Tuesday, January 17, 2012

TRẬN CHIẾN XÓT XA

                                                                          Ðỗ Thái Nhiên

Người ta gọi mỗi đụng độ giữa người với người là một trận chiến : không chiến, hải chiến, bộ chiến, bút chiến, khẩu chiến... Nhắc tới trận chiến, người ta lập tức nghĩ đến hận thù nghi ngút, sát khí đằng đằng. Tuy nhiên riêng tôi, bằng bài viết này tôi sẽ phải bước vào một trận chiến với tất cả xót xa. Thế nào là trận chiến xót xa? Phải chăng nỗi xót xa sẽ làm giảm sức bền và sức mạnh của trận chiến? Nguyên nhân nào đã dẫn đến trận chiến xót xa. Tại sao biết trước là xót xa nhưng vẫn phải ứng chiến? Tôi xin phép được trả lời các thắc mắc vừa nêu bằng phần trần thuật và phần phân tích như sau :

                                                Trần thuật sự việc

Ðược phát hành ngày 22 tháng Giêng năm 1989, báo Thời Luận Xuân Kỷ Tỵ trang 37 và các trang tiếp theo đã cho đăng tải một truyện ngắn có tựa đề “Gặp gỡ ngày cuối năm” của nhà văn Nhật Tiến.
Chuyện xảy ra trong một trại tù cải tạo giữa một đại tá VC và một người tù cải tạo. Họ là anh em ruột : đại tá là anh, tù là em. Họ có ba mươi năm không gặp nhau và có thêm năm năm cuộc gặp mặt bị người em từ chối. Cuối cùng do lời trăn trối của người cha, hai anh em đã gặp nhau. Cuộc gặp gỡ đã được mở đầu bằng thái độ “không đội trời chung” của người tù. Người em nói thẳng ước muốn của mình : “Nếu tôi có súng tôi có thể bắn anh mà không một mảy may thương xót gì.” Câu nói hung hãn của người tù đã được viên đại tá đáp lễ bằng cách cho rằng bắn chết một cá nhân sẽ chẳng thay đổi được gì. Mặt khác, vẫn theo ý kiến của đại tá VC, nếu cho rằng bắn giết lẻ tẻ để nuôi căm thù chờ ngày quần chúng nổi dậy lật đổ bạo quyền thì lại càng vô lý bởi hai lý do:
- Phần đông sĩ quan cải tạo về đều ôm ước mơ đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài. Ðó là một hình thức tháo chạy.
- Quần chúng không thể nổi dậy vì quá bận rộn với việc chạy cơm.
Cầm nắm hai lý do nêu trên cộng với lời trăn trối của ông bố và ước muốn “nối lại sợi dây ràng buộc gia đình”, viên đại tá hối thúc người em hãy làm tính cộng chứ đừng làm tính trừ, hãy kết hợp chứ đừng thù hận. Có như vậy đại tá VC mới có thể là “bạn đồng hành của chú.” Tuy nhiên, khi người tù nêu câu hỏi : phải chăng đồng hành có nghĩa là “cùng nắm tay xây dựng cái chế độ CS phi nhân của anh?” Viên đại tá đã tránh né trả lời câu hỏi này bằng cách bảo rằng CS đã lỗi thời, rằng CS đã thay đổi bản chất từ lâu rằng “chúng nó chỉ níu lấy điều giả trá để mưu cầu đặc quyền đặc lợi cho bè lũ phe nhóm của mình,” rằng “nếu phải dùng danh từ ngụy thì chính chúng nó ngụy hơn ai hết” và rằng: “Chỉ có những thằng ngu cho tới bây giờ mới tin tưởng chủ nghĩa CS sẽ mang lại ấm no và hạnh phúc cho nhân loại.”
Sau một lúc sôi nổi “tố cộng”, viên đại tá tiếp tục dịu dàng “chiêu hồi” người em tù: “...Tôi cho rằng gặp nhau để rồi vẫn thù hận về sau thì sự gặp gỡ chẳng mang lại ý nghĩa gì... Mà tại sao ta phải làm như thế trong khi mọi sự đều đổi thay?... Tại sao không thể nhìn nhận nhau để toan tính một cái gì mới mẻ cho quê hương?”
Mặc cho lời lẽ chiêu hồi đầy tình tự quê hương, người tù vẫn “lạnh lùng” báo cho ông anh đại tá biết : “Nếu có điều kiện thì chắc chắn tôi sẽ toan tính một cái gì với bất cứ ai, trừ những tên cán bộ CS.” Câu nói vừa nêu đã làm cho cuộc gặp gỡ đột ngột trở nên căng thẳng : người em ngỏ ý nếu có súng, y sẽ bắn người anh, viên đại tá lập tức chiều ý em bằng cách rút khẩu súng ở phía sau thắt lưng ra và ném lên bàn :
- Có súng rồi đó, chú bắn đi!
Phản ứng bất ngờ của viên đại tá vừa làm cho người tù “cảm thấy thiếu can đảm để cầm súng lên tay, vừa đẩy người tù rơi vào tình trạng lúng túng trước phong cách hào hiệp của người anh". Từ đó người tù tin rằng: “Trong hàng ngũ của những kẻ mà chú coi là thù nghịch, thật ra vẫn còn ẩn chứa những nhân tố có thể đem áp dụng toán cộng chứ không phải toán trừ.” Cuối cùng, hai anh em bắt tay nhau và lần đầu tiên người tù “có cảm giác buốt nhói của một tình thân thiết ruột thịt.”

                                    Phân tích “Gặp gỡ ngày cuối năm”

            Hẳn nhiên, đối tượng của nhà văn bao giờ cũng là độc giả. Nhà văn viết cho độc giả. Thế nên điều quan trọng không là những gì nhà văn suy nghĩ trong khi cầm bút mà chính là những gì đã tác động vào tâm trí của độc giả sau khi họ đọc xong tác phẩm của nhà văn. Nhà văn làm cho độc giả cảm thấy thư thái sau những đấu vật với đời sống : độc giả cảm tạ nhà văn. Nhà văn dìu dắt độc giả tìm lại niềm tin trong cảnh vô cùng : độc giả tri ân nhà văn. Nhà văn đưa dẫn độc giả trong tăm tối của lịch sử tiến tới con đường phục hồi sinh mệnh dân tộc : độc giả tôn vinh nhà văn. Thế nhưng nếu nhà văn lôi cuốn độc giả bước vào một giao thông hào vòng vo hình chữ Z để rồi cuối giao thông hào đó cả nhà văn lẫn độc giả đều ngơ ngác trước một bãi kẽm gai mênh mông, bạt ngàn : độc giả sẽ phản kháng nhà văn bằng tất cả sức mạnh của mọi hình thức phản kháng.
Có thể nói được rằng “Gặp gỡ ngày cuối năm” là một truyện ngắn chuyên chở đầy ắp tư tưởng chính trị. Tuy nhiên, những tư tưởng chính trị này lại rối tung như những lùm kẽm gai. Lùm kẽm gai này ẩn giấu toan tính dùng lòng khoan dung của đạo đức giả để che lấp nghĩa vụ phục hoạt dân sinh. Lùm kẽm gai nọ hàm chứa quan niệm cho rằng nếu cây roi được đặt nằm song song với củ cà rốt thì dòng lịch sử sẽ êm ả trôi bất tận giữa hai đường song song vừa kể. Lùm kẽm gai kia bao gồm mọi nỗ lực kết nối những ý kiến đối nghịch lẫn nhau về Cộng Sản, những ý kiến này “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” đến độ độc giả không thể có kết luận dứt khoát về quan điểm của Nhật Tiến đối với Cộng Sản. Bây giờ tôi xin phép phân tích từng lùm kẽm gai một để sau đó tôi có thể trình bày những cảm nghĩ tổng quát của tôi sau khi đọc xong “Gặp gỡ ngày cuối năm.”

1) Nhật Tiến và đấu tranh phản kháng:
Người ta thường bảo : sống là đấu tranh. Ðấu tranh để tự thắng và đấu tranh để làm chủ mọi hiện tượng sống trong đời người. Tuy nhiên không phải đấu tranh nào cũng kết thúc bằng chiến thắng. Ðấu tranh không cân đo thắng bại gọi là đấu tranh phản kháng. Nhân cách cao cả của một người không thể là gì khác hơn là ý chí phản kháng : phản kháng những phi lý của đời sống. Tại Việt Nam ngày nay, phi lý lớn lao nhất nằm ở sự thể quyền lợi kinh tế của toàn dân đã bị đảng CSVN biến thành quyền lợi riêng của họ. Trong hoàn cảnh vừa nói, phàm là người Việt tự trọng không thể không dự phần vào cuộc đấu tranh phản kháng Cộng Sản. Tùy theo tình huống, tư tưởng phản kháng có thể lịch sự bộc lộ từ ngôn ngữ, cũng có thể nóng bỏng phát nổ từ viên đạn.
Thế nhưng khi người tù trong “Gặp gỡ ngày cuối năm” ngỏ ý muốn bắn hạ Việt cộng, Nhật Tiến đã không ngần ngại kết luận rằng đó là một ý muốn “điên rồ” vì loại đi một cá nhân sẽ chẳng có gì thay đổi đâu, và vì nó sẽ làm tăng lòng thù hận từ phía giai cấp thống trị. Thái độ của người tù hiển nhiên là thái độ ngạo nghễ của một chiến sĩ phản kháng. Trong đấu tranh phản kháng, có rất nhiều tác vụ không nhằm tức thời lật đổ chế độ mà chỉ nhằm biểu dương một phản kháng có tính triết lý, hoặc chỉ nhằm nêu cao gương anh dũng với chủ ý khuyến cáo mọi người hãy bền chí trong đấu tranh chống bạo quyền. Tiếng bom Sa Ðiện của Phạm Hồng Thái là thí dụ điển hình và ngời sáng của lịch sử đấu tranh phản kháng. Dĩ nhiên can đảm phản kháng hàm ngụ can đảm chấp nhận hậu quả của phản kháng. Lo sợ hành vi phản kháng sẽ làm tăng mức độ hà khắc của chế độ độc tài, chỉ là lo sợ của những kẻ muốn lành bệnh nhưng lại rất sợ thuốc đắng. Thay vì thành thực nhìn nhận tâm lý sợ thuốc đắng, những kẻ ngại chống Cộng đã làm ra vẻ cao thượng trong lời kêu gọi lấy tình thương xoá bỏ hận thù. Thù chưa trả được trở thành hận. Hận thù chính là quyết ý trả thù. Trên bình diện quyền lợi cá nhân, trả thù chỉ là một trao đổi đơn giản : răng đổi răng, mắt đổi mắt. Trên bình diện quyền lợi dân tộc, trả thù phải là hành động sắt thép trong đòi hỏi : hãy chấm dứt mọi nỗ lực bóp méo dân tộc tình, dân tộc tính hãy để cho dòng tâm sinh mệnh dân tộc được vận hành một cách thuận hợp theo đúng tự tính của dân tộc. Thế nên nhắc đến hận thù, người ta phải nghiêm túc phân định hận thù của cá nhân hay hận thù của dân tộc. Nếu là hận thù cá nhân thì các cá nhân đương sự có thể tùy tiện dĩ  hòa vi quý, tùy tiện đem tình thương xóa bỏ hận thù. Nhưng nếu là hận thù nằm trong hồn sử của dân tộc thì không cá nhân nào, không đoàn thể nào được phép đại diện cho quyền lợi của dân tộc để kêu gọi mọi người hãy xóa bỏ hận thù nhằm đổi lấy an thân hoặc nhằm được tiếng là bao dung, là độ lượng. Hận thù của một dân tộc chỉ có thể giải trừ bằng một phương cách duy nhất, đó là sự triệt để vãn hồi tính trong lành cho dòng tâm sinh mệnh dân tộc. Dĩ nhiên đấu tranh giai cấp cũng như sự việc cộng sản cưỡng chiếm toàn bộ quyền lợi kinh tế của dân tộc là những vi khuẩn độc hại cần phải loại bỏ ra khỏi cơ thể dân tộc. Nói tới loại bỏ, nói tới đấu tranh và hận thù, người ta không thể không nghĩ đến bạo lực. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn bạo lực dưới ba góc cạnh khác nhau :
- Trong thường thái : tức là trong hoàn cảnh bình thường, tương quan giữa người với người là tương quan hòa hài, mọi hình thức bạo lực đều không được chấp nhận.
- Trong bệnh thái : người ta xử dụng bạo lực để thực hiện dục vọng “cá lớn nuốt cá bé”. Dục vọng này, hiện tại Việt Nam Cộng Sản đang che đậy dưới lớp áo “yêu Bác, yêu Ðảng”
- Trong phi thường thái  : toàn bộ chi thể của dân tộc có nghĩa vụ phải vận dụng bạo lực để đưa xã hội từ bệnh thái trở về thường thái. Ðấu tranh chống CSVN ngày nay chính là đấu tranh phi thường thái.
Xin đừng đồng hóa đấu tranh phi thường thái với hận thù cá nhân. Xin đừng mạt sát những phản kháng trong đấu tranh phi thường thái là “điên rồ”. Trên đường đi từ phi thường thái về thường thái, xin đừng than khóc cảnh nồi da xáo thịt, xin đừng kêu gọi hòa hợp hòa giải. Tập đoàn nào cho đến nay vẫn cẩn thận nghiên cứu lý lịch ba đời của người dân trước khi ban cho đương sự một việc làm với lương tháng trị giá ba tô phở ? Tập đoàn nào đã giết hại hàng triệu người Việt qua những gian mưu trong mặt trận Việt Minh, trong 20/7/1954, trong 30/4/1975 và trong hàng loạt những vụ tước đoạt tài sản của nhân dân ?
Tập đoàn nào đã và đang cứng rắn trong phân biệt đối xử giữa đảng viên và quần chúng, giữa kẻ vô thần và người có tín ngưỡng ? Tại sao lời kêu gọi xóa bỏ hận thù không nhằm vào CSVN mà lại nhằm vào những người tù trên răng vỡ dưới khố rách, lại nhằm vào những người sống kiếp lưu vong ngày đêm tim óc thường xuyên bị đục phá bởi lòng thương nhớ quê cũ đọa đày ?

2) Nhật Tiến và lịch sử quan :
Lịch sử quan là mắt nhìn về lịch sử. Nhìn để thấy, để hiểu, và để tiên liệu. Muốn có lịch sử quan, người ta phải học hiểu về thời cơ luận. Thời cơ luận là môn học giải thích và minh chứng mỗi gắn bó cũng như mỗi đổ vỡ giữa thời và cơ trong dòng lịch sử. Nói một cách tổng quát nhất, bằng vào những giải thích và minh chứng vừa kể, và bằng vào những hiểu biết tròn đầy về qui luật vận động và phát triển của vũ trụ, của nhân sinh và của chính trị, thời cơ luận đã xác quyết rằng bất kỳ hành vi nào xâm hại đến quyền sống của con người, chà đạp nhân bản, nhân tính, nhân chủ, lập tức hành vi đó sẽ bị loài người phản kháng, do vậy bánh xe lịch sử chuyển động. Ðó là ý nghĩa cốt lõi của lịch sử quan.
Dĩ nhiên, không phải bánh xe lịch sử bao giờ cũng có khả năng vận hành một cách bén nhạy. Rất nhiều khi bánh xe lịch sử bị tắc nghẽn bởi những phản động lực, còn gọi là những lực phản xu thế. Tuy nhiên tình trạng tắc nghẽn này có tính cách tạm thời, không sớm thì muộn, chắc chắn lịch sử sẽ đào thải những lực phản xu thế. Biết bao chế độ độc tài đã phải trả giá bằng chính xương máu của họ về sự thể họ đã cả gan dám chống lại xu thế của lịch sử.
Trong “Gặp gỡ ngày cuối năm”, Nhật Tiến đã luận về lịch sử một cách hết sức đơn giản. Dùng lời lẽ của viên đại tá, Nhật Tiến mạnh dạn giải thích lịch sử như sau :
“Chú ở tù năm năm rồi mà còn ấu trĩ đến thế à ? Phải nói rằng chính sách cải tạo không nhằm dạy dỗ các chú trở thành những con người Cộng sản mà mục đích của nó là nhằm tiêu diệt khả năng đề kháng của những người ở phe chú. Thành quả của nó thế nào, chú đã thấy. Phần đông sĩ quan cải tạo về đều ôm mơ ước là đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài. Ðó có phải là một hình thức tháo chạy hay không ? Còn nhân dân nổi dậy ? Họ làm sao nổi dậy được khi chính những người có khả năng chiến đấu, lãnh đạo như các chú cũng chỉ có một ước mơ là ra đi, và mặt khác, làm sao họ nổi dậy được khi mà đời sống bây giờ đã thu gọn họ vào có một điều kiện duy nhất là lo chạy vạy để có miếng cơm hàng ngày. Chủ trương thắt bao tử để cai trị của chính quyền nó có tác dụng ghê gớm như thế nào, chú chưa nhìn ra hay sao ?”
Qua câu nói vừa rồi của viên đại tá, Nhật Tiến muốn khẳng định hai điều :

1) Chính sách cải tạo của CSVN đã hoàn toàn thành công, đã đánh gục được khả năng đề kháng của những người tù.
2) Chủ trương thắt bao tử để cai trị của “chính quyền” CSVN đã có tác dụng ghê gớm.
Ðối với Nhật Tiến hai sự kiện kể trên đã kết thành sợi dây xích khóa chặt bánh xe lịch sử  : tù cải tạo về đã tháo chạy bằng cách đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài, nhân dân vĩnh viễn không thể nổi dậy. Phải chăng cây gậy cải tạo và củ cà rốt đối với bao tử thắt lại có đủ khả năng giúp cho một chế độ độc tài không bao giờ có thể bị lật đổ ? Phải chăng phần đông (có nghĩa là đa số quá bán) tù cải tạo đều “tháo chạy” và khi chạy được ra nước ngoài, những tù “tháo chạy” này đã hoàn toàn không còn nghĩ gì đến quê hương ? Phải chăng quần chúng là bầy cừu, tù cải tạo là giới chăn cừu. Vắng mặt giới chăn cừu, khả năng phản kháng chế độ độc tài của quần chúng bị triệt để bẻ gãy? Các câu hỏi vừa kể đều có thể bị trả lời bằng những cái lắc đầu từ phía những người có công tâm và có hiểu biết trung bình, đôi khi người ta cũng có thể bắt gặp một vài cái gật đầu từ phía những kẻ ấu trĩ.
Không có sự chối cãi rằng “cải tạo” và “thắt bao tử” là hai chính sách đã gây sức nén đối với lịch sử. Nhưng cũng không có sự chối cãi rằng sau sức nén là sức nổ. Sức nổ chính là động lực giúp bánh xe lịch sử chuyển động. Khoảng thời gian từ sức nén đến sức nổ là bao lâu ? Thắc mắc này không thể giải đáp bằng tâm lý nóng nảy của cá nhân trong dòng thời gian. Ðối với cá nhân, một hai thập niên là quá dài. Ðối với lịch sử, một hai thập niên chỉ là một thoáng thoi đưa. Ðiều quan trọng không ở một hay hai thập niên, điều quan trọng nằm ở chân lý “có nén tức có nổ”. Nén là chà đạp quyền làm người. Nổ là phá vỡ thế lực chống đối nhân quyền. Thời gian từ nén đến nổ sẽ được thâu ngắn nếu người ta biết vận dụng qui luật chi phối đòn bẫy giữa tĩnh và động. Làm cho hiện tượng nổ sớm xảy ra là nghĩa vụ của mọi người dân trong giai đoạn lịch sử dân tộc đen tối.
Nhật Tiến chỉ thấy sức nén chứ không thấy sức nổ. Vì vậy Nhật Tiến chỉ biết luận về lịch sử chung quanh sức nén như một thái độ khiếp sợ và an thân. Luận về lịch sử theo kiểu Nhật Tiến đã làm cho người cùng với độc giả của Nhật Tiến “bị trôi xuống cơn dốc của nỗi tuyệt vọng” và cảm thấy: “Nhược hẳn người ra.” Ðó là sai lầm căn bản của Nhật Tiến về lịch sử quan. Và, đó cũng là điều mà Nhật Tiến nên ân cần xin lỗi độc giả của ông ta.

3) Nhật Tiến và mắt nhìn đối với Cộng Sản :
Chỉ bằng một chuyện ngắn, Nhật Tiến đã để lộ hai quan điểm mâu thuẫn về Cộng sản.
- Quan điểm 1: quan điểm chống Cộng dứt khoát : “Chỉ những thằng ngu thì cho tới bây giờ mới còn tin tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân loại.”
 Hoặc :
“Chúng nó chỉ níu lấy điều giả trá để mưu cầu đặc quyền, đặc lợi cho bè lũ, phe nhóm của mình. Chú nhìn kỹ mà xem, chúng nó nêu chiêu bài chống phong kiến bóc lột, nhưng trong đời sống thực tế, chúng nó phong kiến hơn ai hết. Chúng nó nêu khẩu hiệu “không có gì quý hơn độc lập tự do” nhưng chúng nó tước đoạt độc lập tự do của con người hơn ai hết. Nếu phải dùng danh từ ngụy thì chúng nó ngụy hơn ai hết.”
- Quan điểm 2 : quan điểm này cho rằng những người chống Cộng cần phải được giải trừ khỏi những ám ảnh bởi hai chữ Cộng sản vì : “Chủ nghĩa Cộng sản thuần túy đã biến đổi bản chất của nó từ lâu rồi. Hãy cứ nhìn cái cảnh những tên lãnh tụ siêu cường qua lại thăm viếng nhau và cụng với nhau những ly sâm banh thì đủ thấy.”
Và vì :
“Tôi cho rằng gặp nhau để rồi vẫn hận thù về nhau thì sự gặp gỡ chẵng mang lại ý nghĩa gì. Mà tại sao ta phải làm như thế trong khi mọi sự đều đã đổi thay ?”

          Quan điểm (2) hiển nhiên mâu thuẫn với quan điểm (1).

Nhật Tiến muốn thuyết phục độc giả chấp nhận quan điểm (2). Ðiều đáng tiếc là quan điểm (2) hoàn toàn phi lý. Người ta không hiểu Nhật Tiến đã căn cứ vào yếu tố lý luận nào để có thể khẳng định dứt khoát là “chủ nghĩa cộng sản thuần túy đã biến đổi bản chất của nó từ lâu rồi.” Thế nào là chủ nghĩa Cộng sản ? Thưa rằng chủ nghĩa Cộng sản gồm hai phần rõ rệt  :

- Phần thứ I là phần lý luận triết học, phần này gồm : tiền đề triết học duy vật và công cụ lý luận duy vật.
- Phần thứ II : là phần vận dụng luận gồm sử quan duy vật, kiến trúc xã hội duy vật, văn minh duy vật và cách mạng duy vật.
Nhìn vào bố cục của chủ nghĩa Cộng Sản như đã trình bày ở trên, người ta biết ngay rằng phần I chính là phần quy định bản chất của chủ nghĩa. Cho đến ngày nay CS, kể cả CSVN, chưa hề có một thay đổi nhỏ trong phần I, còn gọi là phần trí tuệ của chủ nghĩa. Nếu phần lý luận Triết học thay đổi chủ nghĩa CS sẽ chẳng còn là CS nữa. Những thay đổi hiện nay của CS chỉ là những thay đổi trong phương pháp kinh doanh của đảng. Trước hoặc sau thay đổi, đảng CS vẫn là chủ nhân ông tối cao và duy nhất về tư tưởng cũng như về kinh tế đối với xã hội bị Cộng sản cai trị. Trước hoặc sau thay đổi, giáo dục của Cộng sản vẫn là sự triển khai triết học Duy Vật với mục đích đào tạo nhân sự để cung ứng cho nhu cầu xây dựng và củng cố sức mạnh của đảng.
Suy nghĩ về những nét sơ đẳng nhất, nhưng căn bản nhất trong cấu trúc chủ nghĩa CS và trong công trình vận dụng chủ nghĩa này vào việc khống chế xã hội Việt Nam hiện nay, tôi thực sự vô cùng ngạc nhiên khi nghe Nhật Tiến nghiêm trang xác quyết “chủ nghĩa CS thuần túy đã biến đổi bản chất của nó từ lâu rồi.” Nỗi kinh ngạc này biến thành ý nghĩ hoài nghi trình độ chính trị của Nhật Tiến vào lúc Nhật Tiến chứng minh điều được gọi là “biến đổi bản chất” bằng cách trịnh trọng viện dẫn hình ảnh : “Những tên lãnh tụ siêu cường qua lại viếng thăm nhau và cụng với nhau những ly sâm banh” như một phương pháp biện chứng trong mục tiêu xác định bản chất của biến đổi. Quả thực Nhật Tiến đã dùng tâm tính đơn giản và thật thà đến độ tội nghiệp của một bậc chân tu để giải trừ chất “mê hồn” của mặt trận chính trị.

4) Nhật Tiến và bài toán cộng :
Mặc dầu không phân biệt được hận thù trong tương quan cá nhân và hận thù trong hồn sử, mặc dầu không xác định được đâu là bản chất, đâu là hiện tượng trong cách vận dụng thiên biến vạn hóa của chủ nghĩa duy vật từ phía những người cộng sản, Nhật Tiến vẫn nhiệt thành kêu gọi mọi người hãy “nhìn nhận nhau để toan tính một cái gì mới mẻ cho quê hương,” hãy hòa hợp hòa giải chứ đừng thù hận, hãy làm toán cộng chứ đừng làm toán trừ. Dĩ nhiên không có sự chối cãi rằng những “nhìn nhận nhau,” những hòa hợp hòa giải, những bài toán cộng là chân lý tuyệt hảo. Tuy nhiên, điều quan trọng không là vấn đề chân lý là gì mà là vấn đề : làm thế nào để thực hiện chân lý đó. Ðiều quan trọng không là bài toán cộng mà là thắc mắc làm thế nào để cộng. Chân lý không đi kèm phương pháp thực hiện chỉ là chân lý chiêu bài, chân lý mỵ dân, chân lý của những kẻ hiểu lơ mơ về chân lý. Ðọc “Gặp gỡ ngày cuối năm” mọi người đều nhận biết :
- Ðại tá Việt cộng, đại diện cho nhà cầm quyền, đại diện cho phe tả.
- Người tù đại diện cho những người thuộc chế độ VNCH, đại diện cho phe hữu.
Bài toán mà Nhật Tiến muốn cộng chính là bài toán cộng giữa tả và hữu tại Việt Nam. Làm thế nào để có thể cộng tả với hữu ? Như mọi người đã biết lịch sử chẳng qua chỉ là sự tái tục bất tận của một loại vòng quay ba điểm : chính đề, phản đề, tổng hợp đề. Sau mỗi lần tái tục, vòng quay này lại có thêm nhưng tăng tiến về phẩm lẫn lương. Hiện sử Việt Nam là một cuộc đấu tranh lẫn nhau giữa tả và hữu, giữa chính đề và phản đề. Vì thế xã hội Việt Nam trong tương lai chắc chắn không thể là xã hội của tả hay của hữu, mà là xã hội của tổng hợp đề. Xã hội tổng hợp đề chằng là gì khác hơn là xã hội Tam Dân. Tam Dân ở đây không liên hệ gì đến Tam Dân của Tân Văn cả. Tam Dân ở đây bao gồm : dân bản, dân tính, dân chủ.
- Dân bản : hàm ý mọi toan tính có liên hệ đến tâm sinh mệnh Việt phải khởi đi từ quyền lợi Việt và nhằm phục vụ quyền lợi Việt.
- Dân tính : tính thể hiện trong đời sống trở thành tình. Dân tộc tính và dân tộc tình chính là nội dung của văn hóa Việt. Vì vậy dân tộc tính đòi hỏi văn hóa Việt phải được triệt để phục hoạt.
- Dân chủ : dân chủ đích thực là một nền dân chủ được vận hành trong tinh thần vô chánh phủ. Ðiều này xác minh rằng dân chủ trong tư tưởng Việt phải là một nền dân chủ diễn ra trong trật tự, nhưng lại là trật tự của tự giác chứ không là trật tự của cảnh sát công an.
Xã hội Tam Dân có lý tưởng là Tam Nhân (Nhân bản - Nhân tính - Nhân chủ). Lý tưởng Tam Nhân sẽ giúp cho xã hội Tam Dân của mỗi dân tộc vận động và kết hợp lẫn nhau để tạo ra một xã hội quốc tế đích thực hòa hợp và ổn định.
Vừa rồi tôi đã trình bày một cách khái quát nhất hình ảnh của xã hội Việt Nam trong tương lai, một xã hội mà tôi gọi là tổng hợp đề của hiện sử. Thế nên trong tương lai Việt Nam tả hay hữu sẽ chẳng có phe nào toàn thắng. Tả và hữu dầu muốn hay không muốn cũng sẽ phải gặp nhau trong tâm sinh mệnh dân tộc hiểu theo ý nghĩa tròn đầy của Tam Dân. Ðó là xu thế của lịch sử. Ðó là ý nghĩa của bài toán cộng tả và hữu. Nhiệm vụ của mỗi người Việt yêu nước ngày nay là hãy thuyết phục tả lẫn hữu phải rủ bỏ tất cả những sinh hoạt kinh tế, văn hóa, chính trị nào không phù hợp với dòng sống Việt để có thể hội nhập vào tâm sinh mệnh dân tộc càng sớm càng tốt. Trong cuộc hội nhập này, phe tả có vẻ khó khăn hơn bởi họ phải gột rửa toàn bộ chủ nghĩa duy vật như một hành vi tiên khởi và căn bản.
Bây giờ chúng ta hãy trở về với bài toán cộng trong “Gặp gỡ ngày cuối năm.” Nhật Tiến đã đơn giản hóa bài toán cộng bằng cách cho rằng chỉ cần “rũ bỏ định kiến” là “chú” và “tôi” có thể “đồng hành.” Nhật Tiến quên rằng người ta chống cộng không vì định kiến mà vì người ta không đồng ý với xã hội con đẻ của Marx Lenine. Nếu bài toán cộng chỉ đòi hỏi “rũ bỏ định kiến” thì đó chỉ là bài toán cộng giữa hai cá nhân. Ngay cả trong trường hợp cộng cá nhân, Nhật Tiến vẫn lúng túng trong việc tìm đáp số. Thế nên để cho bài toán cộng có vẻ dễ dàng, Nhật Tiến đã vụng về đặt hai nhân vật trong truyện ở vào hai vị trí cao và thấp sai biệt rõ rệt : bên này là đại tá, bên kia là tù ; bên này là anh, bên kia là em. Ðã vậy bài toán cộng còn được kích động bởi “lời trối trăng” của người bố, và nhất là bởi màn thách thức nổ súng ở khúc kết. Có thể nói rằng màn thách nổ súng là cái chốt của câu chuyện. Màn này đã đưa đến sự việc hai anh em cảm động cầm tay nhau cũng như đã đưa người tù từ “xã hội tự do nhân bản” về với “chính chúng nó ngụy hơn ai hết.” Nói cách khác truyện ngắn “Gặp gỡ ngày cuối năm” hiển nhiên chỉ là truyện cổ võ cho một cuộc “Hồi tà.”
Cộng tả và hữu không thể là bài toán cộng của hai anh em ruột.
Cộng tả và hữu không thể là kết quả của một quyết định theo cảm tính sau hành vi thách thức nổ súng.
Cộng tả và hữu không thể là một chuyến “hồi tà” từ hữu về tả.
Cộng tả và hữu không thể đặt căn bản trên những sự việc chỉ có trong giấc mơ : tất cả nhà tù trên thế giới, nhà tù của cộng sản cũng như của tư bản đều dứt khoát không thể cho phép bất kỳ cá nhân nào được mang vũ khí tại phòng nói chuyện với tù. Ðại tá Việt Cộng mang súng vào phòng tù thăm em hiển nhiên là một sự việc hoang đường nhất trong thế giới của những hoang đường.
“Gặp gỡ ngày cuối năm” là một truyện “đầu voi đuôi chuột.” Truyện này đã mở đầu bằng bài toán cộng tả và hữu “để toan tính một cái gì mới mẻ cho quê hương” nhưng lại kết thúc bằng một cuộc làm hòa giữa hai anh em để ngay sau đó người anh dẫn người em đi “hồi tà.” Tính chất “đầu voi đuôi chuột” này là một hệ quả tất nhiên của tình trạng không phân định được hận thù cá nhân và thù hận trong hồn sử, không thấy được đòn bẫy giữa tĩnh và động trong lịch sử quan, không xác định được đâu là bản chất, đâu là hiện tượng của Cộng sản và hoàn toàn không dự kiến được những yếu tố cần có đối với bài toán cộng giữa tả và hữu.
Tóm lại, qua những phần trình bày ở trên, tôi có chủ ý xin được thuyết phục độc giả chấp nhận sự thể rằng "dân tộc Việt Nam hiện nay đang bị dằng co bởi một mâu thuẫn lớn. Mâu thuẫn đó có nội dung như sau : bên này là đòi hỏi của lịch sử về một bài toán cộng, bên kia là những hiểu biết rối loạn đối với phương pháp cộng. Mâu thuẫn giữa cộng và phương pháp cộng là mâu thuẫn chính. Do thái độ tích cực tham dự vào cố gắng giải trừ mâu thuẫn chính, nhiều người đã va chạm lẫn nhau. Trong số “nhiều người” đó có Nhật Tiến và tôi. Tôi gọi va chạm này là mâu thuẫn phụ với hàm ý rằng những gì tôi viết trong bài này nếu bị xem là xúc phạm đến Nhật Tiến thì đó chỉ là những xúc phạm hoàn toàn ngoài ý muốn và vô cùng đáng tiếc. Ðáng tiếc bỡi các lẽ :
- Tôi biết Nhật Tiến là một nhà văn rất tự trọng. Nhật Tiến bao giờ cũng cầm bút bằng tất cả tim óc trong sáng. Ngòi bút của Nhật Tiến không hề một lấn lướt trên mặt giấy theo đòi hỏi của bất kỳ tổ chức chính trị nào.
- Tôi biết Nhật Tiến đã có thật nhiều năm bền chí trên con đường phục hoạt dân sinh. Nhật Tiến là người bạn thân thiết và thương mến nhất của những thuyền nhân khốn khổ. Nhật Tiến cũng không phải là người khách lạ đối với những vị đã ngày đêm tính chuyện trở về quê cũ qua ngõ vượt biển băng rừng.
- Tôi biết Nhật Tiến là một nhà văn đích thực dấn thân. Tuy nhiên tấm lòng của Nhật Tiến đã không được đón tiếp bởi hoàn cảnh nhiễu nhương. Sau khi “tình biếu không” bị từ chối, Nhật Tiến lặng lẽ trở về thư phòng. Có rất nhiều ngày ngồi một mình trong căn phòng cố tình giữ cho thiếu ánh sáng, Nhật Tiến đã suy nghĩ triền miên về bạn bè, về đồng bào và về quê hương... Cuối mỗi lần suy nghĩ triền miên như vậy, Nhật Tiến bao giờ cũng nhận biết một điều thật rõ nét : đó là nỗi cô đơn mênh mông và sâu thẵm...
Những điều “tôi biết” đã kết đọng trong tôi thành lòng tôn kính vững vàng của tôi đối với Nhật Tiến. Chính lòng tôn kính này đã khiến tôi xao xuyến rất nhiều trước khi tôi cầm bút viết về cảm nghĩ của tôi, một độc giả của Nhật Tiến, đối với một truyện ngắn của nhà văn này. Ðiều khó khăn cho tôi là cùng lúc tôi phải trực diện với hai vấn đề gần như đối lập lẫn nhau :
1) Tôi phải tiếp tục giữ lòng tôn kính đối với Nhật Tiến bởi vì Nhật Tiến xứng đáng được tôn kính.
2) Tôi phải tích cực tham dự vào cố gắng giải trừ mâu thuẫn giữa nhu cầu cộng và phương pháp cộng, bởi vì đó là đòi hỏi của lương tri và ái quốc.
Cuối cùng, tôi quyết định mang “Gặp gỡ ngày cuối năm” đặt lên bàn mổ. Tôi đã viết bằng tất cả lòng thành và vốn hiểu biết của tôi. Tôi viết thật thẳng thắng, mạnh mẽ, thật chính xác... Tuy nhiên càng viết quyết liệt bao nhiêu tôi lại càng cảm thấy lòng mình xót xa bấy nhiêu. Ðó là lý do giải thích tại sao tôi gọi bài viết này là “Trận chiến xót xa.”

ÐỖ THÁI NHIÊN










GẶP GỠ NGÀY CUỐI NĂM

NHẬT TIẾN

Cuối cùng thì hai người cũng đã gặp nhau. Một người ở trong tù. Một người ở ngoài tù. Một người thuộc chế độ miền Nam cũ. Một người là sĩ quan mang quân hàm Thượng tá thuộc bộ đội miền Bắc. Họ là hai anh em ruột. Ba mươi năm trời không gặp lại, hơn năm năm cậy cục để mong được tiếp xúc, bây giờ ông anh đại tá mới được toại nguyện.
Căn phòng trống trải, bốn bề vách gỗ, mái lợp tôn có những chỗ nứt nẻ. Gió ở ngoài lùa qua những lổ thủng mang theo cái căm căm lạnh của một buổi cuối năm nơi rừng núi. Ðồ đạc trong phòng không có gì khác ngoài chiếc bàn gỗ và hai tấm ghế dài kê ở hai phía đối diện. Người công an bảo vệ đã lặng lẽ rút ra ngoài từ mấy phút trước sau khi kín đáo khép cánh cửa ra vào làm bằng tôn xộc xệch. Ngọn đèn héo úa trên trần cũng đã được bật lên. Aùnh sáng vàng vọt, xanh xao như bầu không khí thoi thóp, bệnh hoạn của cả trại tù.
Từ nãy, hai người vẫn nhìn nhau. Lòng họ đầy bối rối, ngỡ ngàng. Anh mình, em mình đấy ư? Ðâu còn là hình ảnh thân thiết, ruột thịt ngày xưa, thằng anh cõng thằng em chạy nhong nhong trên con đường làng nhỏ hẹp để đi theo một đám rước đi ra chùa xem tế lễ hay mãi mê chạy theo con diều đang bay bổng trên nền trời cao.
Hình ảnh thân thiết của dĩ vãng như có động lực làm cho hai trí não đang đóng băng của họ trở nên động đậy. Họ cố gắng thu ngắn khoảng cách của thời gian đằng đẳng gần ba mươi năm. Họ kín đáo tìm kiếm ở nhau dấu tích của ngày xưa thân ái cũ. Nhưng rồi họ bất lực. Họ chẳng tìm thấy ở người này hay người kia một chỗ bấu víu nào để có cảm giác gần gũi nhau hơn.
Cuối cùng, người anh cũng phải lên tiếng trước:
- Chú hút với tôi một điếu thuốc nhé?
Người tù vẫn không trả lời. Anh ta chỉ nhìn bằng cặp mắt lạnh lùng, nhưng cử chỉ có vẻ hơi lúng túng của người đối diện sau khi đã cố gắng phá tan bầu không khí im lặng nặng nề mà vô hiệu quả. Ông ta moi ra ở trong túi áo một bao thuốc đã nhàu nát và lục ở túi bên kia một cái bật lửa cũ kỹ đến nỗi cái bản lề ở nắp đã xộc xệch và nước kền mạ ở ngoài đã phai đi để lộ ra nước đồng màu đỏ quạch. Rồi ông ta nghiêng đầu châm một điếu thuốc. Ðôi môi dày của ông ta chúm lại. Cặp lông mày rậm rịt lốm đốm bạc ríu lấy nhau kéo theo những lớp da ở hai bên đuôi mắt ra nhăn nhúm lại. Chợt người tù khám phá ra rằng cái đuôi mắt ấy, cái cung cách nghiêng đầu châm lửa hút thuốc ấy đã giống hệt như những cử chỉ quen thuộc ngày xưa của bố mình. Lòng anh chợt thoáng một niềm xúc động. Anh cố nén cái cảm giác buốt nhói vừa chạy qua trái tim của mình.
Bây giờ viên Ðại tá chìa ra trước mặt anh một điếu thuốc. Bàn tay khô cằn, xương xẩu của ông ta hơi run run. Người tù nghĩ đó là dấu hiệu của tuổi già chứ không phải là hậu quả của một cơn xúc động. Người cộng sản không dễ gì biểu lộ những cảm nghĩ của mình một cách dễ dàng và lộ liễu như thế. Quả thật, “anh ấy” đã già thật. Người tù tiếp tục nghĩ. Những đuôi mắt đã nhăn. Những lớp da hai bên gò má đã rúm ró. Những sợi tóc đã ngã màu xám bạc. Anh cố gắng mường tượng hình ảnh của ông ta lúc còn trẻ để có dịp so sánh những nét đổi thay của ông ta qua ảnh hưởng của thời gian. Nhưng anh ta hoàn toàn bất lực trong ý định này. Hơn ba mươi năm xa cách, hình ảnh của người anh lúc chia tay không để lại trong óc anh một ấn tượng nào. Ðiều này khiến người tù nảy ra cái cảm giác kỳ cục khi nghĩ rằng mình có thể nhớ hình ảnh của ông ta thời thơ ấu lúc mà hai anh em còn cõng nhau chạy rông ngoài ngõ rõ ràng và gần gũi như nó mới chỉ xảy ra đâu đó ngày hôm qua, hôm kia, nhưng muốn bắt lại một hình ảnh khác xảy ra mới mẻ hơn đến hai chục năm ròng thì anh đành chịu, như thế thì dĩ vãng đâu có ảnh hưởng bởi yếu tố thứ tự của thời gian. Nó phải là điều gì gắn bó với những nỗi rung động trong trái tim của mình. Có những điều xảy ra, người ta có thể ghi nhớ cả một đời người, nhưng cũng có nhiều điều khác người ta đã dễ dàng rũ đi như một lớp bụi mỏng bám víu lấy khoảng trời kỷ niệm của riêng mình.
Như thế, quả là mình đã coi “anh ấy” là một hạt bụi trong đời sống, người tù tiếp tục nghĩ. Cũng đáng vậy thôi. Tình cốt nhục, anh em, không có chỗ cho những kẻ đã đứng trên vị trí của lòng căm thù. Leo lên tới quân hàm đại tá, hẳn ông ta đã nhúng tay vào biết bao nhiêu thảm họa đã gây nên những thảm trạng đau thương như hiện giờ. Những con người bị đày đọa triền miên trong những trại tù. Những bạn bè, đồng ngũ của anh đã âm thầm gục ngã trong tủi nhục đớn đau. Và hơn hết thảy là trong số những kẻ ngã gục ấy, có cả bố của anh nữa. Người tù thốt nhiên thấy mình sôi sục lên vì một cảm giác căm hờn. Anh ngồi thẳng dậy để giải tỏa những hơi thở bỗng nhiên căng lên trong lồng ngực. Ánh mắt của anh rực lên. Anh nhìn thẳng vào đôi mắt đục lờ của người đối diện. Hình ảnh của những ngày thơ ấu ngày xưa tan biến mất. Trước mắt anh chỉ là một kẻ xa lạ. Hơn thế nữa, một kẻ đã chịu trách nhiệm về biết bao nhiêu biến cố đau thương, tang tóc chia lìa. Ðó là lý do mà anh từ chối điếu thuốc vẫn được chìa ra từ một bàn tay run run, dấu hiệu của tuổi già.
Viên Ðại tá chờ đợi không được, liền đặt gói thuốc xuống mặt bàn. Ông ta cũng không biểu lộ một ánh mắt hay cử chỉ nào dù bất mãn hay bối rối về sự lạnh lùng, căng thẳng của người tù. Oâng chỉ cầm cái bật lửa cũ kỹ đặt chồng lên gói thuốc rồi đẩy chúng lại gần hơn nữa về phía người đối diện. Hai người bây giờ cách nhau bởi một màng mỏng khói tuôn ra từ đầu điếu thuốc vừa được châm lên và đang nằm giữa hai ngón tay xương xẩu của viên Ðại tá.
Cuối cùng vẫn lại là lời lên tiếng trước của ông ta:
- Tôi đến thăm chú năm lần trong năm năm. Lần này chú mới cho gặp, tại sao chú không nói gì hết vậy?
Người tù lại nhìn thẳng vào đôi mắt của viên đại tá. Anh ta biết rõ mình đang trồi lên từ một cơn sóng của sự thù hận. Rồi anh ta nói rành rẽ:
- Có chứ ! Tôi có nhiều điều muốn nói với anh lắm chứ ! Tuy nhiên có lẽ tôi chẳng cần dài dòng chi nhiều. Tôi chỉ tóm tắt bằng một câu thôi. Ðó là, nếu tôi có súng, tôi có thể bắn anh mà không chút mảy may thương xót gì.
Viên đại tá mỉm cười. Nụ cười chẳng mang một vẻ gì  cay đắng hay bất mãn cả. Hình như ông ta đã quá quen thuộc với sự trực diện đối với lòng hận thù. Ông ta chỉ nhìn “thằng em của mình” với ánh mắt chế riễu. Rồi ông ta nhỏ nhẹ:

- Bắn tôi xong rồi, chú có giải quyết được vấn đề gì không?
Người tù cười khẩy:
- Ðược chứ ! Ít nhất tôi cũng loại được một tên ra khỏi hàng ngũ của những kẻ bạo tàn.
- Vậy thôi sao?
Người tù nhún vai:
- Thế cũng đủ.
Viên đại tá bật lên cười:
- Có hai điều đáng phàn nàn trong ước muốn điên rồ của chú. Một là tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé trong hàng ngũ của những kẻ mà chú gọi là bạo tàn. Loại đi một cá nhân không thôi, sẽ chẳng có gì thay đổi đâu. Hai là hành động ấy của chú sẽ đổ dầu thêm vào lửa, nó không những không làm suy yếu hàng ngũ của những kẻ bạo tàn mà trái lại còn dấy động chúng nó lên bằng lòng hận thù. Một hành động như thế chỉ thuần túy cảm tính chứ không giải quyết được gì !
Người tù cãi lại:
- Tại sao không giải quyết được gì ? Bè lũ các anh, bớt được một tên nào hay tên đó. Sẽ có ngày cả nước sẽ nổi dậy, sẽ có cùng một hành động như thế, và lúc đó anh sẽ thấy mỗi cá nhân sẽ chỉ làm một việc nhỏ bé đó thôi, cũng đủ để làm nên đại cuộc rồi!
Mặt viên Ðại tá bỗng nhiên nhăn lại. Ông ta biểu lộ sự bất mãn của mình bằng cách đập nhẹ bàn tay của mình xuống mặt bàn. Rồi ông nói, lần này người tù thấy rõ những nghị lực của ông ta như tuôn ra theo từng lời:
- Chú ở tù năm năm rồi mà còn ấu trĩ đến như thế à? Phải nói rằng chính sách cải tạo không nhằm dạy dỗ các chú trở thành những con người cộng sản mà mục đích của nó là nhằm tiêu diệt khả năng đề kháng của những người ở phe của chú. Thành quả của nó thế nào, chú đã thấy. Phần đông các sĩ quan cải tạo về đều ôm một mơ ước là đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài. Ðó có phải là một hình thức tháo chạy hay không? Còn nhân dân nổi dậy? Họ làm sao nổi dậy được khi chính những người có khả năng chiến đấu, lãnh đạo như các chú cũng chỉ có một ước mơ là muốn ra đi, và mặt khác, làm sao họ nổi dậy được khi mà đời sống bây giờ đã thu gọn họ vào có một điều kiện duy nhất là lo chạy vay để có miếng cơm hàng ngày? Chủ trương thắt bao tử để cai trị của chính quyền nó có tác dụng ghê gớm như thế nào, chú chưa nhìn ra hay sao?
Người tù như chết lặng đi vì những sự thực tàn nhẫn mà ông ta vừa trút lên đầu mình. Anh ta choáng váng đến độ cũng không thấy ngạc nhiên khi những sự thực ấy lại được thốt ra từ một cán bộ cao cấp của chính quyền, những kẻ mà vốn từ xưa tới nay chỉ quen nói những lời nhân nghĩa giả trá, đề cao chế độ đến tận mây xanh.
Ðến lúc này thì người tù thực sự thấy cần một điếu thuốc. Anh ta muốn nén xuống cơn hoang mang cực độ đang xâm chiếm trọn vẹn tâm trạng của mình. Chẳng cần chờ đợi mời mọc, anh ta nhặt gói thuốc lên và gắn một điếu lên môi. Viên Ðại tá nhoài người ra, cầm lấy cái bật lửa, mở nắp ra và đánh lửa lên. Lúc cúi xuống châm điếu thuốc, một lần nữa, người tù lại thấy rõ bàn tay run rẫy của ông ta.
Một lát sau, viên Ðại tá lại cất tiếng:
- Kinh nghiệm cho chúng tôi biết, căm thù là nguồn nhiên liệu để nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh. Nhưng nếu chỉ biết căm thù không thôi thì tự mình cô lập mình. Nó là một con số trừ chứ không phải là số cộng. Trong ý nghĩa đó, tôi có thể nói, chú  chỉ biết làm tính trừ chứ chưa biết làm tính cộng.
Người tù nhún vai:
- Tuyệt đối, không bao giờ chúng tôi làm tính cộng với những người như anh, cho dù anh là ruột thịt đi chăng nữa.
Viên Ðại tá kêu lên:
- Chẳng có điều gì trên cõi đời này được gọi là tuyệt đối cả, trừ cái chết của mỗi người. Ðây cũng là một điều chú nên trang bị cho nhận thức của mình.
Người tù nhìn người đối diện với ánh mắt ngạc nhiên. Anh ta cố gắng tìm hiểu những ẩn ý gợi lên đằng sau câu nói của ông ta. Tuy nhiên, anh không thấy điều gì khác hơn là ông ta đang là cán bộ quân sự cao cấp của bạo quyền và điều này chỉ có một ý nghĩa duy nhất là ông ta phải là người sẽ sống chết vì bạo quyền, cho bạo quyền. Nghĩ được như thế, người tù thấy mình thoải mái hơn. Anh ta tự thấy rằng mình không hề sai lầm khi vẫn giữ được thái độ hoàn toàn đối lập đối với ông ta. Dù ông ta là ruột thịt. Tình ruột thịt không có ý nghĩa gì hết đối với những kẻ đã lựa chọn đứng trên hai chiến tuyến. Anh chợt nhớ đến “con số cộng” mà ông ta vừa nhắc nhở đến. Bất giác, anh chợt nở một nụ cười mang đầy vẻ riễu cợt. Anh tự nghĩ “Làm gì có được con số cộng giữa tôi và anh. Ðấy là chuyện ảo tưởng.” Ðiều này lại lôi kéo anh qua ý nghĩ duyệt lại những người đứng về phe hàng ngũ của mình. Quả là viên Ðại tá đã nói đúng khi đề cập đến mơ ước đoàn tụ của những người đã ra tù. Ðó là một sự thực cay đắng. Nó cũng cay đắng như lúc nhìn vào hoàn cảnh của những con người đang tranh sống, chụp giật với tất cả tận cùng ý nghĩa của hai chữ sinh tồn để có được miếng cơm manh áo hàng ngày.
Bất ngờ, anh cảm thấy rùng mình khi biết rõ mình đang bị trôi xuống con dốc của nỗi tuyệt vọng. Nó làm anh nhược hẳn người ra. Anh cố gắng che giấu tâm trạng của mình bằng cách đưa điếu thuốc lên môi, rít một hơi thật dài và thở mạnh ra. Làn khói xanh tỏa ra mù mịt làm che mờ khuôn mặt của người đối diện. Người tù thấy rõ nỗi cô đơn đang phủ kín con người của mình.
Bỗng có tiếng của viên Ðại tá cất lên:
- Tôi không đến đây để dìm chết chú xuống bằng những nỗi tuyệt vọng mà chú đang cảm nhận ấy đâu. Vấn đề là ở chỗ đừng bao giờ xây dựng những nhận thức của mình chỉ vỏn vẹn bằng cảm tính, bởi cảm tính chỉ là bước đầu của nhận thức trước những trực quan sinh động của thế giới khách quan bên ngoài.
Lại một lần nữa người tù tự hỏi “Ông ta muốn ám chỉ cái gì đây?” Anh ta định nói toẹt ra thắc mắc này nhưng rồi lại kìm giữ được ngay. Bởi vì anh ta biết rõ, dù ám chỉ điều gì, ông ta vẫn là ông ta, một kẻ được tôi luyện trong bạo lực và trở thành một giai cấp quyền thế của bạo lực. Chỉ bấy nhiêu điều cũng đủ xác định vị trí của ông ta rõ rệt trong bất cứ hoàn cảnh nào rồi. Nghĩ như thế, người tù không nói năng gì thêm mà chỉ lơ mơ ngồi nhả khói với sự cố ý làm ra vẻ lơ là đối với những lời nói của viên Ðại tá. Khoảng cách giữa hai người như thêm lên vì sự im lặng năng nề lại kéo dài. Một lát sau, vẫn lại ông ta lên tiếng trước:
- Tôi có một thắc mắc nhỏ muốn hỏi chú. Tại sao những lần trước chú từ chối không gặp tôi, mà lần này chú lại chấp nhận cho tôi được gặp chú? Có điều gì thay đổi ở nơi chú không?

Người tù nhún vai:
- Chẳng có gì thay đổi hết. Tôi đồng ý gặp mặt anh không phải vì nghĩ tới anh mà là vì lời trăn trối của bố.
Nhắc đến người cha thân yêu, giọng người tù như nghẹn lại. Anh ta chớp mắt nhiều lần, cố nén cơn xúc động đang ùa đến, và tiếp tục nói bằng một giọng khó khăn, cắt quãng:
- Bố chết ở trại giam Chí Hòa như anh biết. Giây phút cuối cùng có thằng Quang hiện diện. Anh nhớ thằng Quang con chú Sáu chứ? Nó là cán bộ của Cục Bảo vệ Trại giam. Nó nghe được lời trối trăng của bố. Bố trối trăng rằng dù anh em thù hận thế nào thì cũng cố gặp nhau một lần. Như một hình thức nối lại sợi dây ràng buộc gia đình đã đứt quãng mấy chục năm. Còn anh? Anh làm gì trong thời gian bố tù tội và chết tức tuởi trong trại giam?
Viên Ðại tá cúi đầu, tránh né cái nhìn như xoáy vào óc của đứa em của mình. Ông ta nói:
- Hôm đó tôi bận công tác ở bên Cam Bốt. Mãi tôi mới được tin bố bị bắt. Khi có hoàn cảnh về thăm thì bố đã mất rồi.
Người tù cười nhạt, nụ cười vừa đắng cay vừa có tính chất thù nghịch:
- Thế cũng là may cho anh. Anh có lý do để bào chữa. Chứ thực ra, nếu có hoàn cảnh thì anh cũng chẳng làm được gì. Trong chế độ bất nhân này, bố là một chuyện, anh lại là một chuyện khác. Nhân danh Ðại tá, anh cũng chẳng làm được gì cho bố hết.
- Chú nói đúng đấy. Cũng như hoàn cảnh của chú bây giờ, tôi có làm được gì cho chú đâu, ngoài mấy gói quà thăm nuôi.
Người tù chăm chú nhìn người anh, lần này anh ta dịu giọng:
- Ít ra anh cũng có đôi điều thú nhận sự thật. Nhưng nói cho ngay, một chế độ như thế, anh vẫn trung thành phục vụ thì kể cũng là chuyện lạ.
Viên Ðại tá chợt mỉm cười:
- Thì chú “thuyết phục” tôi đi.
Người tù kêu lên:
- Tôi đâu có phí hơi sức để thuyết phục những người như anh! Mèo bao giờ cũng là mèo!
- Chú lại đầy định kiến mất rồi! Khổ thay cho con số trừ thường trực của chú.
- Anh muốn tôi làm tính cộng hả? Muốn thế thì tôi phải thay đổi hay là chính anh phải thay đổi.
- Cả hai bên, chú à. Chú rũ bỏ định kiến của chú đi, chú sẽ thấy tôi có thể là bạn đồng hành của chú. Ngược lại, tôi cũng vậy.
Người tù cười khẩy:
- Ðồng hành đi đâu? Làm gì? Hay là cùng nắm tay xây dựng cái chế độ Cộng sản phi nhân của anh?
Viên Ðại tá chợt bật lên cười. Tiếng cười rổn rảng phá tan bầu không khí yên tĩnh của căn phòng, vọng ra cả hành lang phía bên ngoài. Cánh cửa ra vào bỗng xịch mở và anh bảo vệ viên thò đầu vào với vẻ mặt ngơ ngác. Anh ta bắt gặp tia nhìn lạnh lẽo của viên Ðại tá đang ném về phía mình với một điệu bộ hách dịch, điều này khiến anh ta sợ hãi vội vàng đóng sập ngay cánh cửa lại. Sau tiếng cười, viên Ðại tá châm thêm một điếu thuốc nữa và nét mặt trở lại vẻ trầm ngâm, lạnh lùng. Một lát sau, ông ta nói chậm rãi:
- Hai chữ Cộng sản hình như là một vấn đề ám ảnh đối với nhiều người, trong số đó có chú. Trong khi đó, thật ra đối với thế giới, nó đã trở thành lỗi thời. Nó lại càng trở nên lỗi thời đối với những người đã từng tích cực tham dự vào cái guồng máy ấy, như tôi chẳng hạn. Nói khác đi, chỉ những thằng ngu thì cho tới bây giờ mới vẫn còn tin tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ đem lại ấm no và hạnh phúc cho nhân loại.
Người tù nhìn viên Ðại tá với ánh mắt ngạc nhiên. Anh ta tò mò nhìn ngắm kỹ khuôn mặt của người đối diện để tìm tòi xem ông ta đã che giấu bản chất qua sự giả trá đến mức độ nào. Nhưng anh ta không tìm thấy được điều gì qua cử chỉ của ông ta cả, kể cả sự thành thực. Rút cục, anh tự nghĩ, những thằng cộng sản đều là những đứa nói láo, quan điểm, lập trường, nhận thức luôn luôn chỉ có tính cách giai đoạn. Nghĩ như vậy anh cảm thấy lòng thản nhiên, chẳng hề thấy chút rung động trước những lời lẽ bất ngờ của ông anh quí hóa. Viên Ðại tá lại nói tiếp:
- Chủ nghĩa cộng sản thuần túy đã biến đổi bản chất của nó từ lâu rồi. Hãy cứ nhìn cái cảnh những tên lãnh tụ siêu cường qua lại thăm viếng nhau và cụng với nhau những ly sâm banh thì đủ thấy!
Người tù chợt mỉm cười, cắt ngang lời nói của viên Ðại tá:
- Anh già đầu rồi mà còn ngây thơ nhỉ! Hoặc giả anh là một chuyên viên kịch cỡm đang thủ một vai nói dối một cách ngờ nghệch!
- Ðối với chú, tôi chả cần thiết phải nói dối làm gì. Chú ở đây đã năm năm mà vẫn còn một đôi chút bướng bĩnh. Nhưng mười năm nữa, chú sẽ chỉ còn là một thân xác tàn úa, vô dụng, không đáng để tôi phải quan tâm!
- Thế thì anh là một kẻ ngây thơ! Tụi tôi ngây thơ thì mọi sự cũng đã kể như xong rồi. Nhưng anh ở trong guồng máy của chế độ, anh mà ngây thơ thì chỉ có ngày guồng máy nó sẽ nghiền nát anh ra.
Viên Ðại tá nhún vai:
- Thì tôi đã nói với chú rồi. Chỉ những thằng ngu mà bây giờ vẫn còn tin rằng chủ nghĩa cộng sản là liều thuốc đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân loại. Tôi đâu có ngu!
Người tù cướp lời:
- Cho là anh sáng suốt đi. Nhưng cái xã hội tồi tệ này còn biết bao nhiêu là thằng ngu.
Viên Ðại tá chặn ngang:
- Không! Chúng nó cũng không ngu gì. Chúng nó chỉ níu lấy điều giả trá để mưu cầu đặc quyền đặc lợi cho bè lũ phe nhóm của mình. Chú cứ nhìn kỹ mà xem, chúng nó nêu chiêu bài chống phong kiến bóc lột, nhưng trong đời sống thực tế, chúng nó phong kiến hơn ai hết. Chúng nó nêu khẩu hiệu “Không gì quý hơn độc lập tự do” nhưng chúng nó tước đoạt độc lập tự do của con người hơn ai hết. Nếu phải dùng danh từ “ngụy” thì chính chúng nó ngụy hơn ai hết.
Người tù giương to đôi mắt để cố nhìn ngắm con người đối diện. Anh ta lại không tin những lời lẽ vừa phát ra lại là của “ông anh Ðại tá” của mình! Thâm tâm anh tự nhũ phải hết sức thận trọng để tránh cái cạm bẫy mà tên cán bộ cao cấp này đang giăng ra. Thói quen theo thành kiến có sẵn đã tạo cho anh cái thái độ dè dặt. Cuối cùng, anh đã nói:
- Tôi chẳng cần mất công đánh giá những lời phát biểu của anh thành thực đến mức độ nào. Tôi chỉ tự hỏi tại sao bỗng dưng anh lại đem những lời đó ra nói với tôi? Ðể làm gì cơ chứ?
Trầm ngâm một lát, viên Ðại tá mới nói:
- Chú không nhớ những lời trăng trối của ông cụ à? Cụ dặn rằng dù anh em thù hận đến mức nào thì cũng cố gặp nhau một lần, như một hình thức nối lại sợi dây ràng buộc gia đình đã đứt quãng mấy chục năm. Tôi cho rằng gặp nhau để rồi vẫn thù hận về nhau thì sự gặp gỡ chẳng mang lại ý nghĩa gì. Mài tại sao ta phải làm như thế trong khi mọi sự đều đã đổi thay? Chú có một mơ ước về đời sống ấm no, hạnh phúc thì tôi cũng vậy. Và tôi tin rằng nhiều người trên dãi đất này cũng đều như vậy. Tại sao không thể nhìn nhận nhau để toan tính một cái gì mới mẻ cho quê hương?
Người tù nhìn ông anh của mình bằng cặp mắt lạnh lùng. Anh phấn đấu trong lòng một cách dữ dội và lý trí của anh luôn nhắc nhở “Ðừng tin những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Ðiều này khiến anh cảm thấy tự tin hơn và anh buông một câu lạnh lùng:
- Nếu có điều kiện thì tôi chắc chắn sẽ toan tính một cái gì với bất cứ ai, trừ những tên cộng sản!
- Nghĩa là chú vẫn chỉ thích có một con toán trừ?
- Phải. Trừ đi những kẻ như anh.
- Bằng cách nào?
- Có được súng trong tay, tôi sẽ bắn không tiếc tay.
Viên Ðại tá nhìn anh ta bằng đôi mắt lạnh lùng. Rồi bằng một cử chỉ hết sức bất ngờ, ông ta rút khẩu súng ở phía sau thắt lưng ra và ném lên bàn. Ông buông sõng một câu:
- Có súng rồi đó. Chú bắn đi.
Người tù sững sốt nhìn ông ta bằng một vẻ bàng hoàng. Anh ta không thể ngờ được rằng tình thế đã du mình tới cái giây phút ấy. Anh hết nhìn người đàn ông trước mặt rồi lại liếc khẩu súng đang nằm tênh hênh trên mặt bàn. Nó là một khẩu nhỏ nhắn, quen thuộc, dễ sử dụng, có nước thép bóng ngời như lúc nào cũng được lau chùi kỹ lưỡng. Thốt nhiên anh nhoẻn một nụ cười chế nhạo:
- Anh đừng dọa tôi: Súng của anh làm gì có đạn! Tôi thừa biết mánh khóe của anh rồi!
Viên Ðại tá lẳng lặng chộp lấy khẩu súng, và bằng những ngón tay thiện nghệ, ông ta lật cái ổ đạn qua một bên cho người tù nhìn thấy những viên đạn sáng ngời. Sau đó, ông ta kéo cơ bẩm cho viên đạn sẵn sàng lên nòng. Rồi ông ta ném trả nó trở lại chổ cũ với tất cả sự lạnh lùng đến ghê rợn. Cử chỉ của ông ta làm cho người tù chết lặng đi. Anh đã bị dồn vào cái thế phải chọn lựa. Và anh chợt phát giác ra rằng nói thì dễ chứ thực hành được điều mình nói không phải nhẹ nhàng gì. Phải chi viên Ðại tá này không phải là anh ruột của mình! Phải chi hai người đang đối diện với nhau ở ngoài trận địa. Phải chi ông ta không tự nguyện thẩy khẩu súng cho kẻ đối diện để dục dã hắn ta bắn lại chính mình. Những điều kiện “phải chi” ấy cứ dồn dập nảy ra trong óc của người tù khiến cho tâm trạng của anh bấn loạn lên. Anh thấy mồ hôi rịn ra ướt cả chân tóc và đầm đìa một mảng lưng. Anh thấy mình đang lại rũ liệt và anh cảm thấy mình không đủ can đảm để cầm khẩu súng lên tay.
Chờ đợi một lát, khi đã nắm chắc phản ứng của người tù, viên Ðại tá mới lẳng lặng nhặt khẩu súng lên, trả nó lại vị trí ở sau lưng như cũ, rồi ông ta mới nói:
- Như thế là đủ. Tôi thấy chú chẳng có lòng dạ nào cầm súng bắn tôi, mặc dù chú vẫn thường xuyên bị ngự trị bởi lòng hận thù. Cuộc đời còn đáng sống chính là ở cái yếu tố nhân bản ấy.
Người tù nhìn ông ta thảng thốt:
- Tại sao anh lại làm như vậy chứ?
Viên Ðại tá nhún vai:
- Ðể cho chú tin rằng những điều tôi nói với chú là có thực. Trong hàng ngũ của những kẻ mà chú coi là thù nghịch, thật ra vẫn còn ẩn chứa những nhân tố có thể đem áp dụng toán cộng chứ không phải toán trừ. Nếu cứ ôm mãi quan niệm chỉ làm tính trừ, chú sẽ chẳng bao giờ có hy vọng thay đổi được cái xã hội này đâu.
- Nhưng tôi là một thằng tù. Bài học ấy của anh, trong hoàn cảnh tôi, có áp dụng được gì đâu!
- Tù thì vẫn có ngày được thả. Vấn đề là ở chỗ gìn giữ được cho mình một niềm tin, một hy vọng. Niềm tin và hy vọng ấy phải được xây dựng trên một cái nhìn sáng suốt và khách quan chứ không phải là những thành kiến cố hữu. Thế thôi.
Nói hết lời, viên Ðại tá đứng dậy. Ông ta xòe một bàn tay ra trước mặt người tù. Anh ta rụt rè một giây rồi giơ tay ra nắm lấy bàn tay xương xẩu, với nước da đen xạm có nổi lên những đường gân xanh. Ðột nhiên, anh xiết chặt lấy bàn tay ấy, và lần đầu tiên anh có cảm giác buốt nhói của một tình thân thiết ruột thịt.
Hai người nhìn nhau trong yên lặng một hồi lâu rồi cùng tiến ra phía cửa phòng. Lúc viên Ðại tá dí tay cầm lấy cái nắm cửa thì người tù vội vã chặn lại, và thốt lên hỏi:
- Tại sao anh lại làm như thế? Nếu em chai lì, cứ lượm khẩu súng lên và bóp cò thì sao?
Viên Ðại tá ôm lấy bờ vai của em mình, xiết chặt rồi thủ thỉ :
- Tôi hiểu rõ những con người đã được đào luyện và giáo dục trong xã hội tự do, nhân bản. Chú là em của tôi. Ðiều đó có nghĩa là dù ở hoàn cảnh nào, trong lòng chú vẫn có những tình cảm máu mũ ruột thịt. Nếu chú được sinh ra và lớn lên ở xã hội cộng sản, có lẽ tôi đã xử sự theo cách khác.

                                                                               Nhật Tiến




Tuesday, January 10, 2012

                     SƯU-TẦM NHỮNG BÀI THƠ TÙ
                  DƯỚI CHẾ-ÐỘ CSVN SAU 30.4.1975

        Sau quốc biến 2.9.1945 và sau quốc nạn 30.4.1975, đảng CSVN trung-thành với chủ nghĩa cộng sản bạo tàn dưới sự chỉ đạo của đế quốc Nga sô và Tàu cộng đã phủ chụp xuống Tổ-Quốc VN những đổ nát hoang tàn; gây bao thảm họa ly hận, máu lệ kết tụ ngút ngàn phẫn hận:
            Máu đã không đổ lan tràn ,
            Nhưng đã âm thầm ngấm sâu vào đất.
            Một Việt-Nam thống nhất,
            Nhưng Việt-Nam đã mất hết tính người.
                                                Hà-Thúc Như-Hỷ
      Chìm trong bão máu lệ oan khiên ấy, toàn dân Việt bị giam cầm tại hai trại tù nghiệt ngã: Sĩ Quan, viên chức, cán bộ VNCH; các đảng phái Quốc Gia, các văn nghệ sĩ, các nhà tu hành, những nhà ái quốc, những chiến sĩ vì lương tâm đấu tranh, những lương dân chơn chất mộc mạc bị đày ải trong ngục tù khổ sai nô lệ. Cuộc đời thường chính là nhà tù lớn, dành cho kiếp nô dân lầm than uất hận.
      Nô dân thì dùng loại văn chương bình dân như hò, vè, nói lái, ca dao và lấy truyền khẩu dân gian làm phương tiện lưu chuyển nỗi phẫn hận và những ước mơ được làm người của họ. Tù nhân, và những người thân yêu của họ  dù bị đắng cay khổ nhục, dù bị kềm kẹp bạo ngược họ vẫn sáng tác. Những sáng tác ấy  thai nghén, tượng hình trong cảnh cùng khổ, trong điều kiện khắc nghiệt. Những tác phẩm ấy là những cảnh đời tan nát. Những sáng tác ấy cần phải được lưu giữ, vì đó là những chứng tích lịch sử, là những bông hoa mượt mà hương sắc nhưng đẫm tràn máu lệ.
       Trong ý nghĩa nầy, chúng tôi xin đề nghị: Chúng ta cần sưu tầm góp nhặt những hạt ngọc máu ấy. Ðó chính là một phần trong giòng văn học sử Việt-Nam. Phần văn học sử nầy đánh dấu giai đoạn tang thương điêu tàn khốc liệt nhất của Dân Tộc dưới sự thống trị man rợ của tập đoàn CSVN hoàn toàn mất hết, mất hẳn tính người. Những sáng tác đó bao gồm : Thơ, văn, nhạc và họa.
       Ðể tạo điều kiện dễ dàng cho những nhà nghiên cứu, nên chúng ta cố tìm thêm những chi tiết chung quanh sáng tác ấy, càng nhiều chi-tiết càng quý như tên tác giả, thời gian, không gian và hoàn cảnh tác phẩm ra đời, hậu quả do tác phẩm ấy đối với tác giả và những người liên quan, hay ảnh hưởng, sự lưu truyền tác phẩm; hoặc là chúng ta biết được tác phẩm ấy trong trường hợp nào …...
     Ðể mở đầu, chúng tôi xin trình hai bài thơ: Một bài do thi sĩ khuyết danh, phu nhân của một Sĩ Quan bị tù cải tạo, và một bài của một tù nhân chính trị.

         I.-Bài I:
            Bài thơ dưới đây, chúng tôi trích trong tác phẩm: “ Những bước chân tù ” (Tức Bác-Sĩ bất đắc dĩ) của Tác giả Chánh-trung. Nhân đây, chúng tôi chân thành và trân trọng kính xin tác giả cho phép chúng tôi được phổ biến. Vì không có điều kiện để xin phép trực tiếp, xin tác giả vui lòng xem đây là lời kính xin phép trực tiếp.

                                                 NỖI LÒNG THIẾU-PHỤ
                                               (Nguyên tác của nữ thi-sĩ khuyết-danh)
                                                 
                                                  Đêm nay chẳng ngủ anh biết không?
                                                  Em gom thi tứ viết cho chồng
      Thương anh em khóc trên từng chữ
      Thơ lạnh hơn trời đêm lập đông
                            *
      Thơ viết cho anh giữa chốn nầy
      Ðâu lời mật ngọt chuốc hương say
      Thân anh cá chậu chim lồng ấy
      Ðịnh mệnh an bài bao đắng cay
                            *
      Bốn năm thiếu phụ ở bên song
      Năm tuổi đời em ngóng đợi chồng
      Thiên hạ bốn mùa thiên hạ có
      Riêng em chỉ có một mùa đông
                         *
      Chinh chiến ngày xưa lắm đọan trường
      Hòa bình giờ lại qúa đau thương
      Sài Gòn - Nghệ Tỉnh xa xôi quá
      Anh ở, em về bao vấn vương
                                        *
      Em ngở ngàng anh đã phụ em
      Xót xa tình ái lạnh môi mềm
      Anh đi biền biệt không về nữa
      Anh của lòng em sao nở quên
                            *
      Bên cầu em đứng, đợi, chờ, trông
      Ðông quá mà sao vắng bóng chồng
      Anh hởi ! Anh ơi ! ngày hai buổi
      Ði về anh có nhọc nhằn không ?
                            *
      Rút thơ trao lén lại quay đi
      Trời hởi ! Trời ơi ! có tội gì ?
      Ðoàn người cải tạo về ngang đó
      Cúi mặt thương chồng lệ ướt mi
                            *
      Anh vững tin em mãi đợi chờ
      Anh về em mới hết bơ vơ
      Bến xưa vẩn đợi con đò cũ 
     Tàu đổ về ga, ôi ước mơ
            
                                              Một người vợ thăm chồng cải tạo 11.1979

              Bài II:
             Trong lúc trình bày ý muốn sưu tầm những bài thơ như đã kính trình , tình cờ chúng tôi  được một người chưa từng đuợc trò chuyện. Ông có biết một bài thơ của một tù nhân chính trị, sáng tác trong tù. Sau khi về nhà, vị ấy gọi điện thọai và dọc cho tôi bài thơ cùng một ít chi tiết mà ông có. Chi tiết về bài thơ ấy như sau:
            Ngày 21.3.1999 ông Ðào-văn-Bình  Chủ tịch Tổng-Hội Tù Nhân Chính-Trị Việt Nam nhận đuợc thư của một cựu tù nhân chính trị đang cư ngụ tại South Carolina cho biết về một trường hợp đáng thương và sau đó ông Bình với phương vị của mình, ông ra lời kêu gọi giúp đở cựu tù nhân chính trị Việt Nam tên Trương Nhật Tân. Trong lời kêu gọi ấy ông Bình cho biết  sơ lược về Ông Tân như sau:
            Ông Trương Nhật Tân sinh năm 1947. Trước năm 1975, ông Tân là Trung-Sĩ thuộc đơn vị Thám-Sát của Phòng Cảnh-Sát Ðặc-Biệt Tỉnh Quảng-Nam.
            Sau khi mất Nước ông Tân trốn vào Rừng Lá (Căn cứ 7) gia nhập tổ chức kháng cộng có tên là :”Việt-Nam Phục Hồi Nhân-Quyền”.
            Ông Tân bị kẻ thù bắt vào ngày 12.9.1979 và bị chúng kết án tử hình cùng với bốn chiến hữu khác của ông. Nhưng sau đó chúng chuyển anh qua án tù chung thân. Sau 19 năm bị đày đọa trong lao tù. Ngày 24.10.1998 Do lệnh đặc xá, ông Tân được phóng thích vào ngày 24.10. 1998 cùng với các ông Ðòan Viết Họat, Nguyễn  Ðan Quế, Trần Mạnh Quỳnh.
            Vì gia sản ông bị CSVN tịch biên, nên ông phải sống cảnh vô gia cư, nương nhờ vào bà con, bằng hữu.
            Nhưng theo ông Phạm-Văn-Thành, người đã từng ở tù chung và sau này, có thời từng  cùng họat động chung với Luật-Sư Hòang Duy Hùng cho hay: Ngày 15.4.1999 ông Phạm Văn Thành có nhận được tin từ Việt-Nam thì ông Tân còn đang bị giam tại trại giam Nam Hà.
            Ông Trương Nhật Tân là một chiến sĩ, không hề khuất phục sự bạo ngược của cộng sản. Bài thơ BƯỚC CHÂN với bút hiệu Vũ Bình Nam dưới đây ông sáng tác tại trại giam A.20 Phú Khánh nhân lễ tưởng niệm năm thứ 6 ngày Phó Ðề Ðốc Hòang Cơ Minh đã đền nợ Nước trong chiến dịch Ðông-Tiến II vào lúc khoảng 10 giờ sáng ngày 28.8.1987 tại vùng hạ Lào
             Bài thơ nầy do ông Phạm Văn Thành cung cấp.

                                      BƯỚC CHÂN
                                                                          
                                                                           Vũ-Bình-Nam

                                
                              Lần đầu tiên tôi biết đến tên anh
                                      Cũng là lúc anh trở thành Liệt Sĩ!
                                      Anh đã về với Non-Sông hùng vĩ,
                                      Phất cao cờ của Chiến Sĩ Tự Do.

                                     Bước chân anh cả Dân Tộc reo hò,
                                     Theo từng chặng Binh đoàn anh Ðông Tiến.
                                     Chí nguyện quân tung-hòanh trên trận tuyến
                                     Ðạp xác thù băng lửa đạn xông pha.

                                     Anh về đây viết lại bản hùng ca,
                                     Theo tiếng gọi Sơn hà đang thôi thúc
                                     Từ hải ngọai lời thề đơn giản nhất,
                                     Ðòi Tự Do cho Dân Tộc đọa đày.

                                     Cánh chim Bàng đã xẻ gió tung mây,
                                     Về đất Mẹ sau bao ngày vong-quốc.
                                     Mưa cao nguyên giữa rừng thiêng gió buốt,
                                     Nắng hạ Lào như trút lửa hờn căm.

                                     Trước Tử thần đôi mắt vẫn đăm đăm,
                                     Truyền sứ mệnh: Sẳn sàng hô quyết chiến.
                                     Tay súng thép của đoàn quân Chí Nguyện,
                                     Dậy đất trời rung chuyển cả Trường Sơn.

                                     Mỗi bước chân – Từng vết máu căm hờn,
                                     Tìm hướng giặc lao mình, quân xông tới.

                                     Nhưng Dân Tộc viết chưa tròn trang sử mới,
                                     Chiến trường xa anh vội bỏ đi rồi.
                                     Rừng Cao nguyên hoang nấm mộ đơn côi,
                                    Trong khám lạnh tôi bồi hồi luyến tiếc.

                                    Tên của anh, lần đầu tiên tôi biết,
                                    Cũng là lần anh vĩnh biệt trần-gian.
                                    Anh chết đi cho Tổ Quốc hiên ngang,
                                    Cho Dân Tộc triệu Hoàng Cơ-Minh khác.
                     
                                     Mãi đứng lên như con Hồng, cháu Lạc,
                                     Ðã bao lần đi phạt Bắc, bình Nam.
                                     Ðánh tới cùng, quét sạch lũ tàn tham,
                                    Giành Ðộc-lập trên vòm trời Ðông Á.

                                     Anh chết đi hẳn chưa tròn chí cả,
                                     Nhưng Giống Nòi đã mãi gọi tên anh.
                                     Người con yêu của Tổ Quốc liệt-oanh,
                                     Ðường Ðông Tiến tung hoành trên bốn bể.

                                     Tiếc thương anh đất trời như rớm lệ,
                                     Mãi tự-hào cho thế hệ mai sau.
                                     Tôi nghe lòng dậy thương đau,
                                     Như từng tha thiết với nhau thuở nào.
                                     Ðưng chung trên một chiến hào,
                                     Quốc thù đã có đồng-bào thay Anh.

                   Vũ-Bình-Nam
                       28.8.1993
    Trại giam A.20 Xuân Phước, Phú Khánh
    Tưởng-niệm năm thứ sáu. Ngày Liệt sĩ
    Hòang Cơ-Minh cùng các Chí Nguyện
    thuộc quyền đền nơ Nước tại Vùng Hạ Lào.