TRẬN CHIẾN XÓT XA
Ðỗ Thái Nhiên
Người ta gọi mỗi đụng độ giữa người với người là một trận chiến : không chiến, hải chiến, bộ chiến, bút chiến, khẩu chiến... Nhắc tới trận chiến, người ta lập tức nghĩ đến hận thù nghi ngút, sát khí đằng đằng. Tuy nhiên riêng tôi, bằng bài viết này tôi sẽ phải bước vào một trận chiến với tất cả xót xa. Thế nào là trận chiến xót xa? Phải chăng nỗi xót xa sẽ làm giảm sức bền và sức mạnh của trận chiến? Nguyên nhân nào đã dẫn đến trận chiến xót xa. Tại sao biết trước là xót xa nhưng vẫn phải ứng chiến? Tôi xin phép được trả lời các thắc mắc vừa nêu bằng phần trần thuật và phần phân tích như sau :
Trần thuật sự việc
Ðược phát hành ngày 22 tháng Giêng năm 1989, báo Thời Luận Xuân Kỷ Tỵ trang 37 và các trang tiếp theo đã cho đăng tải một truyện ngắn có tựa đề “Gặp gỡ ngày cuối năm” của nhà văn Nhật Tiến.
Chuyện xảy ra trong một trại tù cải tạo giữa một đại tá VC và một người tù cải tạo. Họ là anh em ruột : đại tá là anh, tù là em. Họ có ba mươi năm không gặp nhau và có thêm năm năm cuộc gặp mặt bị người em từ chối. Cuối cùng do lời trăn trối của người cha, hai anh em đã gặp nhau. Cuộc gặp gỡ đã được mở đầu bằng thái độ “không đội trời chung” của người tù. Người em nói thẳng ước muốn của mình : “Nếu tôi có súng tôi có thể bắn anh mà không một mảy may thương xót gì.” Câu nói hung hãn của người tù đã được viên đại tá đáp lễ bằng cách cho rằng bắn chết một cá nhân sẽ chẳng thay đổi được gì. Mặt khác, vẫn theo ý kiến của đại tá VC, nếu cho rằng bắn giết lẻ tẻ để nuôi căm thù chờ ngày quần chúng nổi dậy lật đổ bạo quyền thì lại càng vô lý bởi hai lý do:
- Phần đông sĩ quan cải tạo về đều ôm ước mơ đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài. Ðó là một hình thức tháo chạy.
- Quần chúng không thể nổi dậy vì quá bận rộn với việc chạy cơm.
Cầm nắm hai lý do nêu trên cộng với lời trăn trối của ông bố và ước muốn “nối lại sợi dây ràng buộc gia đình”, viên đại tá hối thúc người em hãy làm tính cộng chứ đừng làm tính trừ, hãy kết hợp chứ đừng thù hận. Có như vậy đại tá VC mới có thể là “bạn đồng hành của chú.” Tuy nhiên, khi người tù nêu câu hỏi : phải chăng đồng hành có nghĩa là “cùng nắm tay xây dựng cái chế độ CS phi nhân của anh?” Viên đại tá đã tránh né trả lời câu hỏi này bằng cách bảo rằng CS đã lỗi thời, rằng CS đã thay đổi bản chất từ lâu rằng “chúng nó chỉ níu lấy điều giả trá để mưu cầu đặc quyền đặc lợi cho bè lũ phe nhóm của mình,” rằng “nếu phải dùng danh từ ngụy thì chính chúng nó ngụy hơn ai hết” và rằng: “Chỉ có những thằng ngu cho tới bây giờ mới tin tưởng chủ nghĩa CS sẽ mang lại ấm no và hạnh phúc cho nhân loại.”
Sau một lúc sôi nổi “tố cộng”, viên đại tá tiếp tục dịu dàng “chiêu hồi” người em tù: “...Tôi cho rằng gặp nhau để rồi vẫn thù hận về sau thì sự gặp gỡ chẳng mang lại ý nghĩa gì... Mà tại sao ta phải làm như thế trong khi mọi sự đều đổi thay?... Tại sao không thể nhìn nhận nhau để toan tính một cái gì mới mẻ cho quê hương?”
Mặc cho lời lẽ chiêu hồi đầy tình tự quê hương, người tù vẫn “lạnh lùng” báo cho ông anh đại tá biết : “Nếu có điều kiện thì chắc chắn tôi sẽ toan tính một cái gì với bất cứ ai, trừ những tên cán bộ CS.” Câu nói vừa nêu đã làm cho cuộc gặp gỡ đột ngột trở nên căng thẳng : người em ngỏ ý nếu có súng, y sẽ bắn người anh, viên đại tá lập tức chiều ý em bằng cách rút khẩu súng ở phía sau thắt lưng ra và ném lên bàn :
- Có súng rồi đó, chú bắn đi!
Phản ứng bất ngờ của viên đại tá vừa làm cho người tù “cảm thấy thiếu can đảm để cầm súng lên tay, vừa đẩy người tù rơi vào tình trạng lúng túng trước phong cách hào hiệp của người anh". Từ đó người tù tin rằng: “Trong hàng ngũ của những kẻ mà chú coi là thù nghịch, thật ra vẫn còn ẩn chứa những nhân tố có thể đem áp dụng toán cộng chứ không phải toán trừ.” Cuối cùng, hai anh em bắt tay nhau và lần đầu tiên người tù “có cảm giác buốt nhói của một tình thân thiết ruột thịt.”
Phân tích “Gặp gỡ ngày cuối năm”
Hẳn nhiên, đối tượng của nhà văn bao giờ cũng là độc giả. Nhà văn viết cho độc giả. Thế nên điều quan trọng không là những gì nhà văn suy nghĩ trong khi cầm bút mà chính là những gì đã tác động vào tâm trí của độc giả sau khi họ đọc xong tác phẩm của nhà văn. Nhà văn làm cho độc giả cảm thấy thư thái sau những đấu vật với đời sống : độc giả cảm tạ nhà văn. Nhà văn dìu dắt độc giả tìm lại niềm tin trong cảnh vô cùng : độc giả tri ân nhà văn. Nhà văn đưa dẫn độc giả trong tăm tối của lịch sử tiến tới con đường phục hồi sinh mệnh dân tộc : độc giả tôn vinh nhà văn. Thế nhưng nếu nhà văn lôi cuốn độc giả bước vào một giao thông hào vòng vo hình chữ Z để rồi cuối giao thông hào đó cả nhà văn lẫn độc giả đều ngơ ngác trước một bãi kẽm gai mênh mông, bạt ngàn : độc giả sẽ phản kháng nhà văn bằng tất cả sức mạnh của mọi hình thức phản kháng.
Có thể nói được rằng “Gặp gỡ ngày cuối năm” là một truyện ngắn chuyên chở đầy ắp tư tưởng chính trị. Tuy nhiên, những tư tưởng chính trị này lại rối tung như những lùm kẽm gai. Lùm kẽm gai này ẩn giấu toan tính dùng lòng khoan dung của đạo đức giả để che lấp nghĩa vụ phục hoạt dân sinh. Lùm kẽm gai nọ hàm chứa quan niệm cho rằng nếu cây roi được đặt nằm song song với củ cà rốt thì dòng lịch sử sẽ êm ả trôi bất tận giữa hai đường song song vừa kể. Lùm kẽm gai kia bao gồm mọi nỗ lực kết nối những ý kiến đối nghịch lẫn nhau về Cộng Sản, những ý kiến này “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” đến độ độc giả không thể có kết luận dứt khoát về quan điểm của Nhật Tiến đối với Cộng Sản. Bây giờ tôi xin phép phân tích từng lùm kẽm gai một để sau đó tôi có thể trình bày những cảm nghĩ tổng quát của tôi sau khi đọc xong “Gặp gỡ ngày cuối năm.”
1) Nhật Tiến và đấu tranh phản kháng:
Người ta thường bảo : sống là đấu tranh. Ðấu tranh để tự thắng và đấu tranh để làm chủ mọi hiện tượng sống trong đời người. Tuy nhiên không phải đấu tranh nào cũng kết thúc bằng chiến thắng. Ðấu tranh không cân đo thắng bại gọi là đấu tranh phản kháng. Nhân cách cao cả của một người không thể là gì khác hơn là ý chí phản kháng : phản kháng những phi lý của đời sống. Tại Việt Nam ngày nay, phi lý lớn lao nhất nằm ở sự thể quyền lợi kinh tế của toàn dân đã bị đảng CSVN biến thành quyền lợi riêng của họ. Trong hoàn cảnh vừa nói, phàm là người Việt tự trọng không thể không dự phần vào cuộc đấu tranh phản kháng Cộng Sản. Tùy theo tình huống, tư tưởng phản kháng có thể lịch sự bộc lộ từ ngôn ngữ, cũng có thể nóng bỏng phát nổ từ viên đạn.
Thế nhưng khi người tù trong “Gặp gỡ ngày cuối năm” ngỏ ý muốn bắn hạ Việt cộng, Nhật Tiến đã không ngần ngại kết luận rằng đó là một ý muốn “điên rồ” vì loại đi một cá nhân sẽ chẳng có gì thay đổi đâu, và vì nó sẽ làm tăng lòng thù hận từ phía giai cấp thống trị. Thái độ của người tù hiển nhiên là thái độ ngạo nghễ của một chiến sĩ phản kháng. Trong đấu tranh phản kháng, có rất nhiều tác vụ không nhằm tức thời lật đổ chế độ mà chỉ nhằm biểu dương một phản kháng có tính triết lý, hoặc chỉ nhằm nêu cao gương anh dũng với chủ ý khuyến cáo mọi người hãy bền chí trong đấu tranh chống bạo quyền. Tiếng bom Sa Ðiện của Phạm Hồng Thái là thí dụ điển hình và ngời sáng của lịch sử đấu tranh phản kháng. Dĩ nhiên can đảm phản kháng hàm ngụ can đảm chấp nhận hậu quả của phản kháng. Lo sợ hành vi phản kháng sẽ làm tăng mức độ hà khắc của chế độ độc tài, chỉ là lo sợ của những kẻ muốn lành bệnh nhưng lại rất sợ thuốc đắng. Thay vì thành thực nhìn nhận tâm lý sợ thuốc đắng, những kẻ ngại chống Cộng đã làm ra vẻ cao thượng trong lời kêu gọi lấy tình thương xoá bỏ hận thù. Thù chưa trả được trở thành hận. Hận thù chính là quyết ý trả thù. Trên bình diện quyền lợi cá nhân, trả thù chỉ là một trao đổi đơn giản : răng đổi răng, mắt đổi mắt. Trên bình diện quyền lợi dân tộc, trả thù phải là hành động sắt thép trong đòi hỏi : hãy chấm dứt mọi nỗ lực bóp méo dân tộc tình, dân tộc tính hãy để cho dòng tâm sinh mệnh dân tộc được vận hành một cách thuận hợp theo đúng tự tính của dân tộc. Thế nên nhắc đến hận thù, người ta phải nghiêm túc phân định hận thù của cá nhân hay hận thù của dân tộc. Nếu là hận thù cá nhân thì các cá nhân đương sự có thể tùy tiện dĩ hòa vi quý, tùy tiện đem tình thương xóa bỏ hận thù. Nhưng nếu là hận thù nằm trong hồn sử của dân tộc thì không cá nhân nào, không đoàn thể nào được phép đại diện cho quyền lợi của dân tộc để kêu gọi mọi người hãy xóa bỏ hận thù nhằm đổi lấy an thân hoặc nhằm được tiếng là bao dung, là độ lượng. Hận thù của một dân tộc chỉ có thể giải trừ bằng một phương cách duy nhất, đó là sự triệt để vãn hồi tính trong lành cho dòng tâm sinh mệnh dân tộc. Dĩ nhiên đấu tranh giai cấp cũng như sự việc cộng sản cưỡng chiếm toàn bộ quyền lợi kinh tế của dân tộc là những vi khuẩn độc hại cần phải loại bỏ ra khỏi cơ thể dân tộc. Nói tới loại bỏ, nói tới đấu tranh và hận thù, người ta không thể không nghĩ đến bạo lực. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn bạo lực dưới ba góc cạnh khác nhau :
- Trong thường thái : tức là trong hoàn cảnh bình thường, tương quan giữa người với người là tương quan hòa hài, mọi hình thức bạo lực đều không được chấp nhận.
- Trong bệnh thái : người ta xử dụng bạo lực để thực hiện dục vọng “cá lớn nuốt cá bé”. Dục vọng này, hiện tại Việt Nam Cộng Sản đang che đậy dưới lớp áo “yêu Bác, yêu Ðảng”
- Trong phi thường thái : toàn bộ chi thể của dân tộc có nghĩa vụ phải vận dụng bạo lực để đưa xã hội từ bệnh thái trở về thường thái. Ðấu tranh chống CSVN ngày nay chính là đấu tranh phi thường thái.
Xin đừng đồng hóa đấu tranh phi thường thái với hận thù cá nhân. Xin đừng mạt sát những phản kháng trong đấu tranh phi thường thái là “điên rồ”. Trên đường đi từ phi thường thái về thường thái, xin đừng than khóc cảnh nồi da xáo thịt, xin đừng kêu gọi hòa hợp hòa giải. Tập đoàn nào cho đến nay vẫn cẩn thận nghiên cứu lý lịch ba đời của người dân trước khi ban cho đương sự một việc làm với lương tháng trị giá ba tô phở ? Tập đoàn nào đã giết hại hàng triệu người Việt qua những gian mưu trong mặt trận Việt Minh, trong 20/7/1954, trong 30/4/1975 và trong hàng loạt những vụ tước đoạt tài sản của nhân dân ?
Tập đoàn nào đã và đang cứng rắn trong phân biệt đối xử giữa đảng viên và quần chúng, giữa kẻ vô thần và người có tín ngưỡng ? Tại sao lời kêu gọi xóa bỏ hận thù không nhằm vào CSVN mà lại nhằm vào những người tù trên răng vỡ dưới khố rách, lại nhằm vào những người sống kiếp lưu vong ngày đêm tim óc thường xuyên bị đục phá bởi lòng thương nhớ quê cũ đọa đày ?
2) Nhật Tiến và lịch sử quan :
Lịch sử quan là mắt nhìn về lịch sử. Nhìn để thấy, để hiểu, và để tiên liệu. Muốn có lịch sử quan, người ta phải học hiểu về thời cơ luận. Thời cơ luận là môn học giải thích và minh chứng mỗi gắn bó cũng như mỗi đổ vỡ giữa thời và cơ trong dòng lịch sử. Nói một cách tổng quát nhất, bằng vào những giải thích và minh chứng vừa kể, và bằng vào những hiểu biết tròn đầy về qui luật vận động và phát triển của vũ trụ, của nhân sinh và của chính trị, thời cơ luận đã xác quyết rằng bất kỳ hành vi nào xâm hại đến quyền sống của con người, chà đạp nhân bản, nhân tính, nhân chủ, lập tức hành vi đó sẽ bị loài người phản kháng, do vậy bánh xe lịch sử chuyển động. Ðó là ý nghĩa cốt lõi của lịch sử quan.
Dĩ nhiên, không phải bánh xe lịch sử bao giờ cũng có khả năng vận hành một cách bén nhạy. Rất nhiều khi bánh xe lịch sử bị tắc nghẽn bởi những phản động lực, còn gọi là những lực phản xu thế. Tuy nhiên tình trạng tắc nghẽn này có tính cách tạm thời, không sớm thì muộn, chắc chắn lịch sử sẽ đào thải những lực phản xu thế. Biết bao chế độ độc tài đã phải trả giá bằng chính xương máu của họ về sự thể họ đã cả gan dám chống lại xu thế của lịch sử.
Trong “Gặp gỡ ngày cuối năm”, Nhật Tiến đã luận về lịch sử một cách hết sức đơn giản. Dùng lời lẽ của viên đại tá, Nhật Tiến mạnh dạn giải thích lịch sử như sau :
“Chú ở tù năm năm rồi mà còn ấu trĩ đến thế à ? Phải nói rằng chính sách cải tạo không nhằm dạy dỗ các chú trở thành những con người Cộng sản mà mục đích của nó là nhằm tiêu diệt khả năng đề kháng của những người ở phe chú. Thành quả của nó thế nào, chú đã thấy. Phần đông sĩ quan cải tạo về đều ôm mơ ước là đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài. Ðó có phải là một hình thức tháo chạy hay không ? Còn nhân dân nổi dậy ? Họ làm sao nổi dậy được khi chính những người có khả năng chiến đấu, lãnh đạo như các chú cũng chỉ có một ước mơ là ra đi, và mặt khác, làm sao họ nổi dậy được khi mà đời sống bây giờ đã thu gọn họ vào có một điều kiện duy nhất là lo chạy vạy để có miếng cơm hàng ngày. Chủ trương thắt bao tử để cai trị của chính quyền nó có tác dụng ghê gớm như thế nào, chú chưa nhìn ra hay sao ?”
Qua câu nói vừa rồi của viên đại tá, Nhật Tiến muốn khẳng định hai điều :
1) Chính sách cải tạo của CSVN đã hoàn toàn thành công, đã đánh gục được khả năng đề kháng của những người tù.
2) Chủ trương thắt bao tử để cai trị của “chính quyền” CSVN đã có tác dụng ghê gớm.
Ðối với Nhật Tiến hai sự kiện kể trên đã kết thành sợi dây xích khóa chặt bánh xe lịch sử : tù cải tạo về đã tháo chạy bằng cách đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài, nhân dân vĩnh viễn không thể nổi dậy. Phải chăng cây gậy cải tạo và củ cà rốt đối với bao tử thắt lại có đủ khả năng giúp cho một chế độ độc tài không bao giờ có thể bị lật đổ ? Phải chăng phần đông (có nghĩa là đa số quá bán) tù cải tạo đều “tháo chạy” và khi chạy được ra nước ngoài, những tù “tháo chạy” này đã hoàn toàn không còn nghĩ gì đến quê hương ? Phải chăng quần chúng là bầy cừu, tù cải tạo là giới chăn cừu. Vắng mặt giới chăn cừu, khả năng phản kháng chế độ độc tài của quần chúng bị triệt để bẻ gãy? Các câu hỏi vừa kể đều có thể bị trả lời bằng những cái lắc đầu từ phía những người có công tâm và có hiểu biết trung bình, đôi khi người ta cũng có thể bắt gặp một vài cái gật đầu từ phía những kẻ ấu trĩ.
Không có sự chối cãi rằng “cải tạo” và “thắt bao tử” là hai chính sách đã gây sức nén đối với lịch sử. Nhưng cũng không có sự chối cãi rằng sau sức nén là sức nổ. Sức nổ chính là động lực giúp bánh xe lịch sử chuyển động. Khoảng thời gian từ sức nén đến sức nổ là bao lâu ? Thắc mắc này không thể giải đáp bằng tâm lý nóng nảy của cá nhân trong dòng thời gian. Ðối với cá nhân, một hai thập niên là quá dài. Ðối với lịch sử, một hai thập niên chỉ là một thoáng thoi đưa. Ðiều quan trọng không ở một hay hai thập niên, điều quan trọng nằm ở chân lý “có nén tức có nổ”. Nén là chà đạp quyền làm người. Nổ là phá vỡ thế lực chống đối nhân quyền. Thời gian từ nén đến nổ sẽ được thâu ngắn nếu người ta biết vận dụng qui luật chi phối đòn bẫy giữa tĩnh và động. Làm cho hiện tượng nổ sớm xảy ra là nghĩa vụ của mọi người dân trong giai đoạn lịch sử dân tộc đen tối.
Nhật Tiến chỉ thấy sức nén chứ không thấy sức nổ. Vì vậy Nhật Tiến chỉ biết luận về lịch sử chung quanh sức nén như một thái độ khiếp sợ và an thân. Luận về lịch sử theo kiểu Nhật Tiến đã làm cho người cùng với độc giả của Nhật Tiến “bị trôi xuống cơn dốc của nỗi tuyệt vọng” và cảm thấy: “Nhược hẳn người ra.” Ðó là sai lầm căn bản của Nhật Tiến về lịch sử quan. Và, đó cũng là điều mà Nhật Tiến nên ân cần xin lỗi độc giả của ông ta.
3) Nhật Tiến và mắt nhìn đối với Cộng Sản :
Chỉ bằng một chuyện ngắn, Nhật Tiến đã để lộ hai quan điểm mâu thuẫn về Cộng sản.
- Quan điểm 1: quan điểm chống Cộng dứt khoát : “Chỉ những thằng ngu thì cho tới bây giờ mới còn tin tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân loại.”
Hoặc :
“Chúng nó chỉ níu lấy điều giả trá để mưu cầu đặc quyền, đặc lợi cho bè lũ, phe nhóm của mình. Chú nhìn kỹ mà xem, chúng nó nêu chiêu bài chống phong kiến bóc lột, nhưng trong đời sống thực tế, chúng nó phong kiến hơn ai hết. Chúng nó nêu khẩu hiệu “không có gì quý hơn độc lập tự do” nhưng chúng nó tước đoạt độc lập tự do của con người hơn ai hết. Nếu phải dùng danh từ ngụy thì chúng nó ngụy hơn ai hết.”
- Quan điểm 2 : quan điểm này cho rằng những người chống Cộng cần phải được giải trừ khỏi những ám ảnh bởi hai chữ Cộng sản vì : “Chủ nghĩa Cộng sản thuần túy đã biến đổi bản chất của nó từ lâu rồi. Hãy cứ nhìn cái cảnh những tên lãnh tụ siêu cường qua lại thăm viếng nhau và cụng với nhau những ly sâm banh thì đủ thấy.”
Và vì :
“Tôi cho rằng gặp nhau để rồi vẫn hận thù về nhau thì sự gặp gỡ chẵng mang lại ý nghĩa gì. Mà tại sao ta phải làm như thế trong khi mọi sự đều đã đổi thay ?”
Quan điểm (2) hiển nhiên mâu thuẫn với quan điểm (1).
Nhật Tiến muốn thuyết phục độc giả chấp nhận quan điểm (2). Ðiều đáng tiếc là quan điểm (2) hoàn toàn phi lý. Người ta không hiểu Nhật Tiến đã căn cứ vào yếu tố lý luận nào để có thể khẳng định dứt khoát là “chủ nghĩa cộng sản thuần túy đã biến đổi bản chất của nó từ lâu rồi.” Thế nào là chủ nghĩa Cộng sản ? Thưa rằng chủ nghĩa Cộng sản gồm hai phần rõ rệt :
- Phần thứ I là phần lý luận triết học, phần này gồm : tiền đề triết học duy vật và công cụ lý luận duy vật.
- Phần thứ II : là phần vận dụng luận gồm sử quan duy vật, kiến trúc xã hội duy vật, văn minh duy vật và cách mạng duy vật.
Nhìn vào bố cục của chủ nghĩa Cộng Sản như đã trình bày ở trên, người ta biết ngay rằng phần I chính là phần quy định bản chất của chủ nghĩa. Cho đến ngày nay CS, kể cả CSVN, chưa hề có một thay đổi nhỏ trong phần I, còn gọi là phần trí tuệ của chủ nghĩa. Nếu phần lý luận Triết học thay đổi chủ nghĩa CS sẽ chẳng còn là CS nữa. Những thay đổi hiện nay của CS chỉ là những thay đổi trong phương pháp kinh doanh của đảng. Trước hoặc sau thay đổi, đảng CS vẫn là chủ nhân ông tối cao và duy nhất về tư tưởng cũng như về kinh tế đối với xã hội bị Cộng sản cai trị. Trước hoặc sau thay đổi, giáo dục của Cộng sản vẫn là sự triển khai triết học Duy Vật với mục đích đào tạo nhân sự để cung ứng cho nhu cầu xây dựng và củng cố sức mạnh của đảng.
Suy nghĩ về những nét sơ đẳng nhất, nhưng căn bản nhất trong cấu trúc chủ nghĩa CS và trong công trình vận dụng chủ nghĩa này vào việc khống chế xã hội Việt Nam hiện nay, tôi thực sự vô cùng ngạc nhiên khi nghe Nhật Tiến nghiêm trang xác quyết “chủ nghĩa CS thuần túy đã biến đổi bản chất của nó từ lâu rồi.” Nỗi kinh ngạc này biến thành ý nghĩ hoài nghi trình độ chính trị của Nhật Tiến vào lúc Nhật Tiến chứng minh điều được gọi là “biến đổi bản chất” bằng cách trịnh trọng viện dẫn hình ảnh : “Những tên lãnh tụ siêu cường qua lại viếng thăm nhau và cụng với nhau những ly sâm banh” như một phương pháp biện chứng trong mục tiêu xác định bản chất của biến đổi. Quả thực Nhật Tiến đã dùng tâm tính đơn giản và thật thà đến độ tội nghiệp của một bậc chân tu để giải trừ chất “mê hồn” của mặt trận chính trị.
4) Nhật Tiến và bài toán cộng :
Mặc dầu không phân biệt được hận thù trong tương quan cá nhân và hận thù trong hồn sử, mặc dầu không xác định được đâu là bản chất, đâu là hiện tượng trong cách vận dụng thiên biến vạn hóa của chủ nghĩa duy vật từ phía những người cộng sản, Nhật Tiến vẫn nhiệt thành kêu gọi mọi người hãy “nhìn nhận nhau để toan tính một cái gì mới mẻ cho quê hương,” hãy hòa hợp hòa giải chứ đừng thù hận, hãy làm toán cộng chứ đừng làm toán trừ. Dĩ nhiên không có sự chối cãi rằng những “nhìn nhận nhau,” những hòa hợp hòa giải, những bài toán cộng là chân lý tuyệt hảo. Tuy nhiên, điều quan trọng không là vấn đề chân lý là gì mà là vấn đề : làm thế nào để thực hiện chân lý đó. Ðiều quan trọng không là bài toán cộng mà là thắc mắc làm thế nào để cộng. Chân lý không đi kèm phương pháp thực hiện chỉ là chân lý chiêu bài, chân lý mỵ dân, chân lý của những kẻ hiểu lơ mơ về chân lý. Ðọc “Gặp gỡ ngày cuối năm” mọi người đều nhận biết :
- Ðại tá Việt cộng, đại diện cho nhà cầm quyền, đại diện cho phe tả.
- Người tù đại diện cho những người thuộc chế độ VNCH, đại diện cho phe hữu.
Bài toán mà Nhật Tiến muốn cộng chính là bài toán cộng giữa tả và hữu tại Việt Nam. Làm thế nào để có thể cộng tả với hữu ? Như mọi người đã biết lịch sử chẳng qua chỉ là sự tái tục bất tận của một loại vòng quay ba điểm : chính đề, phản đề, tổng hợp đề. Sau mỗi lần tái tục, vòng quay này lại có thêm nhưng tăng tiến về phẩm lẫn lương. Hiện sử Việt Nam là một cuộc đấu tranh lẫn nhau giữa tả và hữu, giữa chính đề và phản đề. Vì thế xã hội Việt Nam trong tương lai chắc chắn không thể là xã hội của tả hay của hữu, mà là xã hội của tổng hợp đề. Xã hội tổng hợp đề chằng là gì khác hơn là xã hội Tam Dân. Tam Dân ở đây không liên hệ gì đến Tam Dân của Tân Văn cả. Tam Dân ở đây bao gồm : dân bản, dân tính, dân chủ.
- Dân bản : hàm ý mọi toan tính có liên hệ đến tâm sinh mệnh Việt phải khởi đi từ quyền lợi Việt và nhằm phục vụ quyền lợi Việt.
- Dân tính : tính thể hiện trong đời sống trở thành tình. Dân tộc tính và dân tộc tình chính là nội dung của văn hóa Việt. Vì vậy dân tộc tính đòi hỏi văn hóa Việt phải được triệt để phục hoạt.
- Dân chủ : dân chủ đích thực là một nền dân chủ được vận hành trong tinh thần vô chánh phủ. Ðiều này xác minh rằng dân chủ trong tư tưởng Việt phải là một nền dân chủ diễn ra trong trật tự, nhưng lại là trật tự của tự giác chứ không là trật tự của cảnh sát công an.
Xã hội Tam Dân có lý tưởng là Tam Nhân (Nhân bản - Nhân tính - Nhân chủ). Lý tưởng Tam Nhân sẽ giúp cho xã hội Tam Dân của mỗi dân tộc vận động và kết hợp lẫn nhau để tạo ra một xã hội quốc tế đích thực hòa hợp và ổn định.
Vừa rồi tôi đã trình bày một cách khái quát nhất hình ảnh của xã hội Việt Nam trong tương lai, một xã hội mà tôi gọi là tổng hợp đề của hiện sử. Thế nên trong tương lai Việt Nam tả hay hữu sẽ chẳng có phe nào toàn thắng. Tả và hữu dầu muốn hay không muốn cũng sẽ phải gặp nhau trong tâm sinh mệnh dân tộc hiểu theo ý nghĩa tròn đầy của Tam Dân. Ðó là xu thế của lịch sử. Ðó là ý nghĩa của bài toán cộng tả và hữu. Nhiệm vụ của mỗi người Việt yêu nước ngày nay là hãy thuyết phục tả lẫn hữu phải rủ bỏ tất cả những sinh hoạt kinh tế, văn hóa, chính trị nào không phù hợp với dòng sống Việt để có thể hội nhập vào tâm sinh mệnh dân tộc càng sớm càng tốt. Trong cuộc hội nhập này, phe tả có vẻ khó khăn hơn bởi họ phải gột rửa toàn bộ chủ nghĩa duy vật như một hành vi tiên khởi và căn bản.
Bây giờ chúng ta hãy trở về với bài toán cộng trong “Gặp gỡ ngày cuối năm.” Nhật Tiến đã đơn giản hóa bài toán cộng bằng cách cho rằng chỉ cần “rũ bỏ định kiến” là “chú” và “tôi” có thể “đồng hành.” Nhật Tiến quên rằng người ta chống cộng không vì định kiến mà vì người ta không đồng ý với xã hội con đẻ của Marx Lenine. Nếu bài toán cộng chỉ đòi hỏi “rũ bỏ định kiến” thì đó chỉ là bài toán cộng giữa hai cá nhân. Ngay cả trong trường hợp cộng cá nhân, Nhật Tiến vẫn lúng túng trong việc tìm đáp số. Thế nên để cho bài toán cộng có vẻ dễ dàng, Nhật Tiến đã vụng về đặt hai nhân vật trong truyện ở vào hai vị trí cao và thấp sai biệt rõ rệt : bên này là đại tá, bên kia là tù ; bên này là anh, bên kia là em. Ðã vậy bài toán cộng còn được kích động bởi “lời trối trăng” của người bố, và nhất là bởi màn thách thức nổ súng ở khúc kết. Có thể nói rằng màn thách nổ súng là cái chốt của câu chuyện. Màn này đã đưa đến sự việc hai anh em cảm động cầm tay nhau cũng như đã đưa người tù từ “xã hội tự do nhân bản” về với “chính chúng nó ngụy hơn ai hết.” Nói cách khác truyện ngắn “Gặp gỡ ngày cuối năm” hiển nhiên chỉ là truyện cổ võ cho một cuộc “Hồi tà.”
Cộng tả và hữu không thể là bài toán cộng của hai anh em ruột.
Cộng tả và hữu không thể là kết quả của một quyết định theo cảm tính sau hành vi thách thức nổ súng.
Cộng tả và hữu không thể là một chuyến “hồi tà” từ hữu về tả.
Cộng tả và hữu không thể đặt căn bản trên những sự việc chỉ có trong giấc mơ : tất cả nhà tù trên thế giới, nhà tù của cộng sản cũng như của tư bản đều dứt khoát không thể cho phép bất kỳ cá nhân nào được mang vũ khí tại phòng nói chuyện với tù. Ðại tá Việt Cộng mang súng vào phòng tù thăm em hiển nhiên là một sự việc hoang đường nhất trong thế giới của những hoang đường.
“Gặp gỡ ngày cuối năm” là một truyện “đầu voi đuôi chuột.” Truyện này đã mở đầu bằng bài toán cộng tả và hữu “để toan tính một cái gì mới mẻ cho quê hương” nhưng lại kết thúc bằng một cuộc làm hòa giữa hai anh em để ngay sau đó người anh dẫn người em đi “hồi tà.” Tính chất “đầu voi đuôi chuột” này là một hệ quả tất nhiên của tình trạng không phân định được hận thù cá nhân và thù hận trong hồn sử, không thấy được đòn bẫy giữa tĩnh và động trong lịch sử quan, không xác định được đâu là bản chất, đâu là hiện tượng của Cộng sản và hoàn toàn không dự kiến được những yếu tố cần có đối với bài toán cộng giữa tả và hữu.
Tóm lại, qua những phần trình bày ở trên, tôi có chủ ý xin được thuyết phục độc giả chấp nhận sự thể rằng "dân tộc Việt Nam hiện nay đang bị dằng co bởi một mâu thuẫn lớn. Mâu thuẫn đó có nội dung như sau : bên này là đòi hỏi của lịch sử về một bài toán cộng, bên kia là những hiểu biết rối loạn đối với phương pháp cộng. Mâu thuẫn giữa cộng và phương pháp cộng là mâu thuẫn chính. Do thái độ tích cực tham dự vào cố gắng giải trừ mâu thuẫn chính, nhiều người đã va chạm lẫn nhau. Trong số “nhiều người” đó có Nhật Tiến và tôi. Tôi gọi va chạm này là mâu thuẫn phụ với hàm ý rằng những gì tôi viết trong bài này nếu bị xem là xúc phạm đến Nhật Tiến thì đó chỉ là những xúc phạm hoàn toàn ngoài ý muốn và vô cùng đáng tiếc. Ðáng tiếc bỡi các lẽ :
- Tôi biết Nhật Tiến là một nhà văn rất tự trọng. Nhật Tiến bao giờ cũng cầm bút bằng tất cả tim óc trong sáng. Ngòi bút của Nhật Tiến không hề một lấn lướt trên mặt giấy theo đòi hỏi của bất kỳ tổ chức chính trị nào.
- Tôi biết Nhật Tiến đã có thật nhiều năm bền chí trên con đường phục hoạt dân sinh. Nhật Tiến là người bạn thân thiết và thương mến nhất của những thuyền nhân khốn khổ. Nhật Tiến cũng không phải là người khách lạ đối với những vị đã ngày đêm tính chuyện trở về quê cũ qua ngõ vượt biển băng rừng.
- Tôi biết Nhật Tiến là một nhà văn đích thực dấn thân. Tuy nhiên tấm lòng của Nhật Tiến đã không được đón tiếp bởi hoàn cảnh nhiễu nhương. Sau khi “tình biếu không” bị từ chối, Nhật Tiến lặng lẽ trở về thư phòng. Có rất nhiều ngày ngồi một mình trong căn phòng cố tình giữ cho thiếu ánh sáng, Nhật Tiến đã suy nghĩ triền miên về bạn bè, về đồng bào và về quê hương... Cuối mỗi lần suy nghĩ triền miên như vậy, Nhật Tiến bao giờ cũng nhận biết một điều thật rõ nét : đó là nỗi cô đơn mênh mông và sâu thẵm...
Những điều “tôi biết” đã kết đọng trong tôi thành lòng tôn kính vững vàng của tôi đối với Nhật Tiến. Chính lòng tôn kính này đã khiến tôi xao xuyến rất nhiều trước khi tôi cầm bút viết về cảm nghĩ của tôi, một độc giả của Nhật Tiến, đối với một truyện ngắn của nhà văn này. Ðiều khó khăn cho tôi là cùng lúc tôi phải trực diện với hai vấn đề gần như đối lập lẫn nhau :
1) Tôi phải tiếp tục giữ lòng tôn kính đối với Nhật Tiến bởi vì Nhật Tiến xứng đáng được tôn kính.
2) Tôi phải tích cực tham dự vào cố gắng giải trừ mâu thuẫn giữa nhu cầu cộng và phương pháp cộng, bởi vì đó là đòi hỏi của lương tri và ái quốc.
Cuối cùng, tôi quyết định mang “Gặp gỡ ngày cuối năm” đặt lên bàn mổ. Tôi đã viết bằng tất cả lòng thành và vốn hiểu biết của tôi. Tôi viết thật thẳng thắng, mạnh mẽ, thật chính xác... Tuy nhiên càng viết quyết liệt bao nhiêu tôi lại càng cảm thấy lòng mình xót xa bấy nhiêu. Ðó là lý do giải thích tại sao tôi gọi bài viết này là “Trận chiến xót xa.”
ÐỖ THÁI NHIÊN
No comments:
Post a Comment