ĐẠO PHÁP VƯƠN LÊN TỪ SUY THOÁI
Quảng Tuệ Tống Phước Hiến
*****
Nguyên nhân suy thoái
Là quốc gia đi chiếm thuộc
địa để phát triển, thực dân Pháp đã cai trị thuộc địa bằng sức mạnh của vũ khí,
ngục tù, thủ tiêu hay giết hại dã man. Mục tiêu khẩn cấp là loại trừ nguồn gốc
và văn minh văn hóa của quốc gia bị chiếm đóng, thay vào đó là nền văn minh văn
hóa đế quốc Pháp. Do nhu cầu thống trị, trước nhất họ phải cấp tốc đào tạo
thông ngôn, thông dịch hầu dễ chuyển đạt mệnh lệnh bao gồm chữ viết và lời nói.
Bạn
đồng hành với thực dân Pháp đi chiếm thuộc địa, là Thiên Chúa Giáo, bởi họ cũng
có nhu cầu mở mang nước Chúa trên thế gian. Cả hai nhu cầu này đều trông cậy
vào tiếng súng xâm lăng của đế quốc Pháp. Nếu Thực dân pháp cần thông ngôn, thì
Đoàn Truyền Giáo cần hạt nhân làm gốc rễ. Hai thế lực nầy lại cũng có nhu cầu cấp
thiết giống nhau là dùng tiếng Pháp làm phương tiện hành hoạt như đào tạo cán bộ,
tuyển mộ binh sĩ, tuyên truyền đức tin, đoàn ngũ hóa giáo dân.
Nhiệm
vụ cấp bách của Lực Lượng Truyền Giáo La Mã là xây dựng những giáo khu, quần tụ
và sinh cư như một lãnh địa hành chánh chính trị dưới sự cai quản nghiêm ngặt của
hàng giáo sĩ. Tại khu quần cư nầy, giáo dân phải thể hiện quyết liệt đoạn lìa tập
quán dân tộc, thực hành và phục vụ nếp sống phù hợp với đức tin mới. Nhu cầu
truyền đạo là cần phải tạo nên tập quán và ngôn ngữ mới, nhằm cũng cố đức tin,
tuân phục tuyệt đối quyền năng Giáo Hội và Giáo Hoàng La Mã. Trong giai đoạn nầy,
nhu cầu phát triển tín đồ của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La mã và nhu cầu của thực
dân của Pháp là song hành, hỗ tương cho nhau. Dĩ nhiên, dân tộc Viêt Nam và Phật Giáo Việt Nam
là nạn nhân.
Theo
một số tài liệu thì Giáo sĩ Bá đa Lộc (Alexandre
de Rhodes) dựa theo âm tiết tiếng Việt để ghép các chữ cái mẫu tự La tinh, tạo
ra cách viết mới để làm phương tiện rao giảng giáo lý Thiên Chúa Giáo.
Nhưng
theo trang mạng: "vi.wikipedia.org/wiki/Alexandre_de_Rhodes", thì chữ
quốc ngữ Việt Nam hiện đang sử dụng, được hình thành nhờ công trình tập thể của
các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Ý, với sự trợ giúp của các giáo dân bản địa;
mà công đầu là giáo sĩ Francisco de Pina. Khi Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến xứ Đàng Trong thì tiếng
Việt đã được Latin hóa với những dấu âm khá gần với chữ Quốc ngữ hiện nay.
Alexandre de Rhodes thừa hưởng công lao từ những người đi trước. Ông có phổ biến
chữ Quốc ngữ qua các tác phầm như là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên được ấn
hành. (theo Alexandre de Rhodes–Wikipedia tiếng Việt ).
Để
thực hiện công cuộc xâm chiếm và thống trị, thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn
cho dạy ở học đường từ cấp sơ học đến tiểu học, đào tạo thông ngôn và thư ký
cho người Pháp. Với sự đãi ngộ khá cao về
tiền bạc vật chất lẫn quyền uy danh vọng, nhóm gọi là “Tây học” nầy vô tình tạo
nên giai cấp trợ lực cho thực dân Pháp. Các khoa thi tuyển dụng cho quan trường
nhanh chóng loại trừ văn sách Hán Nôm. Vì sự sống. sĩ tử đành phải theo học chữ
Pháp.
Song
song với chiến lược "Mũi Súng và lon gạo"; Giáo sĩ Bá đa Lộc, linh hồn của đoàn truyền giáo công
khai khích bác thóa mạ Phật Giáo trước Tòa giảng. Đó là bài giảng "Ngày Thứ Tư" trong Phép giảng tám
ngày, rất ngây ngô và vô cùng khiếm nhã. Hiện các Giáo xứ Thiên Chúa Giáo Việt
Nam vẫn lưu giữ, làm tài liệu giảng dạy. Vi lời văn bài giảng của Giáo sĩ Alexandre
de Rhodes quá khiếm nhã, nên chúng tôi chỉ trich một đoạn rất ngắn, nếu muốn đọc
thêm, xin vào địa chỉ trang trích kèm theo: "Như
thể có chém cây nào đúc (?) cho ngã, các ngành cây ấy tự nhiên cùng ngã với. Vậy
thì ta làm cho Thích Ca, là thằng hay dối người ta, ngã xuống, thì mọi truyện dối
trong đạo bụt bởi Thích Ca mà ra, có ngã với thì đã tỏ".(Phép giảng
tám ngày: kholuu.files.wordpress.com/2015/07/phep_giang..)tòa thánh La Mã cho
xuất bản năm 1651 nhà in của Thánh bộ Truyền giáo tại La Mã.
Điều
nầy ảnh hưởng nặng nề đến Phật Giáo, vì thời bấy giờ kinh sách Phật giáo được
viết bằng chữ Hán. Vì không đọc được kinh sách bằng chữ viết mới, nên Phật Tử xa
rời kinh điển. Đó là lý do khiến Đạo Phật bị mai một, bị suy thoái, Phật Giáo đồ
không hiểu lời Phật dạy để áp dụng trong đời sống. Yếu tố nầy tạo điều kiện cho
nhóm người phi đạo đức, lấy kinh Phật làm nghề sinh sống. Từ ý nghĩa Kinh Phật là lời giáo huấn, nhóm thầy
cúng, thầy bói, thầy pháp biến kinh điển Phật giáo thành bùa chú, cúng bái, mê tín
dị đoan. Đạo Phật bị biến thành tôn giáo thần quyền, cầu giải tội, cầu vinh
thăng. Toàn quốc không có được một ngôi
trường Phật học.
Dụ
số 10, là phương tiện pháp lý khác để thực dân Pháp hay Nam Triều tấn công Phật
giáo. Xếp Phật giáo như là một Hiệp hội. Vì là Hiệp hội, nên mọi công việc Phật
sự, dù là Đại Lễ Phật Đản Sanh cũng phải xin phép chính quyền. Phật giáo thời bấy
giờ bị kỳ thị và suy thoái tột độ!. Lâu dần, thầy tụng cũng cạo đầu, cũng áo Cà
Sa, lấy chuyện tụng kinh cúng đám làm kế sinh nhai.
Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam
ra đời - 1920
Phật-giáo
Việt Nam bị suy thoái trầm trọng, đưa đến tiền đồ tăm tối, nếu từ hàng Tu Sĩ đến
Thiện Trí Thức Cư Sĩ ngại ngùng không dấn thân. Nhìn sang Phật Giáo các nước
lân bang như Trung quốc, Đài Loan, Nhật bản… họ đều tĩnh giác trước tiền đồ Phật
Giáo quê hương họ, Phật học của quốc gia họ. Điển hình là Phong trào Chấn Hưng
Phật giáo ở Trung Hoa, do báo Hải Triều Âm cổ xúy. Bắt đầu từ năm 1920, chư Tôn Trưởng Lão Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức họp lực với một số Cư
Sĩ Thiện Tri Thức tiến hành chương trình Chấn Hưng Phật giáo, mở các trường Phật
Học tại các tư gia hoặc chùa viện cổ tự để đào tạo Tăng tài, và thuyết pháp để
các tín hữu hiểu biết về những vần đề căn bản của Phật Giáo. Nhờ vậy, Phật Pháp
dần dần thấm nhuần, tư tưởng thâm sâu vi diệu của Phật Giáo chuyển hóa quan điểm
cá nhân Phật tử trong cuộc sống. Phật Pháp giúp giải quyết những nghi vấn, giúp
con người được bình an, tạo nên thế giới an lạc, tin yêu, hòa đồng, hòa bình.
Tình thương không chỉ con người với con người mà đến cả muôn vật, mọi loài.
Phật
Giáo thâm nhập, chinh phục các nhà khoa học, học giả, tầng lớp trí thức phương
tây. Sự cảm phục từ những bậc thức giả nầy đã làm cho những nhà lãnh đạo và thiện
trí thức của các dân tộc đã có niềm tin về đạo Phật nhận trách nhiệm dấn thân
hoằng bá Giáo Pháp Như Lai. Những học giả Phật Giáo nghiên cứu trở lại giáo lý Phật
Đà với tất cả nhiệt tình. Đó là một trong những động cơ lớn thúc đẩy phong trào
Chấn Hưng Phật Giáo ở các nước Á châu.
Tại
Việt Nam, phong trào Chấn Hưng PhậtGiáo chịu tác động thúc bách mạnh mẽ từ những
phong trào Chấn Hưng Phật Giáo ở nhiều nước như Ấn Độ, Tích Lan, Nhật Bản và đặc
biệt là từ Trung Quốc mà Thái Hư Đại sư, nhân vật lịch sử của Phật giáo thế giới
đã góp đại nguyện. Chính Đại sư là người khởi xướng và chỉ đạo cuộc vận động của
Chấn Hưng Phật Giáo thời cận và hiện đại. Tư tưởng và Hành động, Trí tuệ và Đức
hòa của Đại sư ảnh hưởng đến tín đồ Phật giáo thế giới, nhất là tại Việt Nam.
Khởi động
hành trình
Sau
thời gian chữ Hán bị chữ Quốc ngữ lấn át trong nhiều sinh hoạt liên quan đến
văn tự. Đến cuối thế kỷ XIX sự phát triển của chữ Quốc ngữ đã điều chỉnh những
trở ngại do ngôn ngữ tác động. Từ trở ngại, chữ quốc ngữ trở thành phương tiện
truyền đạt hữu hiệu. Vì nhu cầu thực tại, các văn bản, tác phẩm vốn được viết bằng
Hán tự, được dần dần chuyển dịch sang chữ Quốc ngữ. Các kinh sách Phật giáo
cũng theo phong trào chuyển dịch nầy. Nhờ vậy, triết lý và Thiền học Phật giáo
được chư Tăng và chư Thiện tri thức biên soạn được phổ cập trên những cơ quan
truyền thông đại chúng, mở đầu và tạo điều kiện cho Phong Trào Chấn Hưng Phật
Giáo khởi diễn.
Từ
đầu thập niên 1920, những bài viết của các vị Tăng sĩ và Thiện tri thức Cư sĩ
Phật Giáo được đăng tải trên một số báo. Đây là dấu hiệu mở đầu cho Phong Trào
Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam. Thời gian nầy, xuất hiện bài viết: “NÊN
CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở NƯỚC NHÀ” của ông Nguyễn Mục Tiên đăng trên tờ
Đông Pháp Thời Báo số 529 ngày 05.01.1927 với nội dung Phật Giáo cần phải được
chấn hưng, vì Phật Giáo đã góp phần lớn trong nền đạo đức dân tộc. Trong lúc đất
nước đang trãi qua những biến cố ảnh hưởng đến Dân tộc thì Phật Giáo cần phải cấp
tốc chấn hưng hầu đáp lại nhu cầu của lịch sử. Tác giả kêu gọi các bậc thức giả
hãy góp ý kiến nhằm chấn hưng Phật giáo.
Đáp
lời kêu gọi, cũng trên tờ Đông Pháp Thời Báo số 532 ngày 14.05.1927 Nhà Sư Thiện
Chiếu, một học giả Phật giáo, thông rành Pháp, Việt và Hoa ngữ, đang làm Giáo
Thọ tại Linh Sơn Tự (Sài Gòn) nêu nguyên nhân chủ yếu khiến Đạo Phật lâm vảo cảnh
suy thoái là vì giới Tăng Sĩ không chuyên tâm nghiên cứu kinh sách, không làm
tròn trách vụ Trưởng Tử Như Lai, khiến nên tín đồ Phật tử đến chùa là để cầu
xin ơn phước; vì vậy đạo Phật bị xem như là loại tín ngưỡng mê tín. Sau khi nhận định và phân tích, Ngài đề nghị ba phương cách để chấn hưng Phật giáo như
sau:
1/
Lập Phật Học Báo Quán để truyền bá giáo lý và lần hồi xóa bỏ mê tín.
2/ Lập Phật Gia Công Học để đào tạo nhân tố đi Hoằng Pháp lợi
sinh.
3/ Dịch kinh tụng sang kinh nghĩa để Phật tử hiểu và hành đạo.
Trên
tờ Khai Hóa Nhật Báo số 1640 ra ngày 16.01.1927 Tỷ kheo Tâm Lai, trụ trì chùa
Tiên Lữ (chùa Hang), làng An Thái, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên Bắc Việt có
bài kêu gọi chấn hưng Phật Giáo với chương trình ba điểm:
1)
Lập giảng đường trong chùa.
2) Các chùa mở các trường từ Sơ học yếu lược, đến Sơ đẳng
tiểu học, mời các thầy bên ngoài vào dạy, mỗi buổi học có thêm 10 phút giảng
kinh Phật.
3)
Lập nhà nuôi và dạy nghề cho người nghèo khó, đơn chiếc, tàn tật. Đồng thời lập
các nhà cô nhi nuôi dạy trẻ mồ côi.
Hoàn
cảnh lịch sử bấy giờ tạo nên một số khác biệt khó vượt qua như địa phương tính,
ngôn ngữ, phong tục, giai cấp cá nhân trong xã hội…Những người khởi xướng Phong
Trào Chấn Hưng Phật Giáo chưa có được sự thống nhất nên ý chí cũng như sự phấn
khích ban đầu có phần trầm lắng. Đến các năm 1932-1933, phong trào Chấn Hưng Phật
Giáo ở miền Bắc được các vị Tăng sĩ như Ngài Trí Hải, Thái Hòa, …khởi động lại.
Cùng thời gian nầy tại miền Trung, Phong trào Phật Hóa Phổ tiền thân của Gia
Đình Phật Tử ngày nay ra đời do Quý Thiện Trí Thức Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám,
Lê Toại, Nguyễn Hữu Kha, Trần Văn Giác,,... kiến lập.
Các Tổ Chức
Tiên Khởi
Các trường giảng dạy Phật
học được tổ chức ở khắp ba miền, tập trung tại các chùa lớn, đào tạo “Tăng Ni Sinh”.
Một số tạp chí nghiên cứu và quảng bá Phật Học như Pháp Âm, Quan Âm, Tam Bảo, Tiếng
Chuông Sớm, Duy Tâm, Tiến Hóa lần lượt xuất hiện .
Năm
1932 Cư sĩ Đoàn Trung Côn một học giả Phật Tử thành lập nhà xuất bản Phật Học
Tùng Thư. Trong giai đoạn này số kinh sách có tính cách giáo khoa truyền giảng kiến
thức căn bản như Phật Giáo Vấn Đáp, Phật Giáo Giáo khoa Thư, và những kinh bản
bằng Quốc ngữ như Kim Cương, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm được in ấn và phổ biến.
Các
bậc Cao Tăng , các vị Thiền Sư như các Ngài: Trí Hải, Tố Liên, Giác Tiên, Phước
Huệ… và những nhân sĩ Thiện tri thức như các cụ Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Thiều
Chửu, Nguyễn Trọng Luật, Lê Dư, Nguyễn văn Tố, Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Xuân Chữ,
BS Lê Đình Thám, Ưng Bình, Viễn Đệ, Mai Thọ Truyền, Nguyễn văn Thục… tùy theo
hoàn cảnh để xiển dương Chánh Pháp góp phần rất lớn trong phong trào Chấn Hưng
Phật Giáo.
I/ Miền Bắc:
Ý
thức phải tiến tới Phong trào Chấn Hưng Phật Giáo, tại miền Bắc bắt đầu từ năm
1932. Nhưng đến năm 1934, Hội
“Bắc Kỳ Phật giáo Tổng Hội” mới được ra đời tại Hà Nội, trụ sở đặt tại chùa
Quán sứ, do cư sĩ Nguyễn Năng làm hội trưởng, Hòa ThượngThích Thanh Hanh làm
Pháp chủ, Thượng Tọa Trí Hải làm cố vấn. Nòng cốt gồm các cư sĩ trí thức tân và
cổ học như Sở Cuồng Lê Dư, Nguyễn Hữu Kha, Bùi Kỷ, Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng
Kim, Cung Ðình Bính, Trần Văn Giáp, Nguyễn Can Mộng, Nguyễn Ðỗ Mục, Nguyễn Văn
Tố... Tờ báo Ðuốc Tuệ là cơ quan truyền bá Giáo lý Phật giáo số ra mắt vào ngày
10.12.1935. Sau đó là Bồ Đề Tân Thanh và Tiếng Chuông Sớm. Tạp chí Đuốc Tuệ bị
đình bản sau khi ra số chót là 257 - 258 ngày 15.8.1945. Để tiếp tục quảng bá
Giáo Pháp, các Ngài Trí Hải và Tố Liên cho xuất bản tạp chí Tinh Tiến song song
với tờ Giải Thoát ở Huế.
Năm
1949 Hòa Thượng Tố Liên về trụ trì chùa Quán Sứ củng cố lại Hội Việt Nam Phật
Giáo, cùng với Tổng Thư Ký cư sĩ Viên Quang, thành lập cô nhi viện nuôi dạy 160
cô nhi. Đồng thời, thành lập Hội Tăng Ni Chỉnh Lý Bắc Việt, trụ sở đặt tại chùa
Quán Sứ, xuất bản bán nguyệt san Phương Tiện, và mở ấn quán Đuốc Tuệ, tại số 73
phố Quán Sứ Hà Nội do cư sĩ Nguyễn Đình Dương quản lý. Ngày 02.08.1949, Hội
khai giảng khóa học cho Tăng sinh nam tại Phật học đường Quán Sứ. Bốn ngày sau,
một khóa học dành cho 50 Ni sinh tại Phật học đường Văn Hồ, do Ni sư Đàm Soạn
và Đàm Đậu chịu trách nhiệm. Năm 1950 Hội đổi tên thành Hội Phật Giáo Tăng già
Bắc Việt và suy thỉnh thiền sư Thích Mật Ứng làm Thiền Gia Pháp Chủ.
II/ Miền Trung
Thiền Sư Phước Huệ khởi xướng
Phong trào chấn hưng Phật Giáo tại miền Trung. Thời bấy giờ tại miền Trung có
hai tổ chức là:
1/An
Nam Phật học Hội do Hòa Thượng Giác Tiên làm Chứng Minh Đạo Sư và cư sĩ Tâm
Minh Lê Đình Thám Hội Trưởng sáng lập năm 1932; trụ sở đặt tại chùa Từ Đàm. Tạp
chí Viên Âm số đầu tiên ra ngày 01.12.1933 làm phương tiện hành hoạt. Về sau, An
Nam Phật học đổi thành Hội Việt Nam Phật học do cư sĩ Lê Văn Định làm Hội Trưởng.
Năm 1935 Hội thành lập Phật Học Đường tại chùa Báo Quốc để đào tạo Tăng tài. Năm
1945, Phật Học Đường nầy dời về Tòng Lâm Tu Viện Kim Sơn. Một số những nhà lãnh
đạo cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất như Hòa Thượng Thích Thiện
Minh, Thích Trí Quang,Thích Thiện Siêu, Thích Trí Tịnh, Thích Trí Thành, … xuất
thân từ Học Viện nầy. Năm 1949 Hòa thượng
Thích Tịnh Khiết được thỉnh cử làm Tùng Lâm Pháp Chủ. Hội mở nhiều chi hội ở
các Tỉnh, Quận, Xã khắp cả miền Trung. Về sau đổi tên là Hội Phật Học Trung Việt.
Năm 1934 Hội xuất bản tạp chí Viên Âm để hoằng dương chánh pháp. Hội thành lập
Gia đình Phật Hóa Phổ tiền thân Gia đình Phật tử hiện nay và lập Trường Bồ Đề đầu
tiên tại Thành nội Huế.
2/
Hội Sơn Môn Tăng Già Thừa Thiên hoạt động từ cuối 1946 dưới sự điều hành của
hai thiền sư Mật Hiển trụ trì chùa Trúc Lâm, và thiền sư Mật Nguyện trụ trì
chùa Linh Quang. (xin đừng nhầm lẫn với “Cổ Sơn Môn” do chế độ ông Ngô đình
Diệm thành lập để dùng Phật giáo diệt Phật giáo xảy ra năm 1963 khi Phật Giáo
đòi quyền bình đẳng tôn giáo)
III/Miền Nam
Năm
1920, những bậc cao Tăng thạc đức thành lập “Hội Lục Hòa” mục đích là đoàn kết
và vận động Phong trào Chấn Hưng Phật Giáo. (Không phải Giáo Hội Lục Hòa Tăng
hay Cổ Sơn Môn do chế độ ông Ngô đình Diệm thành lập để dùng Phật giáo diệt Phật
giáo xảy ra năm 1963 khi Phật Giáo đòi quyền bình đẳng tôn giáo.)
-Tháng
Giêng, năm Kỷ Tỵ (1929), Tổ Khánh Hòa đích thân đi vận động hầu hết các Chùa lớn
ở miền Nam. Sau đó, Ngài thành lập phái đoàn, cừ Sư Thiện Chiếu hướng dẫn, ra
Trung và Bắc để vận động Phong trào Chấn Hưng Phật Giáo. Tổ là vị đầu tiên và
có công lớn nhất trong Phong trào Chấn Hưng Phật Giáo ở miền Nam nói riêng và
Việt Nam nói chung. Để đẩy phong trào Chấn Hưng Phật Giáo đạt được những thành
quả tốt, Ngài cho xuất bản tạp chí Pháp Âm. Tiếp đến, Sư Thiện Chiếu cho xuất bản
tờ Phật Hóa Tân Thanh Niên chủ yếu là nhắm đến tầng lớp thanh niên Tăng, Ni và
Phật tử. Đây là hai tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Phật Giáo miền
Nam, mở đầu cho những tạp chí Phật Giáo miền Nam sau nầy. Ngoài hai tờ báo nói
trên, sư Thiện Chiếu còn cho xuất bản một số sách thuộc loại Phật học tùng thư.
-
Năm 1930 Thiền Sư Từ Phong thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học trụ sở tại
chùa Linh Sơn Sài Gòn. Tờ Từ Bi Âm, tòa
soạn đặt tại chùa Long Phước là cơ quan ngôn luận của Hội ra mắt vào ngày 01.03.1932.
-
Năm 1931 Hòa Thượng Huệ Đăng chùa Thiên Thai,
thành lập Thiên Thai Thiền Giáo Tông Thiện Hữu Hội và cho xuất bản tạp chí Bát
Nhã Âm làm cơ quan truyền bá giáo lý Phật Đà của Hội.
-
Năm 1933, Những Đại Tăng như Tổ Khánh Hòa, Hòa
Thượng Viên Giác (Bến Tre) Huệ Quang (Trà Vinh), Khánh Anh, Pháp Hải, Hòa Thượng
Chánh Tâm (Vĩnh Long), Hòa Thượng Viên Giác…và các Phật tử của các chùa trên,
thành lập Liên Đoàn Học Xã. Mục đích của Liên Đoàn là để đào tạo Tăng tài và hoằng
dương chánh pháp. Đây là một Phật Học Đường tuần hòan và liên tục. Mỗi chùa phải
đài thọ chi phí 3 tháng; ban ngày dạy học, ban đêm thuyết pháp.
-Năm 1934 Hội Lưỡng Xuyên
Phật học tại Trà Vinh ra đời muc đích đào tạo Tăng tài, hoằng dương chánh pháp.
Hai Cư sĩ Ngô Trung Tín và Huỳnh Thái Cửu cúng cho Hội bộ Đại Tạng Kinh và Tục
Tạng Kinh để làm tài liệu nghiên cứu. Năm 1935 Hội mở Phật Học Đường Lưỡng
Xuyên đào tạo Tăng, Ni (về sau trường Ni dời về chùa Vĩnh Bữu ở thôn Bến Tre)
- Năm 1934, Sư Lê Phước Chí (không rõ Pháp hiệu) trụ trì
chùa Thiên Phước ở Sóc Trăng, xướng lập Hội Phật Giáo Tương Tế, xuất bản tạp
chí Bồ Đề đặt trụ sở tại Sóc Trăng, số đầu tiên ra ngày 15-08-1936 và sau khi ra số kế tiếp ngày 15-09-1936 thì
đình bản.
-Năm 1934 Cư sĩ Minh Trí
thành lập Hội Tịnh độ Cư sĩ tại Chợ Lớn dành cho giới cư sĩ, chọn phương pháp
Phước Huệ song tu lấy pháp môn niệm Phật làm căn bản, mỗi chùa có một phòng thuốc
Nam để hốt thuốc chữa bệnh miển phí cho đồng bào.
-Năm 1936 Hòa thượng Trí
Thiền và Sư Thiện Chiếu thành lập Hội Phật Học Kiêm Tế. Năm 1938 Hội cho xuất bản
tạp chí Tiến Hóa trụ sở Hội và tòa soạn đều tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo. Hội chủ
trương mở cô nhi viện, lớp học bình dân.
-
Năm 1951 Giáo Hội Tăng già Nam Việt do Hòa thượng
Đạt Thanh làm Pháp chủ và Hòa thượng Đạt Từ làm Trị sự trưởng, trụ sở tại chùa Ấn Quang. Và Hội Phật học Nam Việt được
thành lập trụ sở tại chùa Khánh Hưng sau dời về xây xây chùa Xá Lợi.
IV/ Hợp Nhất Phật Giáo Ba Miền
Trong
chiến tranh đánh đuổi thực dân Pháp (1946-1950) các cơ sở Phật giáo trên toàn
quốc hầu như bị tan rã. Nhưng khi tình hình chiến sự lắng dịu thì các nhà lãnh
đạo Phật Giáo khôi phục và tổ chức lại như sau:
Mỗi
Miền có 2 tập đoàn: Một tập đoàn Tăng già lo việc chư Tăng và lãnh đạo tinh thần
cho tập đoàn Cư sĩ. Tập đoàn Cư sĩ lo việc cư sĩ và ngoại hộ cho Tăng già hoằng
dương chánh pháp. Sáu Tập đoàn nầy gồm:
-Bắc Việt có: Hội Tăng Già
Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật Giáo Băc Việt.
-Trung Việt có: Hội Tăng
Già Trung Việt và Hội Phật Học Trung Việt
-Nam Việt có: Hội Tăng Già
Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt.
Để tập hợp Phật Giáo ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam,
sáu tập đoàn Phật Giáo tổ chức Đại Hội Phật Giáo toàn quốc nhóm tại Huế từ ngày
06 đến 09.05.1951, có 51 đại biểu gồm Tăng già và Cư sĩ để thành lập “Tổng Hội
Phật giáo Việt Nam”. Đại hội suy thỉnh Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội trưởng.
Chức Thượng Thủ và Giám luật luân chuyển giữa các Miền. Đức Đệ nhất Thượng thủ
là Hòa thượng Thích Tuệ Tạng ở miền Bắc. Tuy nhiên Tổng hội chỉ là một tổ chức nặng
tính chất hình thức, không có quyền điều hành kiểm soát. Mỗi hội viên vẫn hoạt
động riêng biệt. Bên ngoài Tổng hội Phật giáo Việt Nam vẫn còn những tổ chức Phật
giáo khác hoạt động.