Tuesday, January 10, 2012

                     SƯU-TẦM NHỮNG BÀI THƠ TÙ
                  DƯỚI CHẾ-ÐỘ CSVN SAU 30.4.1975

        Sau quốc biến 2.9.1945 và sau quốc nạn 30.4.1975, đảng CSVN trung-thành với chủ nghĩa cộng sản bạo tàn dưới sự chỉ đạo của đế quốc Nga sô và Tàu cộng đã phủ chụp xuống Tổ-Quốc VN những đổ nát hoang tàn; gây bao thảm họa ly hận, máu lệ kết tụ ngút ngàn phẫn hận:
            Máu đã không đổ lan tràn ,
            Nhưng đã âm thầm ngấm sâu vào đất.
            Một Việt-Nam thống nhất,
            Nhưng Việt-Nam đã mất hết tính người.
                                                Hà-Thúc Như-Hỷ
      Chìm trong bão máu lệ oan khiên ấy, toàn dân Việt bị giam cầm tại hai trại tù nghiệt ngã: Sĩ Quan, viên chức, cán bộ VNCH; các đảng phái Quốc Gia, các văn nghệ sĩ, các nhà tu hành, những nhà ái quốc, những chiến sĩ vì lương tâm đấu tranh, những lương dân chơn chất mộc mạc bị đày ải trong ngục tù khổ sai nô lệ. Cuộc đời thường chính là nhà tù lớn, dành cho kiếp nô dân lầm than uất hận.
      Nô dân thì dùng loại văn chương bình dân như hò, vè, nói lái, ca dao và lấy truyền khẩu dân gian làm phương tiện lưu chuyển nỗi phẫn hận và những ước mơ được làm người của họ. Tù nhân, và những người thân yêu của họ  dù bị đắng cay khổ nhục, dù bị kềm kẹp bạo ngược họ vẫn sáng tác. Những sáng tác ấy  thai nghén, tượng hình trong cảnh cùng khổ, trong điều kiện khắc nghiệt. Những tác phẩm ấy là những cảnh đời tan nát. Những sáng tác ấy cần phải được lưu giữ, vì đó là những chứng tích lịch sử, là những bông hoa mượt mà hương sắc nhưng đẫm tràn máu lệ.
       Trong ý nghĩa nầy, chúng tôi xin đề nghị: Chúng ta cần sưu tầm góp nhặt những hạt ngọc máu ấy. Ðó chính là một phần trong giòng văn học sử Việt-Nam. Phần văn học sử nầy đánh dấu giai đoạn tang thương điêu tàn khốc liệt nhất của Dân Tộc dưới sự thống trị man rợ của tập đoàn CSVN hoàn toàn mất hết, mất hẳn tính người. Những sáng tác đó bao gồm : Thơ, văn, nhạc và họa.
       Ðể tạo điều kiện dễ dàng cho những nhà nghiên cứu, nên chúng ta cố tìm thêm những chi tiết chung quanh sáng tác ấy, càng nhiều chi-tiết càng quý như tên tác giả, thời gian, không gian và hoàn cảnh tác phẩm ra đời, hậu quả do tác phẩm ấy đối với tác giả và những người liên quan, hay ảnh hưởng, sự lưu truyền tác phẩm; hoặc là chúng ta biết được tác phẩm ấy trong trường hợp nào …...
     Ðể mở đầu, chúng tôi xin trình hai bài thơ: Một bài do thi sĩ khuyết danh, phu nhân của một Sĩ Quan bị tù cải tạo, và một bài của một tù nhân chính trị.

         I.-Bài I:
            Bài thơ dưới đây, chúng tôi trích trong tác phẩm: “ Những bước chân tù ” (Tức Bác-Sĩ bất đắc dĩ) của Tác giả Chánh-trung. Nhân đây, chúng tôi chân thành và trân trọng kính xin tác giả cho phép chúng tôi được phổ biến. Vì không có điều kiện để xin phép trực tiếp, xin tác giả vui lòng xem đây là lời kính xin phép trực tiếp.

                                                 NỖI LÒNG THIẾU-PHỤ
                                               (Nguyên tác của nữ thi-sĩ khuyết-danh)
                                                 
                                                  Đêm nay chẳng ngủ anh biết không?
                                                  Em gom thi tứ viết cho chồng
      Thương anh em khóc trên từng chữ
      Thơ lạnh hơn trời đêm lập đông
                            *
      Thơ viết cho anh giữa chốn nầy
      Ðâu lời mật ngọt chuốc hương say
      Thân anh cá chậu chim lồng ấy
      Ðịnh mệnh an bài bao đắng cay
                            *
      Bốn năm thiếu phụ ở bên song
      Năm tuổi đời em ngóng đợi chồng
      Thiên hạ bốn mùa thiên hạ có
      Riêng em chỉ có một mùa đông
                         *
      Chinh chiến ngày xưa lắm đọan trường
      Hòa bình giờ lại qúa đau thương
      Sài Gòn - Nghệ Tỉnh xa xôi quá
      Anh ở, em về bao vấn vương
                                        *
      Em ngở ngàng anh đã phụ em
      Xót xa tình ái lạnh môi mềm
      Anh đi biền biệt không về nữa
      Anh của lòng em sao nở quên
                            *
      Bên cầu em đứng, đợi, chờ, trông
      Ðông quá mà sao vắng bóng chồng
      Anh hởi ! Anh ơi ! ngày hai buổi
      Ði về anh có nhọc nhằn không ?
                            *
      Rút thơ trao lén lại quay đi
      Trời hởi ! Trời ơi ! có tội gì ?
      Ðoàn người cải tạo về ngang đó
      Cúi mặt thương chồng lệ ướt mi
                            *
      Anh vững tin em mãi đợi chờ
      Anh về em mới hết bơ vơ
      Bến xưa vẩn đợi con đò cũ 
     Tàu đổ về ga, ôi ước mơ
            
                                              Một người vợ thăm chồng cải tạo 11.1979

              Bài II:
             Trong lúc trình bày ý muốn sưu tầm những bài thơ như đã kính trình , tình cờ chúng tôi  được một người chưa từng đuợc trò chuyện. Ông có biết một bài thơ của một tù nhân chính trị, sáng tác trong tù. Sau khi về nhà, vị ấy gọi điện thọai và dọc cho tôi bài thơ cùng một ít chi tiết mà ông có. Chi tiết về bài thơ ấy như sau:
            Ngày 21.3.1999 ông Ðào-văn-Bình  Chủ tịch Tổng-Hội Tù Nhân Chính-Trị Việt Nam nhận đuợc thư của một cựu tù nhân chính trị đang cư ngụ tại South Carolina cho biết về một trường hợp đáng thương và sau đó ông Bình với phương vị của mình, ông ra lời kêu gọi giúp đở cựu tù nhân chính trị Việt Nam tên Trương Nhật Tân. Trong lời kêu gọi ấy ông Bình cho biết  sơ lược về Ông Tân như sau:
            Ông Trương Nhật Tân sinh năm 1947. Trước năm 1975, ông Tân là Trung-Sĩ thuộc đơn vị Thám-Sát của Phòng Cảnh-Sát Ðặc-Biệt Tỉnh Quảng-Nam.
            Sau khi mất Nước ông Tân trốn vào Rừng Lá (Căn cứ 7) gia nhập tổ chức kháng cộng có tên là :”Việt-Nam Phục Hồi Nhân-Quyền”.
            Ông Tân bị kẻ thù bắt vào ngày 12.9.1979 và bị chúng kết án tử hình cùng với bốn chiến hữu khác của ông. Nhưng sau đó chúng chuyển anh qua án tù chung thân. Sau 19 năm bị đày đọa trong lao tù. Ngày 24.10.1998 Do lệnh đặc xá, ông Tân được phóng thích vào ngày 24.10. 1998 cùng với các ông Ðòan Viết Họat, Nguyễn  Ðan Quế, Trần Mạnh Quỳnh.
            Vì gia sản ông bị CSVN tịch biên, nên ông phải sống cảnh vô gia cư, nương nhờ vào bà con, bằng hữu.
            Nhưng theo ông Phạm-Văn-Thành, người đã từng ở tù chung và sau này, có thời từng  cùng họat động chung với Luật-Sư Hòang Duy Hùng cho hay: Ngày 15.4.1999 ông Phạm Văn Thành có nhận được tin từ Việt-Nam thì ông Tân còn đang bị giam tại trại giam Nam Hà.
            Ông Trương Nhật Tân là một chiến sĩ, không hề khuất phục sự bạo ngược của cộng sản. Bài thơ BƯỚC CHÂN với bút hiệu Vũ Bình Nam dưới đây ông sáng tác tại trại giam A.20 Phú Khánh nhân lễ tưởng niệm năm thứ 6 ngày Phó Ðề Ðốc Hòang Cơ Minh đã đền nợ Nước trong chiến dịch Ðông-Tiến II vào lúc khoảng 10 giờ sáng ngày 28.8.1987 tại vùng hạ Lào
             Bài thơ nầy do ông Phạm Văn Thành cung cấp.

                                      BƯỚC CHÂN
                                                                          
                                                                           Vũ-Bình-Nam

                                
                              Lần đầu tiên tôi biết đến tên anh
                                      Cũng là lúc anh trở thành Liệt Sĩ!
                                      Anh đã về với Non-Sông hùng vĩ,
                                      Phất cao cờ của Chiến Sĩ Tự Do.

                                     Bước chân anh cả Dân Tộc reo hò,
                                     Theo từng chặng Binh đoàn anh Ðông Tiến.
                                     Chí nguyện quân tung-hòanh trên trận tuyến
                                     Ðạp xác thù băng lửa đạn xông pha.

                                     Anh về đây viết lại bản hùng ca,
                                     Theo tiếng gọi Sơn hà đang thôi thúc
                                     Từ hải ngọai lời thề đơn giản nhất,
                                     Ðòi Tự Do cho Dân Tộc đọa đày.

                                     Cánh chim Bàng đã xẻ gió tung mây,
                                     Về đất Mẹ sau bao ngày vong-quốc.
                                     Mưa cao nguyên giữa rừng thiêng gió buốt,
                                     Nắng hạ Lào như trút lửa hờn căm.

                                     Trước Tử thần đôi mắt vẫn đăm đăm,
                                     Truyền sứ mệnh: Sẳn sàng hô quyết chiến.
                                     Tay súng thép của đoàn quân Chí Nguyện,
                                     Dậy đất trời rung chuyển cả Trường Sơn.

                                     Mỗi bước chân – Từng vết máu căm hờn,
                                     Tìm hướng giặc lao mình, quân xông tới.

                                     Nhưng Dân Tộc viết chưa tròn trang sử mới,
                                     Chiến trường xa anh vội bỏ đi rồi.
                                     Rừng Cao nguyên hoang nấm mộ đơn côi,
                                    Trong khám lạnh tôi bồi hồi luyến tiếc.

                                    Tên của anh, lần đầu tiên tôi biết,
                                    Cũng là lần anh vĩnh biệt trần-gian.
                                    Anh chết đi cho Tổ Quốc hiên ngang,
                                    Cho Dân Tộc triệu Hoàng Cơ-Minh khác.
                     
                                     Mãi đứng lên như con Hồng, cháu Lạc,
                                     Ðã bao lần đi phạt Bắc, bình Nam.
                                     Ðánh tới cùng, quét sạch lũ tàn tham,
                                    Giành Ðộc-lập trên vòm trời Ðông Á.

                                     Anh chết đi hẳn chưa tròn chí cả,
                                     Nhưng Giống Nòi đã mãi gọi tên anh.
                                     Người con yêu của Tổ Quốc liệt-oanh,
                                     Ðường Ðông Tiến tung hoành trên bốn bể.

                                     Tiếc thương anh đất trời như rớm lệ,
                                     Mãi tự-hào cho thế hệ mai sau.
                                     Tôi nghe lòng dậy thương đau,
                                     Như từng tha thiết với nhau thuở nào.
                                     Ðưng chung trên một chiến hào,
                                     Quốc thù đã có đồng-bào thay Anh.

                   Vũ-Bình-Nam
                       28.8.1993
    Trại giam A.20 Xuân Phước, Phú Khánh
    Tưởng-niệm năm thứ sáu. Ngày Liệt sĩ
    Hòang Cơ-Minh cùng các Chí Nguyện
    thuộc quyền đền nơ Nước tại Vùng Hạ Lào.

No comments:

Post a Comment