầy phải chờ xin chỉ thị cán bộ. Bị tịch thu một phần hay toàn bộ hoặc bị nghiêm cấm hưởng dụng đều bị tùy theo “giá trị phẩm chất”, căn cứ vào mẫu mã bao bì, tên nơi hoặc nước sản xuất hoặc bằng sự  nhạy cảm của trực giác ” hoặc do sự  lượng giá của giới chức có thẩm quyền”. Ðồ vật thăm nuôi ít khi bị trại tuyên bố tịch thâu. Chúng cho hay chỉ tạm giử để “điều nghiên”. Ban đầu chúng cũng màu mè lập biên bản, nhưng sau vì quá “vất vả” với chữ nghĩa, nên chúng đành “cách mạng hành chánh thủ tục” bằng cách… thông báo miệng.
            Ðồ thăm nuôi do mồ hôi nước mắt có khi bằng máu thân nhân tù. Do vì thương yêu họ đã nhẫn nhịn những khát thèm, chịu đựng thiếu đói, giành dụm, cất dấu trong thời gian khá dài. Họ phải xin phép, chìu lòn hối lộ, cắn răng chịu đau nhục với bọn “đầy tớ dân” tức công an địa phương mới có tấm giấy di chuyển và thăm nuôi. Họ phải chầu chực đợi chờ khổ sở mới đón được xe để vượt qua hàng trăm, có khi hàng ngàn cây số ngàn, rồi họ lại phải mang xách, khuân  vác, lê lết hàng chục cây số đường đèo núi, sông suối cheo leo hoang vắng. Họ phải ngủ bụi, ăn đường chờ chực nhọc nhằn mới đến được đây. Tất cả đồ ăn, vật dụng dùng làm quà thăm nuôi chuyên chở vào đó biết bao nhung nhớ, yêu thương, trìu mến và mong cầu. Nhưng những nghĩa tình đáng trân trọng ấy đều bị bọn tù trật tự, thi đua - những người mà trước kia là cấp chỉ huy, là thuộc cấp, là chiến hũu của tù cướp đoạt và xúc phạm. Loại phản bội nầy hoàn toàn không còn có bất cứ điều gì để tạm chứng minh chúng còn là con người, chúng không còn là người nửa, chúng là hoang thú giả Người - dựa vào thế lực kẻ thù để cướp đoạt tài sản chuyên chở tình cảm lẩn sự sống của đồng loại, đồng bào, dồng đội và đồng cảnh.
            Ngoài biện pháp đổ thừa cho có vẻ hợp pháp hoặc bán hợp pháp, bọn thi đua trật tự còn trắng trợn cướp đoạt những thức ăn có thể để lâu và dể ăn như nắm ruốc, thịt hay cá chà bông, thịt rim hoặc kho nặm...chúng trút ra thau, soong, nồi. Vật đựng thức ăn nguyên trước như chai, keo, soong, nồi chúng vất liệng thật xa. Chúng đổ nước vào, khuấy lên để gọi là tìm “tài liệu phản động”. Nếu không phát hiện nghi ngờ, chúng bảo tù trút vào như củ; nhưng những đồ chứa đựng đã “tung cách chim tìm về chổ kín” rồi, tìm đâu ra!? Tù sợ ở lại lâu “sinh chuyện” nên dù có luyến tiếc cách mấy cũng đành “ngậm ngùi”ca khúc biệt ly về lại nhà tù. Nơi ấy, các chiến hữu đang... nhiệt tình mong chờ!
            Cuối ngày thăm nuôi, tù Trật tự, Thi đua thu dọn “chiến trường” dưới sự giám sát của cai tù đặc trách thăm nuôi và cai tù trực trại. Bọn phản bội chuyên nghiệp và chuyên nghề “săn đón mồi chài” biết ý thích của chủ, chúng chia phần cho từng tên. Vì là “lộc của rơi” nên bọn cai tù thường không có ý kiến và “an tâm tin tưởng” vào bọn lâu la thủ hạ. Ngoài một số quà do lén lút ăn chận được, còn thì hoặc do bọn  thi đua trật tự xin hay cai tù tự ý thí cho, tất cả được chúng bỏ bao mang về “chuồng” và dĩ nhiên không quên khệ nệ gồng gánh thêm những soong nồi thau chậu mà chúng nhẫn tâm cướp đoạt của tù bằng cách đổ nước vào.
            Trận chiến vẫn còn tiếp diển, dù lực lượng hai bên không cân sức, nhưng người tù đã nhận được vị trí của mình, đó là vị trí Người Lính trên mặt trận. Bởi vậy Người Tù sẽ phải phản công, dù hậu quả như thế nào, Người tù cũng phải phản công. Phản công muôn đời vẫn là phương thế biểu thị lòng tự trọng, biểu thị ý thức và trách nhiệm của Người Lính Chiến .
                  
                                                                                                     Tống phước Hiến

                                   
           Trích từ : Khi vượn tấn công Người
1/ Những chữ in nghiêng là  ngôn ngữ của Việt cộng thường dùng.
2/ Những chữ bỏ trong ngoặc kép “ .....” là ngôn ngữ thường dùng của tù lúc bấy giờ.
3/ Phân bắc là phân người còn mới, chưa kịp bị phân hủy-
    Danh từ nay chỉ có sau khi đất-nuớc bị Việt cộng cưỡng chiếm và thống trị.
4/ Vượn là từ ngữ ám chỉ bọn Việt cộng, vì chúng tin rằng con vượn chính là thủy tổ của lòai người.
5/ Ngợm là từ ngữ để ám chỉ bọn tù phản bội như bọn trật tự, thi đua, antenna.    

Monday, July 16, 2012

                     Tôi sẽ phải về

Tống Phước Hiến

                                       

Anh hỏi tôi:
  - Bao giờ tôi trở lại,
    Vì ra đi, dạo ấy cũng lâu rồi ?

 -Nhắc Quê-hương, mấy ai chẳng bồi-hồi,
   Chẳng nhớ lại thời ấu thơ diễm tuyệt!

Anh hỏi tôi:
 - Bao giờ tôi trở lại,
   Thăm phố phường, thăm lối cũ, đường quen?

- Tôi nhớ lắm thuở niên thiếu thần tiên
   Kỷ-niệm ấy chảy hoài trên mạch sống.

Tôi nói rõ:
  - Sẽ có ngày tôi trở lại !
    Dẫu đói nghèo, nhưng vẫn mãi Quê hương,
    Nơi Tiền-nhân đã không tiếc máu xương,
    Nơi Ðất Mẹ với ngàn sao diễm lệ.

Anh hỏi tôi:
    - Sao thơ tôi nhiều chất lửa,
      Như hờn căm, như hừng hực oán thù?
                                      Anh hỏi tôi
                                             - Những năm tháng lao tù,
Sao cứ giữ cho lòng thêm trĩu nặng ?
                                       Nói với anh,
                                              người gợi tôi câu hỏi,
                                             Làm tôi thêm tê tái nhịp tim rung.
                                             Cám ơn - người nòi giống chung cùng,
                                             Ðã nhắn nhủ, giúp tôi đừng phiêu lạc!
                                             Quê-Hương - tôi nhớ lắm,
     Không lúc nào tôi không nhớ Việt-Nam !
     Tôi vẫn về, vì nỗi nhớ miên man
     Tôi vẫn về mỗi đông sang, nắng hạ !
      Ngày ra đi - nhìn Non Sông tuyệt-vọng,
      Trái tim tôi đã hẹn với trời quê.

   Tôi quả quyết,
  tôi phải có ngày về
  Ðể lấy lại những gì tôi đã mất !

 

 Này anh ơi:
                                           Thơ tôi không chất chứa
      Chẳng căm hờn, và cũng chẳng oán thù.
      Dù đời tôi gãy đổ bởi lao tù,
  Vì tôi muốn máu oan khiên ngưng chảy!
      Thơ của tôi mang nỗi niềm ngưỡng phục,
      Những Anh-Hùng Liệt-Nữ thuở xa xưa;
      Không so đo, không quản ngại nắng mưa,
      Ðã ngã xuống cho bờ tre mương lúa !


      Thơ của tôi,
           xót đau bao cuộc sống,
             Ðời dân tôi thèm chiếc bánh, manh quần.
      Những cuộc đời quằn quại kiếp nô dân,
             Ðầy tăm tối và muôn ngàn phẫn hận !

            

                                          Thơ của tôi,
     chỉ góp phần sự thật,
     Những tù đày, những oan khuất điêu tàn.
            Những mảnh đời phiêu dạt lầm than,
            Mà mộng ước miệt mài cùng tăm tối !

                

                                           Hỡi những Người thân thiết của tôi ơi,
      Tôi chưa về, vì tôi muốn chung vai;
      Ðòi Tự-Do, đòi áo cơm, sự thật,
      Ðòi Việt-Nam cất cánh đến tương lai.

                                           Hãy đứng lên ,
    ta xoay ngang vòng nạng,
    Quá lâu rồi, những tủi nhục cơ hàn.
    Hãy đòi lại bốn ngàn năm lịch sữ,
    Hãy vùng lên cho Tổ-Quốc sang trang !

                                         Ðường lưu lạc, mang nỗi buồn  da diết,
    Tóc ngả màu, trắng bạc với thời gian.
    Tôi vẫn biết, đời trăm lối gian nan,
    Nhưng trên hết, vẫn nỗi buồn vong quốc!

                  

                                   Tôi hỏi anh;
  Bàn tay anh giờ đã:
          Ngưng hung tàn, bạo ngược với anh em.
  Bàn tay anh, đầy vết máu lấm lem,
          Và anh đã, có lần nào hổ thẹn !



                                 Ngày tôi về
                                                    triệu bàn tay nắm chặt,
                                                    triệu tấm lòng, chỉ chung một niềm vuị

                                                Việt Nam ơi:
               Bây giờ ta ngẩng mặt,
     Ta mừng reo:
               Ta đã được làm Người!

                                                                            Tống Phước Hiến